Mục từ này cần được bình duyệt
Trộm cướp
Phiên bản vào lúc 09:56, ngày 7 tháng 11 năm 2020 của Hadubrandlied (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Trộm cướp là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác, tùy mức nghiêm trọng mà xử phạt[1][2][3].

Họa phẩm Hái trộm anh đào của tác giả Fritz Zuber-Buhler.

Thuật ngữ[sửa]

Trộm cướp là lối diễn giải hiện đại của hai hành vi trộm/chộm (cổ âm : tlộm[4], 濫) và cướp/cắp (cổ âm : kiếp, 劫), trước kia được gọi chung thiết đạo tặc (竊盜賊).

Lịch sử[sửa]

Mặc dù được coi là một tội, nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành vi trộm cướp. Tuy vậy, nhìn chung có ba dạng phổ biến :

  • Trộm cướp vì túng thiếu : Đây là hình thức căn bản, có thể xảy ra ở bất kì xã hội hay thời đại nào, thậm chí ngay trong những thành phần ưu tú nhất.
  • Trộm cướp vì bị ai thúc ép : Một dạng phạm tội vì nguyên nhân khách quan, thường phát xuất ở những bối cảnh đặc thù ; thường được gọi tội phạm có tổ chức.
  • Trộm cướp vì bệnh lý : Thường xảy ra ở những hình thái xã hội ít có sự cảm thông giữa các thành phần, cả xã hội phải biến chuyển theo những định kiến khắt khe ; dạng tội phạm này có thể không túng thiếu và càng không bị ai thúc ép, mà thực hiện hành vi vì muốn gây sự chú ý của người xung quanh.

Ở hậu kì hiện đại, các tội lừa đảo, đạo văn, rửa tiền, liên đới kĩ nghệ cao cũng được coi là trộm cướp hoặc xử như trộm cướp, dù phương thức thực hiện phức tạp hơn. Từ thập niên 2000, tội này bắt đầu được nhiều quốc gia xem xét xếp chung với khủng bố để tiến tới hợp nhất thành một khung phạt.

Tuy nhiên trong trường kì lịch sử cũng thường xuất hiện nghĩa tặc, tức những nhân vật tìm cách trộm cướp để thỏa mãn hành vi nghĩa hiệp, hoặc giản đơn là chứng minh sự bế tắc hoặc bất cân đối của hiện thực xã hội. Lớp người này được lưu truyền thành giai thoại và có phẩm cách văn chương là chủ yếu.

