Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thuốc điều trị giun sán

Thuốc điều trị giun sán là chế phẩm có tác dụng làm giảm sự xâm hại ký sinh trùng đối với cơ thể người nhiễm bệnh.

Mục đích[sửa]

Nhiễm ký sinh trùng thường gây ra bởi giun hoặc các ký sinh trùng khác xâm nhập vào cơ thể dưới trạng trứng hoặc ấu trùng do ăn phải hoặc tiếp xúc với đồ dùng, dụng cụ nhiễm bệnh. Nhiễm ký sinh trùng phổ biến bao gồm giun chỉ, giun móc, giun kim, sán lá và sán dây. Khi vào cơ thể, chúng có thể không được chú ý nếu chúng không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu chúng nhân lên nhanh chóng và lây lan sang các cơ quan chính, chúng có thể gây ra các tình trạng bệnh nghiệm trọng, thậm chí đe dọa tới tính mạng. Thuốc điều trị giun sán thường được chỉ định để điều trị những trường hợp nguy hiểm này. Chúng hoạt động bằng cách làm gây chết, tê liệt hoặc làm thay đổi tính thấm màng sinh chất của chúng, do đó chúng sẽ được loại bỏ ra ngoài theo đường phân từ ống tiêu hóa.

Mô tả[sửa]

Thuốc điều trị giun sán là những thuốc được kê đơn, và thường được bào chế dưới dạng chất lỏng, viên nén hoặc viên nang. Một số nhóm thuốc được sử dụng như: albendazol, diethylcarbamazin, ivermectin, mebendazol, metronidazol, niclosamid, nifurtimox, oxam niquin, pentamidin, praziquantel, pyrantel, pyrantel pamoat, và thiabendazol.

Hầu hết các loại thuốc điều trị giun sán chỉ đặc hiệu với những nhóm ký sinh trùng cụ thể. Do đó, trước khi điều trị bệnh nhân phải được xét nghiệm, chuẩn đoán loại ký sinh trùng đã nhiễm thông qua quan sát trứng, hoặc ấu trùng trong phân, nước tiểu, máu, đờm hoặc các mô. Ví dụ thiabendazol được kê đơn điều trị giun chỉ, nhưng mebandazol có thể hoạt động hiệu quả hơn trong điều trị nhiễm trùng roi bằng các phá vỡ vi ống của loài giun này. Praziquantel lại hoạt động bằng các thay đổi tính thấm màng tế bào của các giun sán.

Liều khuyến cáo[sửa]

Liều dùng được thiết lập tùy thuộc vào bệnh nhân như tình trạng sức khỏe, độ tuổi, loại thuốc điều trị giun sán được kê và loại ký sinh trùng lây nhiễm. Số liều mỗi ngày, thời gian giữa các liều, và thời gian điều trị cũng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố này. Cần tuân thủ đúng liều, thời gian điều trị để loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng ra khỏi cơ thể.

Thận trọng[sửa]

Một số loại thuốc điều trị giun sán hoạt động tốt nhất khi được sử dụng cùng với thức ăn chứa chất béo. Bác sỹ kê đơn nên thông báo nếu bệnh nhân đang trong chế độ ăn kiêng ít chất béo hoặc các chế độ khác.

Một số loại thuốc trị giun sán, chẳng hạn như praziquantel dạng có thể nhai được. Khi sử dụng thuốc không nên nhai hoặc ngậm trong miệng quá lâu, nên nuốt ngay vì vị đắng của chung có thể gây nôn mửa.

Thuốc trị giun sán có thể được dùng chung với các loại thuốc khác. Ví dụ, prednisone cũng được kê đơn cùng với thuốc trị giun sán cho sán dây để giảm tình trạng viêm nhiễm mà giun có thể gây ra.

Nên thăm khám y tế thường xuyên đối với những người bị nhiễm ký sinh trùng để theo dõi tình trạng nhiễm trùng và các tác dụng phụ không mong muốn khác. Nên thông báo cho bác sĩ nếu các triệu chứng đó không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn. Nhiễm trùng giun móc hoặc trùng roi cũng được điều trị bằng thuốc bổ sung sắt cùng với đơn thuốc tẩy giun sán.

