Mục từ này cần được bình duyệt
Trung tâm vật lý lý thuyết quốc tế Abdus Salam
Phiên bản vào lúc 11:26, ngày 7 tháng 1 năm 2021 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (ICTP) viện nghiên cứu quốc tế về khoa học vật lý và toán học hoạt động theo thỏa thuận ba bên giữa Chính phủ…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

(ICTP) viện nghiên cứu quốc tế về khoa học vật lý và toán học hoạt động theo thỏa thuận ba bên giữa Chính phủ Italy, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Logo của ICTP GS. Abdus Slam

Tên: The Abdus Salam International Centre for Theoretical Physics (ICTP).

Năm thành lập: 1964.

Địa điểm: Nằm cạnh công viên Miramare ở vùng ngoại ô thành phố ven biển Trieste, Ý (cách trung tâm thành phố khoảng 10 km theo hướng Tây Bắc Bắc).

Người sáng lập: Giáo sư Abdus Salam, nhà Vật lý Pakistan đoạt giải Nobel.

Cơ quan thành lập: ICTP hoạt động theo thỏa thuận ba bên giữa Chính phủ Ý, UNESCO và IAEA. Cơ quan quản lý hành chính của ICTP từ lúc thành lập đến năm 1995 là IAEA và từ năm 1996 tới nay là UNESCO.

Chức năng, nhiệm vụ: thúc đẩy phát triển đào tạo và nghiên cứu tiên tiến về vật lý và toán học, đặc biệt là hỗ trợ cho nhân tố xuất sắc ở các nước đang phát triển; Phát triển các chương trình khoa học cao cấp hướng đến nhu cầu của các nước đang phát triển và cung cấp một diễn đàn tiếp xúc khoa học quốc tế cho các nhà khoa học từ tất cả các nước; Tiến hành nghiên cứu ở trình độ quốc tế cao nhất và duy trì môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học đối với toàn bộ cộng đồng ICTP.

Cơ cấu tổ chức hiện nay: ICTP là trung tâm khoa học dạng 1 của UNESCO với Ban chỉ đạo gồm các thành viên là đại diện của ba bên, có nhiệm vụ định hướng cho các hoạt động của Trung tâm, xác định mức ngân sách và xem xét các đề xuất của Giám đốc Trung tâm về chương trình, kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính và ngân sách; và với Hội đồng Khoa học gồm các chuyên gia xuất sắc trong các chuyên ngành liên quan đến hoạt động của Trung tâm và là đại diện cho các vùng địa lý trên thế giới.

Hội đồng Khoa học tư vấn cho Trung tâm về các chương trình hoạt động có tính đến xu hướng chính về học thuật, khoa học, giáo dục và văn hóa phù hợp với các mục tiêu của Trung tâm. Chủ tịch Hội đồng khoa học được tham dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo với tư cách tư vấn.

Giám đốc chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động khoa học và hành chính của Trung tâm, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo và Hội đồng Khoa học của Trung tâm để định hướng chiến lược. Giúp việc cho Giám đốc là các Quyền Giám đốc bộ phận, mỗi người phụ trách một bộ phận cụ thể.

Trung tâm tổ chức hoạt động theo các Phân ban. Nhân lực trong mỗi Phân ban gồm các nhà khoa học trong biên chế (số lượng rất hạn chế, chỉ khoảng 3-6 người); các nghiên cứu viên sau tiến sĩ và các cộng tác viên mời ngắn hạn và dài hạn.

Hoạt động nghiên cứu: trung tâm triển khai hoạt động nghiên cứu theo 07 Phân ban, gồm: Vật lý Năng lượng cao, Vật lý Hạt - Thiên văn và Vũ trụ học (HECAP); Vật lý Thống kê và Chất rắn (CMSP); Toán học (MATH); Vật lý hệ Trái đất (ESP); Vật lý Ứng dụng (AP); Khoa học sự sống định lượng (QLS) và Các lĩnh vực nghiên cứu mới, bao gồm Năng lượng tái tạo, Khoa học tính toán, Tính toán hiệu năng cao, Vi xử lý, Viễn thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho phát triển.

Hoạt động đào tạo: các chương trình đào tạo ở Trung tâm khá đa dạng và chủ yếu dành cho các nhà nghiên cứu trẻ từ các nước đang phát triển. Chương trình Diploma: đây là chương trình đào tạo chuyên sâu (1 năm) cho các sinh viên giỏi dưới 28 tuổi, chuẩn bị làm tiến sỹ trong 5 lĩnh vực nghiên cứu chính tại Trung tâm là Toán; Vật lý năng lượng cao, Vật lý Hạt-Thiên văn và Vũ trụ học; Vật lý chất rắn; Vật lý hệ Trái đất; và Khoa học sự sống định lượng.

Các chương trình Thạc sỹ: gồm chương trình Th.S Quốc tế Vật lý các Hệ phức hợp hợp tác đào tạo (2 năm) giữa ICTP với SISSA Trieste, Đại học Politecnico di Torino và tập đoàn các trường đại học Pierre & Marie Curie, Paris Diderot, Paris-Sud và École Normale Supérieure tại Cachan, Pháp; Chương trình Th.S Vật lý đào tạo (2 năm) giữa ICTP và Đại học tổng hợp Trieste; Chương trình Th.S Vật lý Y tế đào tạo (2 năm) giữa ICTP và Đại học tổng hợp Trieste dành cho các cử nhân vật lý hoặc các lĩnh vực liên quan; Chương trình Th.S Kinh tế liên kết đào tạo (1-2 năm) giữa ICTP và Trường Collegio Carlo Alberto, được Trường Collegio Carlo Alberto cấp bằng Master of Arts; Chương trình Th.S Tính toán hiệu năng cao (MHPC) nhằm cung cấp cho sinh viên một nền tảng vững chắc về phương pháp tính toán khoa học, thuật toán và mô hình hóa.

