Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thị thực điện tử

Thị thực điện tử (tiếng Anh e-Visa) là một bằng chứng hợp pháp dưới dạng điện tử, số hóa xác nhận một người nào đó được phép nhập cảnh hoặc xuất cảnh ở quốc gia cấp thị thực.

Thị thực điện tử cũng như thị thực bình thường, tuân theo các dạng sau: (i) Thị thực quá cảnh. Nó dùng để đi qua một quốc gia trên đường đến một quốc gia khác. Hiệu lực của thị thực quá cảnh thường được giới hạn trong khoảng thời gian ngắn khoảng vài tiếng đến mười ngày tuỳ theo kích thước của quốc gia hoặc lịch trình cụ thể của chuyến quá cảnh; (ii) Thị thực ngắn hạn hoặc cho du khách. Đối với các chuyến ghé thăm ngắn hạn đến các quốc gia. Nhiều quốc gia phân biệt mục đích chuyến đi, như là Thị thực riêng tư, Thị thực du lịch, Thị thực với mục đích y tế, Thị thực công tác, Thị thực du lịch và làm việc, Thị thực vận động viên hoặc nghệ sĩ, Thị thực trao đổi văn hóa, Thị thực hành hương; (iii) Thị thực dài hạn. Thị thực có hiệu lực dài hơn và có giới hạn; (iii) Thị thực nhập cư. Nó được cấp cho người muốn nhập cư vào quốc gia cấp. Đây là thị thực cho vợ chồng, kết hôn…; (iv) Thị thực công vụ. Nó được cấp cho công chức đi làm việc cho chính phủ, hoặc đại diện cho một nước tại quốc gia cấp thị thực, như là làm nhiệm vụ ngoại giao.

Trình tự cấp thị thực[sửa]

Trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử nói chung gồm các bước sau:

  • Truy cập Trang thông tin cấp thị thực điện tử để khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu theo mẫu qui định.
  • Nhận mã hồ sơ điện tử và nộp phí cấp thị thực vào tài khoản qui định tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.
  • Trong thời hạn quy định, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực, cơ quan Quản lí xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.
  • Người đề nghị cấp thị thực điện tử sử dụng mã hồ sơ điện tử để kiểm tra kết quả giải quyết của cơ quan Quản lí xuất nhập cảnh tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử; trường hợp được cấp thị thực điện tử thì sử dụng mã hồ sơ điện tử để in thị thực điện tử theo mẫu qui định.

Thị thực điện tử được cấp cho công dân các nước được quyền xin thị thực điện tử khi muốn đi du lịch hoặc công tác sang nước muốn đến. Một số nước có quy định rõ việc thị thực điện tử có thể được cấp tại các Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực của từng nước (trong giờ hành chính) hay bởi các hãng hàng không và đại lý có đủ khả năng cấp thị thực điện tử, hoặc được cấp qua Internet.

Thị thực điện tử được cấp tự động khi trình một hộ chiếu còn giá trị của một nước có quyền được cấp thị thực điện tử. Sẽ không có nhãn thị thực trong hộ chiếu của người xin cấp thị thực điện tử. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, người xin thị thực không cần in thị thực điện tử theo mẫu qui định. Khi làm thủ tục tại các cửa khẩu, nhân viên hàng không/an ninh cửa khẩu qua hệ thống máy tính kết nối Internet sẽ khẳng định việc người đi du lịch, công tác... đang có hay không một thị thực xuất/nhập cảnh có giá trị.

Ích lợi[sửa]

  • Không cần làm đơn.
  • Thủ tục nhanh gọn. thị thực điện tử yêu cầu ít thông tin hơn loại thị thực bình thường và không có nhãn thị thực đóng vào hộ chiếu. Cả quá trình xét duyệt có khi chỉ mất một vài phút. Trong nhiều trường hợp, nếu điều kiện cho phép xin thị thực điện tử thông qua hãng hàng không hoặc đại lý bán hàng của họ thì thị thực điện tử có thể được thao tác trên cùng một màn hình và cùng một lúc khi đặt chỗ chuyến bay.
  • Việc chấp thuận được chuyển trực tiếp từ nước cấp thị thực điện tử với sự chậm trễ tối thiểu.
  • Có thể xin thị thực điện tử hoặc kiểm tra xem thị thực điện tử hiện tại còn giá trị hay không bằng cách truy cập internet.

Các quốc gia thường có các điều kiện để các cấp thị thực, chẳng hạn như thời hạn hiệu lực của thị thực, khoảng thời gian mà đương sự có thể lưu lại đất nước của họ. Thường thì thị thực hợp lệ cho phép nhiều lần nhập cảnh (tùy theo điều kiện) nhưng có thể bị thu hồi vào bất cứ lúc nào và với bất kỳ lý do gì. Thị thực có thể được cấp trực tiếp tại quốc gia, hoặc thông qua đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của quốc gia đó, đôi khi thông qua một cơ quan chuyên môn, công ty du lịch có sự cho phép của quốc gia phát hành. Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia cho phép người muốn nhập cảnh vào nước mình xin thị thực thông qua đường thư tay hoặc Internet.

Tại Việt Nam[sửa]

Năm 2017 Quốc hội Việt Nam đã cho phép thử nghiệm cấp thị thực điện tử. Sau thời gian thử nghiệm để rà soát quy trình, thủ tục, ngày 25/05/ 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về việc cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước kể từ ngày 01/07/ 2020 và danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài xuất, nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Điều kiện để được cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch, thương mại, đầu tư, lao động, kết hôn... theo quy định hiện hành bao gồm:

  • Người nước ngoài đang ở nước ngoài.
  • Người nước ngoài có hộ chiếu hợp lệ, hộ chiếu còn thời hạn tối thiểu 6 tháng trước khi làm thủ tục xin cấp visa thị thực.
  • Người nước ngoài không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
  • Người nước ngoài là công dân một trong các quốc gia được liệt kê trong danh sách cấp visa điện tử theo quy định của Chính Phủ.

Việc cấp thị thực điện tử là một trong những yếu tố giúp nâng cao vị trí cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thị trường quốc tế, bởi thị thực là khâu quan trọng đối với quyết định của du khách khi đi du lịch tới một nước nào đó. Bản thân Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cũng đã đề xuất tạo điều kiện nhanh chóng và dễ dàng hơn cho du khách trong việc xin thị thực vào Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Britannica, Britannica Concise Encyclopedia, Ed. Encyclopedia Britannica, 2006
  2. Mohammad Najim Abdulla et als., Impact of E-visas on Traditional Travel Authentication and Tourism, International Journal of Science and Research (IJSR) 8(7):1599-1600, 2019
  3. https://www.vietnam-evisa.org/vietnam-e-visa.html, 2020