Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tiếng ồn

Tiếng ồn là tất cả những âm thanh không mong muốn, gây khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng tới quá trình làm việc và nghỉ ngơi. Tiếng ồn vật lý là những dao động sóng âm với cường độ và tần số khác nhau, sắp xếp không có trật tự và được lan truyền trong môi trường đàn hồi. Đơn vị đo tiếng ồn là dB (decibel).

Phân biệt các nguồn ồn theo vị trí trong nhà (do chính con người hay các thiết bị vệ sinh, tiếng nói, tiếng hát, bước chân chạy nhảy, đi lại, tiếng đài radio, TV,…) hay ngoài nhà do các phương tiện giao thông (ô tô, tàu điện, máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, sân vận động,…) kể cả tiếng sét. Những va chạm có biên độ dao động lớn, vượt quá ngưỡng tai nghe của người bình thường (70 dB). Còn nhiều cách phân loại nguồn ồn khác, như nguồn ồn ổn định, không ổn định.

Tiếng ồn tác động đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác, sau đó mới đến cơ quan thính giác. Tác động của tiếng ồn phụ thuộc vào tần số và cường độ âm, tần số lặp lại. Tiếng ồn làm giảm độ nhạy cảm, tăng ngưỡng nghe, ảnh hưởng đến quá trình làm việc và an toàn của cơ quan thính giác của con người. Tiếng ồn gây kích thích hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến bộ não, gây đau đầu, chóng mặt, sợ hãi, giận dữ vô cớ. Tiếng ồn làm rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng tới sự hoạt động bình thường của tuần hoàn máu, làm tăng huyết áp. Tiếng ồn làm rối loạn quá trình tiết dịch, tăng axit trong dạ dày, làm rối loạn sự co bóp, gây viêm loét dạ dày. Tiếng ồn có ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Các biện pháp phòng chống tác hại của Tiếng ồn:

  • Trong lao động sản xuất, biện pháp chung là sắp xếp các máy móc gây tiếng ồn ra riêng biệt, cần có kiến trúc xây dựng nhà xưởng hợp lý hoặc trồng cây xanh có nhiều lá để góp phần làm giảm tiếng ồn cũng như các yếu tố kết hợp khác như rung sóc và hóa chất độc.
  • Đối với các phương tiện giao thông: cấm bóp còi to, xây dựng đường bằng phẳng, sử dụng tường cách âm.
  • Không nên sử dụng các máy móc, phương tiện quá cũ gây tiếng ồn lớn; thay thế các chi tiết kết cấu gây tiếng ồn lớn bằng các chi tiết, kết cấu gây tiếng ồn nhỏ; sử dụng công nghệ có độ ồn thấp; thay đổi không gian của máy móc và tính đàn hồi của các đệm chống rung; bố trí xưởng làm việc vào các thời điểm ít người; lập biểu đồ làm việc hợp lý cho công nhân.
  • Giảm tiếng ồn trên đường truyền: sử dụng các vật liệu cách âm, kết cấu cộng hợp giảm năng lượng của nguồn âm; sử dụng tường cách âm; sử dụng bộ tiêu âm; sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân như nút tai, mũ bảo hiểm, chụp tai.

Việc phòng hộ cá nhân thu được hiệu quả tức thời và nhiều khi rất tốt cho những người bắt buộc phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong những điều kiện phải tiếp xúc với tiếng ồn quá cao như lái xe tăng, pháo thủ hoặc môi trường có tiếng ồn tương tự, phải dùng mũ chống tiếng ồn, chụp che toàn bộ tai, bảo vệ cơ quan thính giác khỏi tác hại của tiếng ồn. Đối với người lao động, phải có chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, giảm nhẹ tác hại của tiếng ồn, thần kinh ít bị kích thích. Người lao động cần lưu ý vấn đề tuân thủ thực hiện tiêu chuẩn môi trường lao động khi tiếp xúc với tiếng ồn. Người quản lý phải chú ý chăm sóc sức khỏe và an toàn cho người lao động.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Calow P. (Editor-in-chief), The Encyclopedia of Ecology & Environmental Management, Blackwell Science Ltd., 1998.
  2. Pfafflin J. R., Ziegler E. N., Encyclopedia of Environmental Science and Engineering, Fifth Edition, V. One, Two. CRC Press, 2006.
  3. Phạm Đức Nguyên. Âm học Kiến trúc, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2001.