Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thai chết lưu

Thai chết lưu là tình trạng thai chết mà lưu lại buồng tử cung vào thời điểm sau tuần thứ 20 của chu kì. Thai chết lưu còn được gọi là IUFD (Intrauterine Fetal Death).

Mô tả[sửa]

Điều quan trọng là phân biệt thai chết lưu và các từ ngữ khác mô tả sự kết thúc thai kỳ không chủ ý. Thai kỳ kết thúc trước tuần thứ 20 được gọi là sảy thai hơn thai chết lưu, mặc dù thai chết lưu là nguyên nhân phổ biến của sảy thai. Sau tuần thứ 20, sự kết thúc ngoài ý muốn của thai kì được gọi là thai chết lưu nếu trẻ chết khi sinh.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ thai chết lưu ở người mẹ bao gồm: tuổi trên 35, suy dinh dưỡng, chăm sóc trước khi sinh không đầy đủ, hút thuốc và lạm dụng rượu hoặc ma tuý.

Nguyên nhân[sửa]

Nguyên nhân do mẹ:

Tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng, đặc biệt tiền sản giật tiến triển càng nặng, tỉ lệ thai chết càng cao. Bệnh lý mạn tính: viêm thận, xơ gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim…

Bệnh nội tiết: Basedow, thiểu năng tuyến giáp trạng, đái tháo đường, thiểu năng hay cường tuyến thượng thận…

Các bệnh lý nhiễm khuẩn nặng (lậu, giang mai…), nhiễm kí sinh trùng (đặc biệt là kí sinh trùng sốt rét tỉ lệ thai gần 100%), nhiễm virus (viêm gan, quai bị, cúm, sởi…). Trong các trường hợp nặng, thai chết có thể do tác động trực tiếp của tác nhân lên thai, bánh rau hoặc do tình trạng sốt của mẹ (do hệ thống điều hoà thân nhiệt của thai nhi chưa hoạt động, khả năng điều hoà thân nhiệt kém).

Tuổi mẹ cao (>40 tuổi).

Dinh dưỡng kém, tử cung dị dạng.

Nguyên nhân do thai:

Rối loạn nhiễm sắc thể là nguyên nhân chủ yếu của thai chết lưu <3 tháng. Có thể do di truyền từ bố mẹ, do đột biến trong quá trình tạo noãn, thụ tinh và phát triển của phôi. Tỉ lệ rối loạn nhiễm sắc thể tăng lên theo tuổi mẹ.

Thai dị dạng: não úng thuỷ, vô sọ.

Bất đồng yếu tố Rh.

Thai già tháng: bánh rau bị lão hoá, không đủ dinh dưỡng nuôi thai.

Đa thai: có thể mất một thai (hội chứng truyền máu).

Nguyên nhân do phần phụ:

Dây thai: thắt nút, xoắn vặn ngắn tương đối hay tuyệt đối.

Bánh rau: phù gai rau, bánh rau xơ hoá, rau bong non, u màng đệm bánh rau.

Ối: đa ối cấp hay mãn tính.

Khoảng 20-50% trường hợp không tìm được nguyên nhân

Triệu chứng[sửa]

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng duy nhất của thai chết lưu là người mẹ cảm thấy thai ngừng chuyển động. Từ sau tuần thứ 20 thai kỳ, thai bắt đầu máy, và mẹ là người cảm nhận rõ nhất những cử động của thai nhi. Nếu đột nhiên một ngày, mẹ không thấy em bé máy trong bụng mình nữa, rất có thể thai đã chết lưu trong tử cung mẹ.

Chiều cao tử cung không tăng, thậm chí giảm: Ở mỗi lần khám thai định kỳ, mẹ sẽ được bác sĩ đo chiều cao của tử cung. Số đo này sẽ tăng tương ứng với số tuổi thai. Nhưng nếu chỉ số này không thay đổi hoặc giảm đi thì cần kiểm tra thai ngay.

Giảm kích cỡ vòng 1: Ngực căng và tiết sữa là hiện tượng thường thấy ở hầu hết thai phụ. Nếu đột nhiên hiện tượng này biến mất thì có thể là dấu hiệu cần được kiểm tra thai.

Chảy máu hoặc chảy dịch sẫm màu ở âm đạo kèm cảm giác chán ăn, buồn nôn, chóng mặt, đau lưng, sốt cao, mệt mỏi toàn thân…

Trong một số trường hợp, dấu hiệu đầu tiên là chuyển dạ sinh non. Chuyển dạ sinh non được đánh dấu bằng chảy dịch nhiều từ âm đạo, do vỡ màng ối bao quanh thai cộng với các cơn co tử cung.