Tìm hiểu các luật hình sự thời quân chủ, có thể thấy triều đình Việt trước đây luôn có những điều luật xử nghiêm hành vi trộm cắp, dù là trộm cắp thông thường. Những trường hợp đặc biệt như trộm báu vật, ấn tín, đồ tế khí, lăng tẩm... liên quan đến triều đình đều nhất loạt xử tử, ở đây tôi không bàn tới.
Điều luật cụ thể xử tội trộm cắp vào thời Lý, hiện chưa có tư liệu trực tiếp đề cập. Chỉ biết, nhà Lý xử nặng đối với người trộm trâu, cụ thể là phạt đánh 100 trượng (1). Với người ăn trộm trâu và giết trâu thì cả hai vợ chồng đều bị phạt đánh 80 trượng, chồng chịu tội đồ phục dịch trong quân đội, vợ chịu tội đồ phục dịch trong nhà trồng dâu nuôi tằm, đồng thời phải đền trâu cho người bị trộm (2). Cần lưu ý, luật năm 1125 quy định tội giết người chỉ bị phạt 100 trượng, trổ 50 chữ vào mặt (3). Ngô Thì Sĩ sau này phê luật nhà Lý xử quá nhẹ, đồng thời cho đó là lỗi lớn của nhà Lý (4). Chính vì vậy có cơ sở để suy luận, tội trộm cắp của cải thông thường vào thời kỳ này cùng lắm chỉ bị đánh vài chục trượng mà thôi.
Nhà Trần lên thay nhà Lý vào năm 1226. Bốn năm sau ban hành bộ luật mới. Lê Tắc gián tiếp cho biết : “Với kẻ trộm cắp, lần đầu trộm phạt đánh 80 trượng, trổ hai chữ Phạm Đạo [phạm tội ăn trộm] vào mặt, phải đền 9/10 đồ ăn trộm, không thể đền thì bắt vợ con làm nô lệ. Tái phạm thì chặt chân tay. Phạm lần thứ ba thì giết” (5). Sứ thần nhà Nguyên, Trần Cương Trung, năm 1293 sang sứ cũng ghi nhận : “Hình pháp rất tàn khốc, kẻ ăn trộm và đào tẩu bị chặt ngón chân, ngón tay” (6).
Luật nhà Lê sơ đánh dấu bởi bộ "Quốc triều hình luật" (còn gọi là "Luật Hồng Đức") ban hành vào khoảng 1470 - 1497 thời Lê Thánh Tông. Bộ luật này quy định : Kẻ trộm mới phạm lần đầu thì phải đày đi viễn xứ. Kẻ trộm đã có tiếng và kẻ trộm tái phạm thì phải tội chém. Kẻ giữa ban ngày ăn cắp vặt cũng xử tội đồ (tương tự như phạt lao động công ích ngày nay), đã lấy được của thì phải bồi thường 1/3 tang vật... Đàn bà được giảm tội (7). Đối chiếu với ghi chép của "Toàn thư" và "Hình luật chí" của Phan Huy Chú, có thể thấy trộm cướp thời kỳ này ngoài chịu tội lưu (đày), tội đồ (phục dịch), còn bị chặt ngón tay. Phan Huy Chú cho biết, năm 1721, triều đình Lê - Trịnh Đàng Ngoài đã cho đổi tội “chặt tay và lưu đày” thành “đi đày và phục dịch ở chuồng voi” tùy theo nặng nhẹ để xác định thời hạn như tội xử “chặt hai bàn tay và đày đi viễn xứ” thì thành “đi phục dịch ở chuồng voi suốt đời”... Tuy nhiên, “những kẻ trộm cướp bị tội chặt tay và lưu đày thì không theo lệ này” (8). Luật của Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phước Nguyên (trị vì 1614 - 1635) quy định : “Tội nặng, tên trộm sẽ bị chém đầu ; nếu tội nhẹ như trộm gà, lần đầu hắn sẽ bị chặt một ngón tay, lần thứ hai chặt một ngón khác, lần thứ ba sẽ bị cắt tai, lần thứ tư sẽ bị chém đầu” (9).
Triều đình nhà Nguyễn sau khi thành lập đã cho tham khảo hình luật của các đời, đặc biệt châm chước luật Hồng Đức thời Lê và luật nhà Thanh Trung Quốc, biên soạn và ban hành bộ "Hoàng Việt luật lệ" (thường gọi là "Luật Gia Long") vào năm 1815. Bộ luật này xử tội trộm cắp dựa trên giá trị của tang vật bị trộm : “Phàm trộm cắp đã thực hiện song không lấy được tiền của, phạt 50 roi, miễn trổ chữ. Song lấy được tiền của thì phải trị tội... Phạm lần đầu thì trổ lên cẳng tay phải hai chữ Thiết Đạo [trộm cắp]. Tái phạm trổ lên cẳng tay trái. Phạm lần thứ ba thì xử giảo [thắt cổ]. Cụ thể : Trộm 1 lạng tới 10 lạng đánh 70 trượng, 20 lạng đánh 80 trượng, 30 lạng đánh 90 trượng, 40 lạng đánh 100 trượng, 50 lạng đánh 60 trượng - xử tội đồ 1 năm, 60 lạng đánh 70 trượng - xử tội đồ 2 năm... 100 lạng đánh 100 roi - lưu đày 2000 dặm... 120 lạng trở lên xử tội giảo” (10).
Xét ra thì luật Lý khoan hồng, luật Trần hà khắc, luật Lê nghiêm minh, luật Nguyễn xác thực. Luật thời nay có phạt hành chính, cải tạo, tù giam, tuy đã chạm tới văn minh, song chưa đủ nghiêm để dân nể, chưa đủ sáng để dân theo. Thành thử chục năm gần đây quan trộm dân cướp, phạm pháp thành bầy, không có cách nào ngăn được !
(1), (2), (3) Đại Việt sử ký toàn thư (大越史記全書). Lần lượt là các đạo luật được ban hành vào năm 1042, 1117, 1125.
(4), (8) Lịch triều hiến chương loại chí (歷朝憲章類誌) - Hình luật chí (刑律誌).
(5) An Nam chí lược (安南志略).
(6) An Nam tức sự (安南即事).
(7) Quốc triều hình luật (國朝刑律).
(9) Báo cáo về sứ mệnh mới của các cha xứ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong.
(10) Hoàng Việt luật lệ (皇越律例).

