Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tài nguyên khoáng sản

tài nguyên khoáng sản là tổ hợp các khoáng chất có ích tồn tại trong lòng đất và trên bề mặt Trái đất, về mặt kỹ thuật và kinh tế hiện tại và trong tương lai chúng được sử dụng trong công nghiệp một cách có hiệu quả. Phần lớn tài nguyên khoáng sản thuộc loại không tái tạo, ngoại trừ các trầm tích đáy sông, nước ngầm, nước khoáng thiên nhiên và một số sản phẩm của các núi lửa đang hoạt động.

Các hệ thống phân loại tài nguyên khoáng sản[sửa]

Có nhiều hệ thống phân loại tài nguyên khoáng sản khác nhau, phổ biến nhất là hệ thống phân loại theo mục đích sử dụng. Theo đó tài nguyên khoáng sản được phân thành khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; nhiên liệu, năng lượng và phóng xạ. Các khoáng sản kim loại được chia thành các nhóm sắt và hợp kim sắt (Fe, Mn, Ni, Mo, W); kim loại cơ bản (thông thường) (Sb, Pb-Zn, Cu, Sn); kim loại nhẹ (Al, Ti); kim loại quý (Au, Ag, PGE); đất hiếm và kim loại hiếm (REE, Li). Các khoáng sản không kim loại được chia thành các nhóm đá quý và bán quý (kim cương, ruby, saphir, emeral, thạch anh, nephrit, jadeit,...); đá mỹ nghệ (opan - calchedon, mã não, đá hoa, metacarbonat,...); khoáng chất công nghiệp (apatit, barit, bentonit, pyrit, sét gốm sứ,...) và vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá, cát sỏi,...). Nhóm nhiên liệu, năng lượng gồm than khoáng, dầu mỏ, khí đốt, đá phiến cháy. Nhóm khoáng sản phóng xạ chủ yếu là các mỏ urani.

Trong thực tế một số loại khoáng sản có lĩnh vực sử dụng rất đa dạng. Ví dụ: dầu và khí không chỉ là nguyên liệu của ngành năng lượng mà còn là nguyên liệu rất quan trọng của ngành hóa chất; đá carbonat (đá vôi, đá hoa) được sử dụng trong xây dựng, bột công nghiệp, trong luyện kim, hóa chất, sản xuất xi măng,…

Tài nguyên khoáng sản trong lòng đất và dưới đáy đại dương[sửa]

Tài nguyên khoáng sản trong lòng đất và dưới đáy các đại dương cũng như tại các lục địa và tại từng quốc gia có sự phân bố không đồng đều, phụ thuộc vào điều kiện hình thành các thành tạo địa chất và cấu trúc địa chất của từng vùng. Tài nguyên khoáng sản được định lượng bằng trữ lượng và tài nguyên dự báo. Trên ba phần tư trữ lượng dầu và khí tập trung chủ yếu tại 8 quốc gia - Ả Rập Xê Út, Kanada, Iran, Nga, Irak, Kuwait, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Venezuela; trên 75% trữ lượng than đã qua thăm dò tập trung tại các nước Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nga, Ấn Độ, Đức và Nam Phi; trên 75% trữ lượng mangan tập trung tại Nam Phi và Ucraina; trên 88% trữ lượng được xác nhận của cromit tập trung tại Cộng hòa Nam Phi, Zimbabwe và Kazakctan; gần 80% tổng trữ lượng, tài nguyên muối kali, trên 52% tổng tài nguyên và trữ lượng và trên 56% trữ lượng đã xác định của quặng uran tập trung tại Úc, Kazakctan và Canada.

Tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam[sửa]

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú về chủng loại, song rất ít loại có quy mô tài nguyên và trữ lượng lớn. Tài nguyên khoáng sản của Việt Nam, cũng như trên thế giới, có sự phân bố không đồng đều theo vùng lãnh thổ. Thankhoáng phân bố chủ yếu phần Đông Bắc, một ít ở miền Trung; dầu và khí chủ yếu trên thềm lục địa thuộc lãnh thổ Việt Nam; urani tập trung chủ yếu tại Đông Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên; cromit có duy nhất tại Thanh Hóa; đồng, chì, kẽm, mangan tập trung chủ yếu ở Bắc bộ, rải rác có vài điểm mỏ có quy mô không lớn; thiếc tập trung chủ yếu ở Đông Bắc, Nghệ An và Lâm Đồng; sắt phân bố rất không đồng đều, chủ yếu tập trung ở Bắc Bộ và Trung Bộ; titan có quy mô lớn về tài nguyên và trữ lượng, phân bố rải rác từ Đông Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ; nickel, cobalt được phát hiện không nhiều, hiện chỉ khai thác tại Bản Phúc (Sơn La); bauxit có quy mô lớn về tài nguyên và trữ lượng, phần lớn phân bố tại 5 tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn có tại Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn, Hải Dương, Nghệ An; volfram tập trung chủ yếu ở mỏ Núi Pháo, Đại Từ (Thái Nguyên), rải rác tại một số tỉnh cũng có quặng volfram nhưng quy mô rất hạn chế, chất lượng thấp như Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng,…; vàng phân bố khá rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam; đất hiếm được phân bố chủ yếu ở Tây Bắc Bộ; apatit duy nhất chỉ có ở Lào Cai; pyrit phân bố Phú Thọ, Hà Nội, Thừa Thiên Huế và có ở trong các mỏ chì - kẽm Bắc Cạn, Hà Giang và mỏ đồng Lào Cai; fluorit đi kèm trong quặng đất hiếm ở Lai Châu và một vài nơi khác; đá quý rubi, saphir tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Hồng (Lục Yên - Yên Bái), Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An) và Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk và Kon Tum); làm vật liệu xây dựng phân bố rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước (Xt. mục từ “Khoáng sản vật liệu xây dựng”); Nước dưới đất (Xt. mục từ “Nước dưới đất”).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Văn Trị (chủ biên), Tài nguyên khoáng sản Việt Nam, Cục ĐC&KSVN, Hà Nội, 214tr, 2000.
  2. Trần Văn Trị, Vũ Khúc (chủ biên), Địa chất và tài nguyên Việt Nam, Nxb. Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, 483-547, 2009.
  3. Большая Российская энциклопедия - электронная версия, bigenc.ru..