Mục từ này cần được bình duyệt
Thủy đậu
Thủy đậu
Tên khácTrái rạ
Varicela Aranzales.jpg
Một người bị nhiều mụn nước trên da, dấu hiệu đặc trưng của thủy đậu
Chuyên khoaBệnh truyền nhiễm
Triệu chứngNổi ban đỏ, ngứa, mụn nước
Khởi phát10–21 ngày sau nhiễm virus
Nguyên nhânVirus thủy đậu zona (VZV)
Chẩn đoánLâm sàng
Phòng ngừaVaccine thủy đậu
Điều trịLiệu pháp kháng virus
ThuốcAcyclovir

Thủy đậu hay trái rạ là một bệnh rất dễ lây và phổ biến ở trẻ em do virus thủy đậu zona (VZV) gây ra.[1] Có tới hơn 90% dân số thế giới từng nhiễm virus này[2] và đa số trẻ em dưới 10 tuổi đều mắc bệnh trước khi có vaccine.[3] Thủy đậu ở trẻ em thường không nghiêm trọng và bệnh nhân sẽ có được miễn dịch lâu dài sau khi bình phục, dù vậy biến chứng đôi lúc là không thể lường trước.[3] Những biến chứng nặng có thể xảy ra gồm nhiễm khuẩn thứ phát, ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương (viêm não), viêm phổi, và tử vong, đặc biệt nếu đối tượng mắc là người lớn hoặc người có hệ miễn dịch yếu.[1][4]

Triệu chứng nổi bật của bệnh là nổi ban đỏ ngứa, mọng nước chủ yếu ở thân, đầu, và mặt.[5] Thương tổn da ban đầu là dát rồi tiến triển nhanh chóng qua các giai đoạn sẩn, mụn nước, rồi vảy trong vài ngày.[4][6] Số lượng mụn có thể chỉ từ một vài đến hàng trăm, hay hơn 1.000 với ca nặng.[4][5] Vảy bong sau 1 đến 2 tuần,[6] để lại những điểm giảm sắc tố duy trì vài tháng hoặc sẹo lâu dài.[4] Thủy đậu còn gây các triệu chứng toàn thân như sốt, đau đầu, khó chịu, chán ăn.[6] Chẩn đoán bệnh thường được thực hiện lâm sàng dựa vào những ban mụn nước đặc trưng.[5] Nếu còn nghi ngờ thì tìm DNA virus trong thương tổn da bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR).[5]

Virus thủy đậu lây truyền qua giọt bắn và sol khí từ mũi hầu 1–2 ngày trước khi nổi ban, và từ thương tổn da trong 5–7 ngày đầu sau khi ban xuất hiện.[4] Tuy nhiên ít có bằng chứng cho thấy virus lây qua đường hô hấp như thường nghĩ[3] và lây trước nổi ban dường như khó xảy ra.[7] Các mụn nước chứa số lượng lớn virus và đó có lẽ là nguồn phát tán chính.[3] Virus đầu tiên xâm nhập và sao chép trong tế bào biểu mô niêm mạc đường hô hấp trên, sau đó lan đến amidan và những mô bạch huyết vùng khác rồi nhiễm vào tế bào T.[8] Các tế bào T vận chuyển virus theo đường máu đến da, nơi chúng gây những ban mụn nước đặc trưng sau thời gian ủ bệnh 10–21 ngày.[8] Giai đoạn lây nhiễm kết thúc khi mọi thương tổn da đã đóng vảy.[4]

Yếu tố khí hậu dường như ảnh hưởng đến dịch tễ thủy đậu.[6] Ở những vùng ôn đới hơn 90% số người mắc bệnh khi còn nhỏ hoặc niên thiếu, trong khi nơi khí hậu nhiệt đới độ tuổi mắc là cao hơn và người lớn dễ bị hơn trẻ em.[3][6] Căn bệnh còn có tính chất theo mùa rõ rệt với đỉnh điểm vào những tháng lạnh, khô trong mùa đông hoặc mùa xuân.[4] Các đợt dịch có xu hướng bùng phát 2 đến 5 năm một lần.[6] Dịch thường xảy ra trong bối cảnh trẻ em tụ tập đông, như ở trường học hay các trung tâm chăm sóc trẻ em.[3]

