Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thiếu máu

Thiếu máu là một tình trạng đặc trưng bởi sự giảm thấp của lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh hoặc lượng hemoglobin (thành phần của tế bào hồng cầu mang oxy đến các mô khắp cơ thể).

WHO định nghĩa thiếu máu là lượng hemoglobin thấp hơn 13 g/dL ở nam và thấp hơn 12 g/dL ở nữ.

Dịch tễ[sửa]

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI), bệnh thiếu máu ảnh hưởng đến hơn 3 triệu người Mỹ. Một số nguồn khác ước tính rằng khoảng 4% nam giới và 8% phụ nữ Canada, Hoa Kỳ và Tây Âu bị thiếu máu mức độ nhẹ. Người ta cho rằng tỷ lệ thiếu máu cao gấp 2-5 lần ở các nước đang phát triển.

Các yếu tố nguy cơ[sửa]

Các yếu tố nguy cơ thiếu máu bao gồm nhiều yếu tố khác nhau về cơ địa, di truyền, môi trường và lối sống:

- Giới tính nữ: Phụ nữ có kinh nguyệt và mang thai làm tăng nguy cơ thiếu máu trong những năm sinh đẻ.

- Chủng tộc: Những người gốc Phi và Địa Trung Hải có nhiều nguy cơ mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, trong khi những người gốc Địa Trung Hải có nguy cơ cao mắc bệnh thalassemia.

- Tiền sử gia đình bị thiếu máu.

- Rối loạn đường ruột ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Chúng bao gồm nhiễm ký sinh trùng như giun móc hay các rối loạn đường ruột trong bệnh Crohn.

- Các bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, bệnh gan hoặc ung thư.

- Nơi làm việc tiếp xúc với hóa chất độc hại.

- Suy dinh dưỡng.

- Nghiện rượu.

- Tuân thủ chế độ ăn chay hoặc thuần chay nghiêm ngặt.

- Trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ sơ sinh uống nhiều sữa bò có thể không nhận đủ chất sắt trong chế độ ăn.

- Mức độ hoạt động thể lực cao. Các môn thể thao vận động mạnh như chạy bộ, chạy đường dài và bóng rổ có thể khiến các tế bào hồng cầu bị phá vỡ nhanh hơn trong máu.

Nguyên nhân[sửa]

Nguyên nhân của thiếu máu là do xuất huyết, giảm sản xuất hồng cầu hoặc tăng phá hủy hồng cầu. Mất máu mạn tính thường là hậu quả của những nguyên nhân sau:

- Ung thư.

- U đường tiêu hóa

- Viêm túi thừa.

- Polyp

- Rong kinh

- Trĩ

- Chảy máu cam

- Loét dạ dày

- Lạm dụng rượu trong thời gian dài.

Mất máu cấp tính thường là hậu quả của những nguyên nhân sau:

- Sinh đẻ

- Chấn thương

- Tổn thương mạch máu

- Phẫu thuật

Khi mất một lượng lớn máu trong thời gian ngắn, huyết áp và lượng oxy trong cơ thể giảm đột ngột. Hậu quả có thể dẫn tới suy tim cấp và tử vong. Tình trạng mất máu 1 cách từ từ sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng[sửa]

Suy nhược, mệt mỏi có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu nhẹ. Da nhão hoặc tái nhợt, hoặc nhợt màu ở các nếp nhăn của lòng bàn tay, nướu răng, móng tay hoặc niêm mạc mí mắt là những dấu hiệu khác của bệnh thiếu máu. Một người nào đó yếu, dễ bị mệt mỏi, thường xuyên khó thở, và chóng mặt hoặc ngất xỉu có thể là triệu chứng của thiếu máu nặng.

Các triệu chứng khác của bệnh thiếu máu là:

- Cơn đau thắt ngực (đau ngực, thường kèm theo cảm giác nghẹt thở gây lo lắng nghiêm trọng)

- Đau đầu

- Khó tập trung, giảm trí nhớ

- Viêm miệng hoặc viêm lưỡi

- Mất ngủ

- Nhịp tim không đều

- Chán ăn

- Móng tay khô, dễ gãy.

- Thở nhanh

- Loét miệng, họng hoặc trực tràng

- Đổ mồ hôi

- Khát nước

- Ù tai

- Xuất huyết hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân.

Trong bệnh thiếu máu ác tính, lưỡi có cảm giác trơn bất thường. Bệnh nhân bị bệnh thiếu máu ác tính có thể có các triệu chứng:

- Các vấn đề về cử động hoặc thăng bằng

- Cảm giác ngứa + tê bì ở bàn tay và bàn chân

- Lú lẫn, trầm cảm và mất trí nhớ.

Thiếu máu ác tính có thể làm tổn thương tủy sống. Nên thông báo cho bác sĩ bất cứ khi nào các triệu chứng của tình trạng này xảy ra. Bác sĩ cũng nên được thông báo nếu bệnh nhân đang dùng chất bổ sung sắt bị mà có các triệu chứng:

- Tiêu chảy

- Chuột rút

- Nôn mửa.