Một số loại nhiễm ký sinh trùng (ví dụ như giun kim) có thể được truyền từ người này sang người khác. Sau đó, mọi người trong nhà có người bị nhiễm bệnh phải được khuyến cáo uống thuốc tẩy giun theo chỉ định.

Tác dụng không mong muốn[sửa]

Những người mắc các bệnh trạng sau đây có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn với thuốc điều trị giun sán:

- Dị ứng.

- Loét đường tiêu hoá: Thuốc điều trị giun sán được chống chỉ định cho bệnh nhân loét đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm loét đại tràng.

- Phụ nữ có thai: Một số loại thuốc trị giun sán gây dị tật bẩm sinh hoặc sẩy thai trong các nghiên cứu trên động vật. Phụ nữ đang mang thai hoặc dự kiến có thai nói chung nên tránh các loại thuốc này. Phụ nữ có thai nên thông báo cho bác sĩ kê đơn.

- Phụ nữ cho con bú. Một số loại thuốc trị giun sán có thể đi vào sữa mẹ. Có thể phải ngừng cho con bú cho đến khi kết thúc điều trị bằng thuốc xổ giun và các bà mẹ đang cho con bú cũng phải thông báo bác sĩ kê đơn.

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị giun sán bao gồm chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu, đổ mồ hôi, khô miệng và mắt, và ù tai. Do đó, bất kỳ ai dùng thuốc này nên tránh lái xe, vận hành máy móc hoặc các hoạt động có thể gây nguy hiểm khác. Các tác dụng phụ thường biến mất khi cơ thể thích nghi với thuốc và thường không cần điều trị y tế.

Thiabendazole có thể khiến nước tiểu có mùi bất thường, có thể kéo dài một ngày sau liều cuối cùng. Các tác dụng phụ ít phổ biến khác của thuốc điều trị giun sán, chẳng hạn như chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa hoặc đau quặn bụng. Tuy nhiên các phản ứng thường nhẹ và không cần chăm sóc y tế. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh, lú lẫn, suy nhược cực độ, ảo giác, tiêu chảy nặng, buồn nôn hoặc nôn, phát ban trên da, đau thắt lưng, nước tiểu sẫm màu, mờ mắt, co giật và vàng da đã được báo cáo trong một số trường hợp. Cần thông báo cho bác sỹ kê đơn ngay lập tức nếu các tác dụng phụ này có dấu hiệu phát triển.

Tương tác thuốc[sửa]

Thuốc xổ giun có thể tương tác với nhau hoặc với các loại thuốc khác, cho dù được kê đơn hay không. Ví dụ, đã có báo cáo rằng việc sử dụng thuốc trị giun sán pyrantel và piperazine cùng nhau làm giảm hiệu quả của pyrantel. Tương tự, việc kết hợp một loại thuốc trị giun với một loại thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của một trong hai loại thuốc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội. Dược lý học lâm sàng, NXB Y học, 2018, Hà Nội.
  2. Cesar Henriquez-Camacho, Eduardo Gotuzzo, Juan Echevarria, el al. Ivermectin versus albendazole or thiabendazole for Strongyloides stercoralis infection. Cochrane Database Syst Rev. 2016 Jan 18;2016(1):CD007745.
  3. Alexander Dömling, Kareem Khoury. Praziquantel and schistosomiasis. ChemMedChem 2010 Sep 3;5(9):1420-34. doi: 10.1002/cmdc.201000202.
  4. American Society of Parasitologists, PO Box 1897, Lawrence, KS, 66044, Fax: (785) 843-6153, (800) 627-0326, http://asp.unl.edu/.Centers for Disease Control and Prevention (CDC), 1600 Clifton Road, Atlanta, GA, 30333, (800) 232-4636,

[email protected], http://www.cdc.gov.

  1. World Health Organization (WHO), Avenue Appia 201211, Geneva, Switzerland, 27, 41 22 791-2111, [email protected], http://www.who.int.