Các chương trình Tiến sỹ: gồm Chương trình STEP cấp học bổng của IAEA và ICTP cho các NCS hệ đào tạo Tiến sỹ phối hợp (sandwich) giữa cơ sở trong nước với nước ngoài tới ICTP hoặc Viện liên kết để làm việc với thày đồng hướng dẫn với khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng mỗi năm, trong 3 năm liên tiếp. Bằng Tiến sỹ do cơ sở trong nước cấp; Chương trình liên kết ICTP/SISSA đào tạo Tiến sỹ (3 năm) giữa ICTP với trường Đại học SISSA dành cho các học viên đã tốt nghiệp bằng Diploma tại ICTP; Chương trình Tiến sỹ khoa học trái đất và Cơ học chất lỏng liên kết đào tạo Tiến sỹ (3 năm) giữa ICTP với trường Đại học Trieste và Viện Hải dương học và Thí nghiệm địa vật lý quốc gia Italia (OGS); Chương trình Tiến sỹ Vật lý liên kết đào tạo Tiến sỹ (3 năm) giữa ICTP với trường Đại học Trieste. ICTP cấp học bổng để theo học chương trình tại Khoa Vật lý trường Đại học Trieste.

Các hoạt động hỗ trợ phát triển sự nghiệp cho các nhà khoa học gồm: Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo và Lớp học hàng năm tại ICTP hoặc tại các nước đang phát triển; Chương trình Cộng tác viên (Associates): gồm Cộng tác viên trẻ (dưới 36 tuổi), Cộng tác viên thường xuyên (từ 36 đến 45 tuổi) và Cộng tác viên cao cấp (trên 45 đến 65 tuổi) nhằm hỗ trợ các nhà khoa học duy trì mối liên lạc lâu dài với môi trường khoa học tích cực của ICTP; Chương trình Viện liên kết: Đây là chương trình hỗ trợ các Viện liên kết ở các nước đang phát triển cử cán bộ trẻ không quá 40 tuổi đến ICTP tham dự các chương trình khoa học trên cơ sở cùng chia sẻ chi phí; Chương trình hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm Ý (TRIL) tài trợ thực tập (đến 1 năm) trong các phòng thí nghiệm của Trung tâm và của các Viện, trường đại học của Ý dành cho các nhà khoa học của các nước đang phát triển.

Các giải thưởng: Huy chương Dirac: cho các nhà khoa học có đóng góp đáng kể cho Vật lý lý thuyết; Giải thưởng ICTP: Cho các nhà khoa học trẻ (không quá 12 năm sau khi có bằng Tiến sỹ) đang làm việc tại các nước đang phát triển; Giải thưởng ICO/ICTP Gallieno Denardo: Cho các nhà khoa học trẻ dưới 40 tuổi vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực quang học và photonic; Giải thưởng Ramanujan: Cho các nhà toán học trẻ dưới 45 tuổi từ các nước đang phát triển; Giải thưởng Walter Kohn: Cho các nhà toán học trẻ dưới 45 tuổi có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực mô phỏng phân tử và vật liệu cơ lượng tử chú trọng đến kỹ thuật nguyên lý ban đầu; Giải thưởng Tinh thần Abdus Salam: Là giải thưởng của gia đình Abdus Salam được trao hàng năm vào ngày tổ chức các Bài giảng xuất sắc tại ICTP nhân ngày sinh của Salam 29/1 cho những ai đã làm việc và cống hiến để tiếp tục phát huy tinh thần của Abdus Salam cho sự hợp tác, thúc đẩy và phát triển khoa học và công nghệ ở các nước đang phát triển.

Tác động và ảnh hưởng tới Việt Nam: ICTP đã giúp tiếp sức cho nhiều nhà khoa học Việt Nam phát triển và duy trì sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình. Trong giai đoạn 1970-2013 có hơn 1245 nhà khoa học đã được mời tới ICTP tham dự các hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại đây. Tổng số tiền ICTP chi hỗ trợ cho tất cả các hoạt động khoa học tham dự của Việt Nam là 3.267.562 Euro (trong giai đoạn 1996-2017). Trong đó, hỗ trợ tham dự hội nghị, lớp học là 341.975 Euro; Postdoc – 251.329 Euro; Cộng tác viên – 605.839 Euro; Chương trình Diploma – 677.040 Euro; Chương trình OEA – 356.590 Euro; Chương trình Viện liên kết – 237.238 Euro; Chương trình TRIL – 213.200 Euro; Mời nhóm nghiên cứu – 544.700 Euro.

Nhiều giáo sư đầu ngành của Việt Nam như GS. Nguyễn Văn Hiệu, GS. Nguyễn Văn Đạo, GS. Đào Vọng Đức, GS. Hà Huy Khoái, GS. Ngô Việt Trung, GS. Lê Tuấn Hoa đã tham dự tích cực nhiều hoạt động của ICTP và đã trở thành Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học các nước thế giới thứ ba (TWAS), một tổ chức có quan hệ chặt chẽ với ICTP. Gần đây nhất GS. Đàm Thanh Sơn được trao Huy chương Dirac năm 2018 và GS Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán hoc được trao giải thưởng Ramanujan năm 2019.

Tháng 3 năm 2013 Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN GS. Châu Văn Minh và Giám đốc ICTP GS. Fernando Quevedo đã ký kết Bản MOU về hợp tác khoa học hai bên, trong đó có nội dung hai bên sẽ cùng nhau tổ chức các lớp học khu vực định kỳ tại Việt Nam luân phiên theo các lĩnh vực toán, lý, năng lượng, khoa học trái đất...

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Báo cáo của ICTP năm 2014 và năm 2017.