— Vân-trai Trần-quang-Đức, Khảo về luật xử tội trộm-cắp qua các thời-đại, Hà Nội, 2014

Văn hóa[sửa]

Sống hả ? Bà bảo sống là sống như thế nào ? Sống để người ta đè đầu cưỡi cổ mình à ? Cái thời đế quốc phong kiến đi một nhẽ, còn cái thời dân chủ bây giờ sống mà ức hiếp nhau thế ức không chịu nổi. Mà tôi có phải là thằng lười biếng phá phách gì cho cam ? Hai thằng con đi bộ đội : Một thằng phục viên xung phong đi làm kinh tế mới, một thằng đang ở biên giới sống chết không biết lúc nào. Đã sáu mươi tuổi đầu mà hàng ngày vẫn phải theo đít con trâu, quần quật ngoài đồng ; cả bà, con Thắm, thằng Thiết. Bốn lao động, bốn miệng ăn - mà vẫn trầy trật. Làm mười mà không được hưởng đến một. Năng suất 7 tấn, 10 tấn... báo cáo láo hết. Thử hỏi : Hợp tác ưu tiên ưu đãi ở chỗ nào ? Thế mà có đứa giàu to, dựa quyền dựa chức để làm giàu, cám thóc chăn nuôi dấm dúi chia nhau, mà rồi lại còn đăng ảnh vợ con lên mặt báo. Thằng Hóa làm chủ nhiệm mấy năm trước xây nhà to bằng bảy cái đình, thằng kế toán trưởng xây nhà ngói tủ chè sập gụ, thằng Dính chủ lò gạch xây liền một lúc hai dãy nhà. Xã viên thì được cái gì ?
Ra hợp tác ! Sức này ba sào ruộng là sống vung vinh, ối cơm ối gạo, rượu uống cả ngày.

— Phân cảnh lão Trạc, phim Truyện đã qua, chương trình Văn nghệ Chủ Nhật, VTV3, 2000

Tham khảo[sửa]

Liên kết[sửa]

  1. "Theft", Merriam-Webster, truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2011
  2. Theft, legal-dictionary.The freedictionary.com, truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2011
  3. Criminal Law – Cases and Materials, 7th ed. 2012, Wolters Kluwer Law & Business ; John Kaplan, Robert Weisberg, Guyora Binder, [1]
  4. Alexandre de Rhodes, [...]. Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum. Sacra Congregatio de Propaganda Fide, Roma, 1651.

Quốc văn[sửa]

Ngoại văn[sửa]

  • Allen, Michael. Textbook on Criminal Law. Oxford University Press, Oxford. (2005).
  • Criminal Law Revision Committee. 8th Report. Theft and Related Offences. Cmnd. 2977.
  • Green, Stuart P. Thirteen Ways to Steal a Bicycle: Theft Law in the Information Age. Harvard University Press, Cambridge, MA (2012).
  • Griew, Edward. Theft Acts 1968 & 1978, Sweet & Maxwell.
  • Ormerod, David. Smith and Hogan Criminal Law, LexisNexis, London. (2005).
  • Maniscalco, Fabio, Theft of Art (in Italian), Naples – Massa (2000).
  • Smith, J. C. Law of Theft, LexisNexis: London. (1997).