Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Truyền thông Internet

Truyền thông Internet (tiếng Anh Internet Communication) là việc chia sẻ thông tin, ý tưởng hoặc đơn giản là lời nói trên WWW hay Internet. Các hình thức truyền thông Internet khá phong phú, bao gồm phòng trò chuyện, email, tin nhắn tức thời, diễn đàn Internet, trang mạng xã hội, VoIP, v.v.

Lợi thế và nhược điểm[sửa]

Lợi thế[sửa]

Truyền thông Internet có nhiều lợi thế như tiết kiệm thời gian, kinh phí. Vd., vì đã trả tiền tài khoản Internet để được sử dụng cho nên việc thay thế các cuộc điện thoại truyền thống bằng cách gửi tin nhắn tức thời (IM) hoặc sử dụng VoIP là không mất phí. Khả năng giao tiếp liên tục 24/4 trên Internet làm cho cơ hội làm việc, kinh doanh dễ dàng và thuận lợi hơn. Ví dụ với dự án phát triển phần mềm được các lập trình viên khắp nơi trên thế giới tham gia thực hiện liên tục nếu công ty phần mềm có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau. Internet tạo ra một môi trường trong đó mọi người có trách nhiệm hơn với lời nói của mình vì không như các cuộc đối thoại trực tiếp truyền thống, giao tiếp trên Internet được ghi chép đầy đủ (log). Internet còn giúp thu hẹp khoảng cách về văn hóa, nơi đó mọi người từ các quốc gia khác nhau dễ dàng giao tiếp để trao đổi các ý tưởng và quan điểm.

Nhược điểm[sửa]

Tuy nhiên, như mọi công nghệ khác, truyền thông Internet cũng có nhược điểm, trước hết phải kể đến vi-rút, vấn đề riêng tư và thư rác. Hàng ngày vẫn còn nhiều người bị lộ thông tin cá nhân không mong muốn do email bị tin tặc tấn công hay tín hiệu điện thoại bị chặn...

Các hình thức truyền thông phổ biến nhất[sửa]

Thư điện tử (email)[sửa]

Email là phiên bản kỹ thuật của thư truyền thống, nó sử dụng công nghệ truyền thông điệp không đồng bộ trên mạng Internet. Nội dung thư có thể về trao đổi kinh doanh, đề đạt một yêu cầu hay kết bạn được soạn thảo trên email client (vd. phần mềm Microsoft Outlook), nó có thể được gửi đến bất kỳ ai, miễn là biết trước địa chỉ email người nhận. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đều cung cấp hệ thống email và gateways để có thể trao đổi email với người dùng trên các hệ thống email khác nhau. Thông thường, chỉ mất vài giây để email đi đến người nhận. Email là phương thức hiệu quả để liên lạc với nhóm người vì có thể gửi thư cùng lúc cho mọi thành viên của nhóm (xt. Thư điện tử).

Một trong các hạn chế lớn nhất khi sử dụng email là thư rác. Thư rác được xem như email thương mại không mong muốn (junk mail), ví dụ thư quảng cáo sản phẩm được gửi đến hàng ngàn, hàng triệu người. Thông thường thư rác làm sự lây lan của Trojan và các loại vi-rút khác. Do vậy, người dùng hệ thống email cần sử dụng chương trình chống vi-rút để thường xuyên quét email đến và đi.

Blog[sửa]

Blog được xem như tạp chí, nhật ký điện tử của người dùng. Khi lần đầu tiên blog được giới thiệu (trước năm 1998), chúng được sử dụng như tập nhật ký của người viết (blogger) trên Internet. Blog cho khả năng tương tác một-nhiều, có nghĩa là bài viết của một người được phổ biến đến nhiều người có chủ đích. Tuy nhiên, tiềm năng xã hội của blog sớm được nhận ra nhờ hạ tầng kết nối Internet, do vậy nó được bổ sung các tính năng tương tác nhiều-một (mọi người đọc có thể viết bình luận cho blogger) và nhiều–nhiều (người đọc khác có thể đọc/viết bình luận cho các nhận xét của những người khác, nếu nó chưa bị blogger xóa). Giờ đây, blog không chỉ sử dụng đểchia sẻ thông tin về cuộc sống, blogger còn có thể kiếm tiền bằng cách quảng bá sản phẩm, chia sẻ thông tin, hướng dẫn và thậm chí đưa ra tuyên bố chính trị. Các trang blog thông dụng ngày nay bao gồm Wix. com và Joomla. com.

Tin nhắn tức thời (IM - Instant Message)[sửa]

IM là gửi tin nhắn thời gian thực từ người dùng này sang người dùng khác, là cuộc trò chuyện một đối một (one-to-one) trên Internet, tin nhắn xuất hiện tức thời trên màn hình nếu người nhận đang có mặt ở trong danh bạ liên hệ (xt. Tin nhắn tức thời).

Tương tự như email, tin rác và vi-rút cũng lan truyền trong IM. Tin rác thường cố tình liên kết đến trang web quảng cáo nào đó. Người dùng cần tuân thủ qui tắc trò chuyện an toàn và sử dụng các chương trình chống vi-rút để giảm khả năng lây nhiễm do các chương trình độc hại phát tán.