Chẩn đoán.[sửa]

Tiền sử sức khỏe cá nhân và gia đình có thể gợi ý một số loại thiếu máu.

Khám bệnh

Khám bệnh có thể phát hiện ra nhịp tim của bệnh nhân không đều, nhịp thở không đều hoặc nhanh bất thường, hoặc gan và lách to. Trong một số trường hợp, thăm khám vùng chậu (ở phụ nữ) hoặc khám trực tràng sẽ cho biết bệnh nhân đang bị mất máu.

Xét nghiệm

Xét nghiệm lượng hồng cầu hoặc lượng hemoglobin trong máu được sử dụng để chẩn đoán và xác định loại thiếu máu . Chọc tủy có thể được sử dụng để xác định nguồn xuất huyết. Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện bao gồm xét nghiệm các loại huyết sắc tố cũng như tổng lượng hemoglobin có trong máu của bệnh nhân; đo số lượng hồng cầu lưới trong máu, định lượng sắt trong cơ thể, kiểm tra sự thiếu hụt vitamin, và các xét nghiệm đánh giá suy thận. Ngoài ra trẻ em có thể được kiểm tra các dấu hiệu nhiễm độc chì.

Điều trị[sửa]

Điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu:

- Thiếu máu do thiếu sắt thường được điều trị bằng thuốc bổ sung sắt trong vài tháng hoặc lâu hơn.

- Cần có chế độ dinh dưỡng bổ sung vitamin B12 suốt đời để kiểm soát các triệu chứng của bệnh thiếu máu ác tính. Bệnh nhân có thể được khuyên hạn chế hoạt động thể chất cho đến khi điều trị phục hồi sức khỏe.

- Thiếu máu do thiếu facid folic được điều trị bằng cách bổ sung axit folic.

- Thiếu máu mạn tínhcó thể được điều trị bằng epoetin, một loại eryth-ropoietin tổng hợp kích thích sản xuất RBCS, nhưng trọng tâm là điều trị bệnh nền.

- Bệnh thiếu máu bất sản có thể được điều trị bằng cách truyền máu để tăng lượng hồng cầu, hoặc cấy ghép tủy xương nếu tủy xương không thể tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh.

- Thiếu máu do các bệnh lý mạn tính có thể được điều trị bằng erythropoietin, một loại hormone kích thích sản xuất hồng cầu.

- Thiếu máu huyết tán được điều trị bằng cách kiểm soát các bệnh nhiễm trùng và dùng các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (thuốc ức chế miễn dịch). Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh thiếu máu huyết tán kháng thể lạnh. Khoảng một phần ba số bệnh nhân bị thiếu máu huyết tán kháng thể nóng đáp ứng tốt với corticosteroid liều cao đường uống và tiêm tĩnh mạch, và được giảm liều dần rồi ngừng khi triệu chứng được cải thiện. Những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa thì phải phẫu thuật cắt bỏ lách. Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch được kê đơn cho những bệnh nhân phẫu thuật không thành công.

- Điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể bao gồm việc đảm bảo oxy, thuốc giảm để giảm đau và ngăn ngừa biến chứng. Liệu pháp tâm lý hoặc tư vấn có thể giúp bệnh nhân đối phó với sự tác động của cảm xúc.

Thuốc hoặc phẫu thuật cũng có thể cần thiết để kiểm soát lượng kinh nguyệt ra nhiều, điều trị xuất huyết do loét, cắt bỏ polyp đường ruột.

Bệnh nhân thalassemia thường không cần điều trị. Tuy nhiên, những người mắc bệnh thiếu máu Cooley có thể yêu cầu nhập viện định kỳ để truyền máu và/ hoặc cấy ghép tủy xương.

Thuốc

Bệnh nhân bị thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể cần dùng thuốc giảm đau để điều trị các cơn khủng hoảng định kỳ do bệnh gây ra. Trẻ em bị thiếu máu hồng cầu hình liềm thường được dùng penicillin từ 2 tháng đến 5 tuổi để ngăn ngừa nhiễm trùng. Một số bệnh nhân bị thiếu máu hồng cầu hình liềm được điều trị hỗ trợ bằng hydroxyurea, một loại thuốc để điều trị ung thư. Hydroxyurea kích thích sản xuất hemoglobin bào thai, một loại hemoglobin chỉ có ở trẻ sơ sinh. Nó có thể làm giảm nhu cầu truyền máu và tần suất khủng hoảng hồng cầu hình liềm.

Các biện pháp ở nhà

Những người bị thiếu máu do dinh dưỡng kém nên thay đổi chế độ ăn uống của họ để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất và sắt. Các loại thực phẩm sau đây cũng là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào:

- Hạnh nhân

- Bông cải xanh

- Đậu khô

- Trái cây sấy khô

- Bánh mì và ngũ cốc giàu chất xơ

- Thịt nạc đỏ

- Gan

- Khoai tây

- Thịt gia cầm

- Cơm

- Cà chua

Vì ánh sáng và nhiệt có gây phá hủy axit folic nên trái cây và rau nên được ăn sống hoặc nấu chín vừa chín tới.

