Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tổng khởi nghĩa
Tập tin:Lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ.jpg
Lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ

Tổng khởi nghĩa là khởi nghĩa đồng loạt diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn, theo một kế hoạch và sự chỉ đạo tập trung thống nhất, nhằm lật đổ chính quyền của giai cấp thống trị, giành chính quyền cách mạng trên phạm vi cả nước.

Lý luận về khởi nghĩa vũ trang và TKN được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin bàn trong nhiều tác phẩm quân sự, tiêu biểu là Tuyển tập luận văn quân sự của Ăngghen và Chủ nghĩa Mác và khởi nghĩa của Lênin... Trong tác phẩm Chủ nghĩa Mác và khởi nghĩa, Lênin chỉ rõ: khởi nghĩa muốn giành thắng lợi không được dựa vào một âm mưu, một chính đảng, mà phải dựa vào giai cấp tiền phong, dựa vào cao trào cách mạng của nhân dân; dựa vào một bước ngoặt trong lịch sử của cuộc cách mạng đang lên, khi mà tính tích cực của những bộ phận tiên tiến trong nhân dân lên cao, khi mà những dao động trong hàng ngũ địch và trong hàng ngũ những người bạn mềm yếu, lừng chừng và không kiên quyết. TKN nổ ra và thắng lợi khi có một đảng của giai cấp tiên phong lãnh đạo, có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, khi tình thế cách mạng đã chín muồi và thời cơ khởi nghĩa xuất hiện; được bắt đầu từ khởi nghĩa ở một vài địa phương (khởi nghĩa địa phương), hoặc khởi nghĩa từng phần sau đó lan rộng ra cả nước; được tiến hành bằng sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang và các hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tạo nên sức mạnh tổng hợp, áp đảo quân thù.

Từ năm 1940, trong tác phẩm Con đường giải phóng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xác định: cuộc khởi nghĩa vũ trang sắp diễn ra ở Việt Nam là khởi nghĩa giải phóng dân tộc, do toàn dân tiến hành, công nhân và nông dân làm lực lượng chủ yếu; điều kiện bảo đảm thắng lợi là khi lực lượng đế quốc thống trị lung lay không đủ sức giữ địa vị như trước nữa, dân chúng đói khổ quyết hi sinh nổi dậy tranh đấu với đế quốc đến cùng, có một cao trào cách mạng trong quảng đại quần chúng và có một chính đảng cách mạng lãnh đạo...; khởi nghĩa có thể nổ ra ở một vài địa phương rồi lan dần ra khắp nước.

Sớm nhận thức rõ mục tiêu của Cách mạng Việt Nam là phải tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc, khi tình thế cách mạng xuất hiện, ngày 13.8.1945 Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị Toàn quốc của Đảng, quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân TKN, giành chính quyền trên phạm vi cả nước, trước khi quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở Đông Dương. Đêm 13.8.1945, Ủy ban Khởi nghĩa được thành lập và ra Quân lệnh số 1. Ngày 16.8.1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, quy định Quốc kỳ, Quốc ca, các chính sách lớn của Việt Minh và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Khi thời cơ chín muồi, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo và phát động toàn dân TKN. Lực lượng gồm mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc và tôn giáo, nòng cốt là lực lượng công nhân, nông dân ở từng địa phương và trên cả nước. Tất cả các lực lượng tham gia TKN được tổ chức thành những đội quân chính trị và đội quân vũ trang, do Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và các Đảng bộ địa phương lãnh đạo, thực hiện thống nhất theo ba nguyên tắc: tập trung lực lượng vào những mục tiêu chính; thống nhất các mặt chính trị, quân sự, hành động và chỉ huy; kịp thời tổ chức hành động đồng loạt, không bỏ lỡ cơ hội để tiến hành khởi nghĩa từng phần, rộng khắp, tiến tới TKN trên quy mô toàn quốc. Phương thức tiến hành: kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng nhân dân và lực lượng quân sự (gồm Việt Nam giải phóng quân, lực lượng vũ trang các địa phương) làm nòng cốt; giữa đấu tranh chính trị rộng khắp với đòn tiến công quân sự hỗ trợ. Trong đó, lực lượng chính trị tiến hành đấu tranh chính trị đóng vai trò quyết định, lực lượng quân sự đóng vai trò chế áp quân địch, kết hợp với sách lược mềm dẻo, từng bước cô lập, vô hiệu hóa quân Nhật và tay sai. Thực hiện Lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương, nhân dân ở nhiều địa phương có đội quân vũ trang (tổ, đội) hỗ trợ, xung kích nổi dậy, giành chính quyền. Một số địa phương, tuy chưa nhận được Lệnh Tổng khởi nghĩa, nhưng thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12.3.1945) của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, các đảng bộ đã lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở từng địa phương. Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là ở Hà Nội (19.8), Huế (23.8) và Sài Gòn (25.8) đã đập tan sức kháng cự của quân Nhật và tay sai, góp phần tác động mạnh tới các địa phương khác tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chiều ngày 30.8.1945, trước cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng ở Ngọ Môn (Huế), Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, chế độ quân chủ chuyên chế bị xóa bỏ, TKN giành chính quyền trên phạm vi cả nước cơ bản kết thúc thắng lợi. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002.
  2. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 987.
  3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 758, 759.
  4. Bộ Quốc phòng, Bách Khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 789 -883.
  5. Bộ Quốc phòng, Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 521, 522.
  6. Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự/ Bộ Quốc phòng: Thông tin chuyên đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh những quan điểm quân sự đầu tiên và lý luận khởi nghĩa vũ trang, tháng 1.2012.
  7. Tuyển tập luận văn quân sự Mác - Ăng ghen, tập 6, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974.
  8. V.I. Lênin toàn tập, tập 34, Nxb Tiến bộ Matxcơva, 1976.