IRC (Internet Relay Chat)[sửa]

IRC được Jarkko Oikarinen (Phần Lan) phát triển vào năm 1980 để thay thế các dịch vụ chuyện trò trước đó. IRC cho khả năng nhiều người tham gia trò chuyện. Để kết nối vào dịch vụ IRC, người dùng cần có quyền xâm nhập Internet và phần mềm IRC client (vd. mIRC). IRC client gửi và nhận thông điệp từ IRC server. IRC server đảm bảo rằng tất cả các tin nhắn được gửi đến mọi người tham gia thảo luận. Có thể nhiều cuộc thảo luận diễn ra đồng thời, tuy nhiên mỗi người được chỉ định với một kênh duy nhất (channel, room). Khi đã tham gia vào phòng trò chuyện (IRC chatroom), người dùng có thể nhập tin nhắn để mọi người trong phòng nhìn thấy, hoặc gửi tin nhắn riêng cho một người tham gia.

Hạn chế của IRC là có độ trễ lớn hơn IM do phải kết nối với các máy chủ, trong khi IM trao đổi tin nhắn trực tiếp giữa hai phần mềm client.

Điện thoại Internet (Internet Telephony và VoIP)[sửa]

Là loại công nghệ cho phép các cuộc gọi thoại và các dịch vụ khác như fax, SMS, v.v. truyền qua mạng Internet. So sánh với điện thoại truyền thống, kết nối trong điện thoại Internet thường chậm hơn, tuy nhiên chất lượng tiếng nói là tương đương.

VoIP là một phương thức truyền thông dựa trên Internet đang ngày càng phổ biến. Kết hợp phần cứng và phần mềm VoIP để kết nối Internet và truyền dẫn các cuộc gọi điện thoại. Dữ liệu thoại số được chia thànhgói và được router định tuyến theo giao thức IPthay vì sử dụng đường dây trongmạng điện thoại chuyển mạch công cộng (cg. PSTN). Chương trình VoIP ngày nay (vd. Skype) cho phép người dùng giao tiếp bằng âm thanh vàvideo (face-to-face) qua Internet (xt. Điện thoại Internet). Người dùng có thể phải trả thêm kinh phí nếu gọi đường dài bằng VoIP, tuy nhiên nó ít tốn kém hơn nhiều so với điện thoại truyền thống.

Trang truyền thông xã hội (Social Media Sites)[sửa]

Trang truyền thông xã hội (SNS - Social Networking Sites) là nền tảng để tạo lậpcộng đồng trực tuyến của các cá nhân trao đổi tin nhắn, chia sẻ thông tin và hợp tác trong các hoạt động chung. Hầu như tất cả những ai truy cập vào Internet đều có tài khoản trên SNS như Facebook, Twitter, Instagram, v.v. Trên trang này, thành viên tạo lập và duy trì hồ sơ cá nhân (profile), có thể liên kết với hồ sơ của các thành viên khác. Kết quả là một mạng “bạn bè” được hình thành để chia sẻ cùng vấn đề quan tâm, mục đích kinh doanh hoặc các khóa học trực tuyến (xt. Truyền thông xã hội).

Hội nghị truyền hình (Video conferencing)[sửa]

Hội nghị truyền hình là đề cập đến việc tiến hành hội nghị giữa hai hoặc nhiều người ở xa nhau về mặt địa lý, sử dụng Internet để truyền dữ liệu âm thanh và video trong thời gian thực. Mỗi người tham gia cần có một máy quay video, micrô và loa kết nối trên máy tính. Để hội nghị truyền hình hoạt động được, những người tham gia phải sử dụng cùng phần mềm client hoặc tương thích. Nhiều công cụ hội nghị truyền hình miễn phí có sẵn trên Internet để sử dụng (vd. ezTalks, Skype, Google Hangouts). Nhiều gói hội nghị truyền hình mới hơn cũng được tích hợp với các chương trình IM client công cộng để có thể thực hiện hội thảo đa điểm (xt. Hội nghị truyền hình).

Tại Việt Nam[sửa]

Cũng như các phương tiện truyền thông truyền thống, truyền thông Internet ở Việt Nam được sử dụng làm công cụ thông tin và định hướng các chính sách của Nhà nước. Các phương thức truyền thông Internet như email, IM, VoIP, hội nghị truyền hình, v.v. được sử dụng rộng rãi. Một số hình thức truyền thông mới đặc biệt là mạng xã hội như Facebook, YouTube ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 4 năm 2020, Việt Nam có đến 63 triệu người sử dụng Facebook, đứng thứ 8 thế giới, thứ 2 ở khu vực Asean (sau Indonesia).

Trong những năm qua, nhiều công ty Việt Nam đang cố gắng tạo ra mạng xã hội của riêng mình. Trong vòng 4 tháng năm 2019 có đến 3 mạng xã hội Việt Nam ra đời, bao gồm Hahalolo (công ty Hahalolo), Gapo (Gapo Technology) và Lotus (VCCorp). Tuy nhiên, các trang mạng xã hội này đang “chìm vào quên lãng và có thể đóng cửa”.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Barney Warf, The SAGE Encyclopedia of the Internet, SAGE Publications, 2018
  2. Nancy K. Baym, Yan Bing Zhang, Mai-Chen Lin, Social interactions across media, New media & society, 2004
  3. Sorin Adam Matei, Martha G. Russell, Elisa Bertino (eds.), Transparency in Social Media - Tools, Methods and Algorithms for Mediating Online Interactions, Springer, 2015.