Các phương pháp điều trị thay thế

Các liệu pháp điều trị thay thế cho bệnh thiếu máu thiếu sắt là tập trung vào việc bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt vào chế độ ăn uống hoặc các biện pháp cải thiện hệ thống tuần hoàn và tiêu hóa. Bổ sung sắt, đặc biệt là với sắt citrate (ít gây táo bón), được các bác sỹ sử dụng để điều trị. Lượng sắt này có thể được cung cấp bởi hỗn hợp các loại thảo mộc giàu chất sắt. Một số ví dụ về các loại thảo mộc giàu chất sắt là bồ công anh (Taraxacum offici- nale), mùi tây (Petroselinum crispum), và cây tầm ma (Urtica dioica).

Các loại thảo mộc khác được khuyên dùng để thúc đẩy tiêu hóa bao gồm:

- Hồi cần (Pimpinella anisum)

- Carum carvi

- Thì là (Cumin cyminum)

- Bồ đề (Tilia spp.)

- Cam thảo (Glycyrrhiza glabra)

Các phương pháp điều trị truyền thống của Trung Quốc cho bệnh thiếu máu bao gồm:

- Châm cứu để kích thích lách bị suy yếu

- Sử dụng nhân sâm (Panax ginseng) để phục hồi năng lượng

- Đương quy (Angelica sinensis) để kiểm soát xuất huyết ở nam giới

- Hỗn hợp đương quy và địa hoàng Trung Quốc (Rehmannia glutinosa ) để xóa một làn da xám xịt.

Tiên lượng[sửa]

Tiên lượng của thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân của nó.

Thiếu máu do thiếu axit folic và thiếu sắt Thường mất từ ba đến sáu tuần để điều chỉnh thiếu máu do thiếu axit folic hoặc sắt.

Thiếu máu ác tính

Mặc dù thiếu máu ác tính được coi là bệnh nặng, nhưng việc tiêm ngừa vitamin B12 thường xuyên sẽ làm giảm bớt các triệu chứng và đảo ngược các biến chứng. Thiếu máu bất sản

Thiếu máu bất sản đôi khi có thể được chữa khỏi bằng cách cấy ghép tủy xương. Nếu tình trạng là do thuốc ức chế miễn dịch, các triệu chứng có thể biến mất sau khi ngừng thuốc.

Thiếu máu hồng cầu hình liềm

Tiên lượng cho bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm vẫn tương đối kém. Ngoại trừ những trẻ em được cấy ghép tủy xương, hầu hết những người mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm đều có thời gian sống bị rút ngắn. Thalassemia

Bệnh nhân mắc bệnh beta thalassemia thể nhẹ có tuổi thọ bình thường với sức khỏe nhìn chung tốt. Tiên lượng các bệnh nhân bị thiếu máu Cooley phụ thuộc vào việc tuân thủ điều trị. Thiếu máu của Cooley không được điều trị thường dẫn đến tử vong do suy tim hoặc nhiễm trùng trước tuổi 20.

Thiếu máu huyết tán

Thiếu máu huyết tán mắc phải nói chung có thể chữa khỏi khi loại bỏ được nguyên nhân.

Phòng ngừa[sửa]

Bệnh thiếu máu bẩm sinh không thể phòng ngừa được. Tránh sử dụng quá nhiều rượu, bỏ hút thuốc, chế độ dinh dưỡng cân bằng có chứa nhiều thực phẩm giàu chất sắt và uống vitamin tổng hợp hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Balducci, Lodovico, et al., eds. Anemia in ihe Elderly. New York: Springer, 2007.
  2. Bardes, Charlcs. Pule Faces: The Masks of Anemia. New York: Bellevue Literary Press, 2008.
  3. Bridges, Kenneth. Anemias and Other Red CelI Disorders. New York: McGraw-Hill, 2007.
  4. Arnold, D. L., et al. "Iron Deficiency Anemia, Cigarette Smoking, and Risk of Abruptio Placentac." Journal of Obstetrics and Gynaecology Research 35 (June 2009): 446-52.
  5. Huma, Nuzahat, et al. "Food Fortification Strategy- Preventing Iron Deficiency Anemia: A Review." Critical Reviews in Food Science and Nutrition 47 (March 2007): 259-265.
  6. Killip, Shersten, John M. Bennett, and Mara D. Chambers. "Iron Deficiency Anemia." American Family Physician 75 (March 1, 2007): 671-678.
  7. Lewis, G., et al. “A Case of Persistent Anemia and Alcohol Abuse." Nature Clinical Practice, Gastroenterology and Hepatology 4 (September 2007): 521-26.
  8. Đỗ Trung Phấn. Bài giảng huyết học-truyền máu. Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 2009.