Ở trẻ khỏe mạnh, thủy đậu hầu hết là nhẹ và tự khỏi nên điều trị chỉ để làm giảm triệu chứng.[3] Mặt khác, những trường hợp nặng hay có nguy cơ bị nặng cần được điều trị bằng acyclovir truyền tĩnh mạch.[5] Căn bệnh nguy hiểm với phụ nữ có thai khi nó dễ gây tình trạng nặng cho cả mẹ và con.[9] Acyclovir cũng thường được dùng cho đối tượng này.[9] Nếu người mẹ mắc thủy đậu trong vòng 7 ngày trước hoặc sau sinh, trẻ sinh ra cần được nhận globulin miễn dịch và nếu bị bệnh thì acyclovir.[9] Vaccine giúp phòng bệnh hiệu quả và sức đề kháng nó đem lại ít giảm qua thời gian.[3][10] Đây là vaccine đầu tiên và (tính đến năm 2021) vẫn là duy nhất phòng được herpesvirus.[10]

Tham khảo[sửa]

  1. a b Parmet, Sharon (ngày 18 tháng 2 năm 2004), "Chickenpox", JAMA, 291 (7): 906, doi:10.1001/jama.291.7.906, PMID 14970070, S2CID 5595828
  2. Laing, Kerry J; Ouwendijk, Werner J D; Koelle, David M; Verjans, Georges M G M (ngày 22 tháng 9 năm 2018), "Immunobiology of Varicella-Zoster Virus Infection", The Journal of Infectious Diseases, 218 (suppl 2): S68–S74, doi:10.1093/infdis/jiy403, PMC 6151075, PMID 30247598, S2CID 52350118
  3. a b c d e f g h Gershon, Anne A.; Breuer, Judith; Cohen, Jeffrey I.; Cohrs, Randall J.; Gershon, Michael D.; Gilden, Don; Grose, Charles; Hambleton, Sophie; Kennedy, Peter G. E.; Oxman, Michael N.; Seward, Jane F.; Yamanishi, Koichi (ngày 2 tháng 7 năm 2015), "Varicella zoster virus infection", Nature Reviews Disease Primers, 1 (1), doi:10.1038/nrdp.2015.16, PMC 5381807, PMID 27188665, S2CID 28833642
  4. a b c d e f g Heininger, Ulrich; Seward, Jane F (tháng 10 năm 2006), "Varicella", The Lancet, 368 (9544): 1365–1376, doi:10.1016/S0140-6736(06)69561-5, PMID 17046469, S2CID 208794095
  5. a b c d e Kennedy, Peter; Gershon, Anne (ngày 2 tháng 11 năm 2018), "Clinical Features of Varicella-Zoster Virus Infection", Viruses, 10 (11): 609, doi:10.3390/v10110609, PMC 6266119, PMID 30400213, S2CID 53225827
  6. a b c d e f Mueller, Niklaus H.; Gilden, Donald H.; Cohrs, Randall J.; Mahalingam, Ravi; Nagel, Maria A. (tháng 8 năm 2008), "Varicella Zoster Virus Infection: Clinical Features, Molecular Pathogenesis of Disease, and Latency", Neurologic Clinics, 26 (3): 675–697, doi:10.1016/j.ncl.2008.03.011, PMC 2754837, PMID 18657721, S2CID 27839218
  7. Marin, Mona; Leung, Jessica; Lopez, Adriana S.; Shepersky, Leah; Schmid, D. Scott; Gershon, Anne A. (2021), "Communicability of varicella before rash onset: a literature review", Epidemiology and Infection, 149, doi:10.1017/S0950268821001102, PMC 8193770, PMID 33958016, S2CID 233983216
  8. a b Zerboni, Leigh; Sen, Nandini; Oliver, Stefan L.; Arvin, Ann M. (ngày 10 tháng 2 năm 2014), "Molecular mechanisms of varicella zoster virus pathogenesis", Nature Reviews Microbiology, 12 (3): 197–210, doi:10.1038/nrmicro3215, PMC 4066823, PMID 24509782, S2CID 10800860
  9. a b c Tunbridge, A.J.; Breuer, J.; Jeffery, K.J.M. (tháng 8 năm 2008), "Chickenpox in adults – Clinical management", Journal of Infection, 57 (2): 95–102, doi:10.1016/j.jinf.2008.03.004, PMID 18555533, S2CID 46519433
  10. a b Gershon, Anne A; Gershon, Michael D; Shapiro, Eugene D (ngày 30 tháng 9 năm 2021), "Live Attenuated Varicella Vaccine: Prevention of Varicella and of Zoster", The Journal of Infectious Diseases, 224 (Supplement 4): S387–S397, doi:10.1093/infdis/jiaa573, PMC 8482020, PMID 34590140, S2CID 238228498