Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Trần Độc Tú
Trần Độc Tú (1879 - 1942)

Trần Độc Tú (1879 - 1942) là nhà hoạt động chính trị Trung Quốc, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1921 đến năm 1927, cg. Trần Khánh Đồng.

Trần Độc Tú quê ở huyện Hoài Ninh, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Thủa nhỏ, Trần Độc Tú theo học các nhà Nho tại nhà. Năm 1896, ông đỗ Tú tài, rồi được nhận vào Thư viện Cầu thị ở Hàng Châu để học tiếng Pháp và đóng tàu. Từ năm 1901 đến năm 1915, Trần Độc Tú đến Nhật Bản năm lần để học tập hoặc là tị nạn. Đây chính là khoảng thời gian Trần Độc Tú tiếp nhận ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây.

Sau Cách mạng Tân Hợi (1911), Trần Độc Tú tham gia chính quyền cách mạng ở tỉnh An Huy. Tháng 9.1915, ông sáng lập tạp chí Thanh niên (sau đổi là Tân Thanh niên) tại Thượng Hải. Tạp chí đã đăng nhiều bài viết vận động cho phong trào văn hóa mới. Ông trở nên nổi tiếng và được mời giảng dạy ở khoa Văn, trường Đại học Bắc Kinh.

Tháng 2.1920, để tránh sự khủng bố của chính quyền quân phiệt, Trần Độc Tú bí mật chuyển từ Bắc Kinh đến Thượng Hải. Trong khi hộ tống Trần Độc Tú rời khỏi Bắc Kinh, Lý Đại Đao đã thảo luận với ông vấn đề thành lập một tổ chức cộng sản ở Trung Quốc. Không lâu sau khi đến Thượng Hải, Trần Độc Tú bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác trong công nhân. Đầu tiên, ông đến các bến tàu để tìm hiểu về cuộc đình công của công nhân, đến Hiệp hội Công nghiệp Trung Quốc và các tổ chức lao động khác để xem xét tình hình thực tiễn. Ông cũng mời các sinh viên tiến bộ và thanh niên cách mạng từ Đại học Bắc Kinh đến gặp công nhân và tìm hiểu điều kiện sống của họ.

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 8.1920, tổ chức ban đầu của Đảng Cộng sản ở Thượng Hải chính thức được thành lập tại Tòa soạn Tân Thanh niên, lấy tên là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 11.1920, Trần Độc Tú và các thành viên đã soạn thảo Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định mục đích của những người cộng sản là tạo ra một xã hội mới phù hợp với lý tưởng của những người cộng sản.

Ngày 23.7.1921, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức tại Thượng Hải, tuyên bố chính thức thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trần Độc Tú được bầu là Bí thư Trung ương Cục. Sau đó, ông lần lượt giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Cục (Đại hội lần thứ 2, lần thứ 3), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Đại hội lần thứ 4, lần thứ 5),…

Khi Chiến tranh Bắc phạt bùng nổ và giành thắng lợi (1924 – 1927) thì Tưởng Giới Thạch tổ chức đảo chính. Năm 1927, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp hội nghị ở Cửu Giang (Giang Tây) đã phê phán đường lối hữu khuynh của Trần Độc Tú và cách chức ông khỏi cương vị Tổng Bí thư.

Tháng 11.1929, Trần Độc Tú bị khai trừ ra khỏi Đảng. Tháng 10.1932, ông bị Chính phủ Quốc dân Đảng bắt và giam ở Nam Kinh. Tháng 8.1937, ông được ra tù và sống ở Vũ Hán, Trùng Khánh trong một thời gian dài. Ông mất ngày 27.5.1942.

Trần Độc Tú cũng để lại một số tác phẩm văn chương tiêu biểu như: Độc Tú văn tự, Tuyển tập văn chương Trần Độc Tú,…

Trần Độc Tú là một nhân vật quan trọng trong lịch sử cận đại Trung Quốc, đặc biệt là thời kỳ đầu khi mới thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông là nhân vật đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước Trung Hoa theo xu thế tiến bộ của thế giới. Trần Độc Tú cũng là một nhân vật lịch sử phức tạp do cuộc đời có nhiều biến động. Ông đã thay đổi từ một nhà cách mạng đi theo chủ nghĩa Mác thời kỳ đầu sang một nhà cách mạng có khuynh hướng của chủ nghĩa Trotsky.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  2. 张红,陈独秀评价之变迁,北京党史,2010年第1期 (Trương Hồng, Những thay đổi trong đánh giá về Trần Độc Tú, Lịch sử Đảng Bắc Kinh, số 1 năm 2010).