Chẩn đoán[sửa]

Khi người mẹ không còn cảm thấy chuyển động của thai nhi, bác sĩ có thể sử dụng một số kỹ thuật để đánh giá xem thai đã chết chưa. Bác sĩ có thể nghe nhịp tim của thai nhi bằng ống nghe, sử dụng siêu âm Doppler để phát hiện nhịp tim hoặc làm “nonstress test (NST)”. Trong xét nghiệm nonstress test, người mẹ nằm ngửa với một thiết bị điện tử gắn vào bụng, thiết bị này ghi lại nhịp tim, chuyển động thai và sự co bóp tử cung mẹ.

Tiến triển

Ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, lo âu, sợ, buồn.

Rối loạn đông máu:

+ Thromboplastin trong nước ối của tổ chức thai chết vào tuần hoàn mẹ, hoạt hoá quá trình đông máu, gây ra đông máu rải rác trong lòng mạch và gây tiêu sợi huyết thứ phát, gây chảy máu mẹ.

+ Fibrinogen trong máu mẹ tụt thấp, các sản phẩm phân huỷ fibrin tăng cao, giảm plasminogen, giảm antithrombin, đôi khi có giảm tiểu cầu.

Nhiếm trùng khi vỡ ối lâu:

+ Nhiễm khuẩn nhanh và nặng khi ối vỡ.

+ Vi khuẩn hay gặp như: tụ cầu, trực khuẩn Proteus, vi khuẩn yếm khí như Clostridium perfringens.

Điều trị[sửa]

Nguyên tắc[sửa]

Điều trị tình trạng rối loạn đông máu (nếu có).

Can thiệp lấy thai bằng nhiều cách tuỳ thuộc vào tuổi thai và tình trạng của thai phụ.

Y khoa[sửa]

Trong hầu hết các trường hợp thai chết lưu, người mẹ sẽ chuyển dạ trong vòng hai tuần sau khi thai chết. Nếu mẹ không chuyển dạ, bác sĩ sẽ tiến hành kích thích chuyển dạ để ngăn ngừa nguy cơ băng huyết. Chuyển dạ thường được gây ra bằng cách cho người mẹ dùng một loại thuốc (oxytoxin) để làm co tử cung.

Theo dõi[sửa]

Hẹn bệnh nhân tái khám khi có triệu chứng bất thường như sốt, dịch máu âm đạo hôi, chảy máu âm đạo nhiều lên hoặc kéo dài trên 7 ngày.

Bệnh nhân thường có kinh lại sau khi làm thủ thuật 4-6 tuần, nếu trên 6 tuần chưa có kinh lại cần tái khám đề phong dính buồng tử cung.

Các trường hợp thai chết lưu liên tiếp (từ 2 lần liên tục trở lên) cần làm thêm các xét nghiệm dự phòng nguyên nhân thai chết lưu lần kế tiếp.

Để đối diện với sự mất mát, cần có sự hỗ trợ tinh thần từ bạn bè và gia đình, các tổ chức và cần được tư vấn bởi một chuyên gia tư vấn sức khoẻ tâm thần.

Tiên lượng[sửa]

Nếu người mẹ không mắc đái tháo đường, vẫn có cơ hội mang thai một thai kỳ khoẻ mạnh sau khi bị thai lưu như những người mẹ khác.

Dự phòng[sửa]

Nguy cơ thai lưu sẽ giảm đi đáng kể nếu chăm sóc sản khoa tốt, người mẹ tránh phơi nhiễm với các bệnh lý truyền nhiễm, không hút thuốc, không rượu bia, ma tuý. Có thể sử dụng xét nghiệm trước sinh như siêu âm, xét nghiệm AFP, “nonstress test để đánh giá sức khoẻ thai nhi”.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Danielsson, Krissi. After Miscarriage: Medical Facts and Emotional Support for pregnancy Loss. Boston,: Har-vard Common Press, 2008.
  2. Compassionate Friends, P.O. Box 3696, Oak Brook, IL,60522, (630) 990-0010, Fax: (630) 990-0246, (877) 969-0010, http://www.compassionatefriends.org.
  3. GriefNet, GriefNet, Ann Arbor, MI, 48106-3272, [email protected], http://www.griefnet.org.
  4. Hannah's Prayer, PO Box 15053, Long Beach, CA, 90815, (562) 335-4130, http://www.hannah org.
  5. M.E.N.D. (Mommies Enduring Neonatal Death), P.O. Box 1007, Coppell, TX, 75019, (972) 506-9000, rebekah @mend.org, http://www.mend.org.
  6. Pregnancy and Infant Loss Support (SHARE), 402 Jackson Street, St. Charles, MO, 63301, (636) 947-6164, (800) 821-6819.