Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tiêu chuẩn bưu chính

Tiêu chuẩn bưu chính (hay Tiêu chuẩn trong lĩnh vực bưu chính,tiếng Anh Post Standards) là các quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ), quá trình và các đối tượng khác trong lĩnh vực bưu chính nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động bưu chính. tiêu chuẩn bưu chính do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.

Tiêu chuẩn bưu chính khác với quy chuẩn kỹ thuật bưu chính (cg. quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực bưu chính). Quy chuẩn kỹ thuật bưu chính là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, quá trình, và các đối tượng khác trong hoạt động bưu chính phải tuân thủ. Quy chuẩn kỹ thuật bưu chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Cơ sở hình thành[sửa]

Các hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn bưu chính gồm: xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn bưu chính được xây dựng bởi các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế, cơ quan chính phủ của các quốc gia và các tổ chức độc lập trong nước. Theo đó, có ba loại hình tiêu chuẩn bưu chính được gọi là: tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở.

Việc xây dựng tiêu chuẩn bưu chính được dựa vào những căn cứ sau: tiêu chuẩn bưu chính ở các phạm vi khác có liên quan (vd.: căn cứ tiêu chuẩn bưu chính quốc tế, tiêu chuẩn bưu chính khu vực, tiêu chuẩn bưu chính nước ngoài để xây dựng tiêu chuẩn bưu chính quốc gia); Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực bưu chính; Kinh nghiệm thực tiễn; Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định về bưu chính.

Khi các đối tượng của hoạt động bưu chính phù hợp với tiêu chuẩn đã đặt ra thì sẽ được xác nhận bằng chứng nhận hợp chuẩn. Trên cơ sở đó, các tổ chức bưu chính có thể công bố hợp chuẩn, nghĩa là tự công bố đối tượng của hoạt động bưu chính phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Tiêu chuẩn bưu chính rất cần thiết để đảm bảo hiệu quả của hoạt động bưu chính và để kết nối mạng bưu chính toàn cầu.

Tiêu chuẩn quốc gia về bưu chính[sửa]

Trong Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), Hội đồng Tiêu chuẩn (Standards Board) là đơn vị chức năng chuyên phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật và thông số kỹ thuật trao đổi dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin hoạt động giữa các cơ quan bưu chính. Hội đồng này làm việc với các cơ quan bưu chính quốc gia, doanh nghiệp bưu chính, khách hàng và những đối tác khác ở khắp nơi trên thế giới để đảm bảo rằng những tiêu chuẩn bưu chính của họ được phát triển trong các lĩnh vực quan trọng như: trao đổi dữ liệu, mã hóa bưu chính, khảo sát dịch vụ bưu chính…

  • Các tiêu chuẩn thuộc Danh mục các tiêu chuẩn UPU được Liên minh Bưu chính Thế giới phổ biến công khai vào tháng 1/2020 bao gồm: Tiêu chuẩn mã hóa vật lý; Định nghĩa dữ liệu và tiêu chuẩn mã hóa; Tiêu chuẩn trao đổi điện tử; Mẫu biểu; Giao diện; Tiêu chuẩn bảo mật bưu chính; Tiêu chuẩn công nghệ.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xây dựng và đề nghị công bố các tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực bưu chính để khuyến khích áp dụng nhằm bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong phạm vi toàn quốc; bảo đảm sự chủ động và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc phát triển mạng và cung cấp dịch vụ bưu chính. Theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia về bưu chính không được trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bưu chính và có một số mục tiêu cụ thể sau:

  • Mục tiêu chức năng, công dụng, chất lượng: xác định các công nghệ, đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ ở mức tiên tiến và phù hợp để áp dụng tại Việt Nam.
  • Mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả: xác định các quy tắc thực hành tiên tiến để áp dụng trong các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.
  • Mục tiêu thông tin, thông hiểu: phổ biến và tăng cường hiểu biết và áp dụng về sản phẩm, thiết bị, mạng, hệ thống, dịch vụ, quá trình.
  • Mục tiêu giảm chủng loại, đổi lẫn: cho phép lựa chọn một số lượng tối ưu các kích cỡ hay chủng loại của sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, quá trình; có thể sử dụng thay thế lẫn nhau mà vẫn đáp ứng cùng yêu cầu.

Sản phẩm, thiết bị và dịch vụ bưu chính là đối tượng áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về bưu chính. Đối với sản phẩm, thiết bị bưu chính, các yêu cầu kỹ thuật cơ bản bao gồm: đặc điểm kỹ thuật, yêu cầu về tính năng và các yêu cầu về an toàn thông tin. Đối với dịch vụ bưu chính, yêu cầu kỹ thuật cơ bản là yêu cầu về chất lượng dịch vụ.

Theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BTTTT: Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích quyết định, công bố mức chất lượng dịch vụ bưu chính công ích không thấp hơn mức chất lượng theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích” (được ban hành và áp dụng từng thời kỳ), và phải đăng ký công bố hợp quy tại Bộ Thông tin và Truyền thông; Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính không thuộc dịch vụ bưu chính công ích tự quyết định và công bố mức chất lượng dịch vụ cho từng loại dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng, nội dung công bố tối thiểu phải có tiêu chí về thời gian toàn trình và tiêu chí về thời hạn giải quyết khiếu nại.

Cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông) kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bưu chính tự kiểm tra chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp mình.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tư 03/2011/TT-BTTT Quy định hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tư 14/2018/TT-BTTTT Quy định về Quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính.
  3. Liên minh Bưu chính Thế giới, Văn kiện Đại hội UPU Ít-xtan-bun 2016, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
  4. Quốc hội, Luật Bưu chính – Luật số: 49/2010/QH12.
  5. Trần Thị Thập, “Hướng dẫn sử dụng các dịch vụ Bưu chính”, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2013.