Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Suy hô hấp

Suy hô hấp là tình trạng mà ảnh hưởng đến chức năng hô hấp hoặc phổi và có thể dẫn đến suy giảm chức năng phổi hoàn toàn. Chức năng chính của phổi và lồng ngực giúp oxy trong không khí chúng ta hít thở đi vào máu, đồng thời, đào thải khí cacbonic trong máu qua không khí thở ra. Trong suy hô hấp, lượng oxy trong máu bệnh nhân thấp đáng kể, và lượng khí cacbonic trong máu tăng cao. Sự trao đổi oxy và khí carbonic giữa máu và phế nang trong phổi (gọi là quá trình trao đổi khí) bị ảnh hưởng, hoặc sự di chuyển của không khí ra và vào phổi (quá trình thông khí) bị cản trở.

Mô tả[sửa]

Suy hô hấp thường được chia thành 2 loại chính. Loại thứ nhất, là khi cơ thể không nhận đủ oxy vào máu xảy ra khi gián đoạn quá trình trao đổi khí. Trong đó, hội chứng suy hô hấp cấp hay gặp nhất, xảy ra ở cả ngưởi trưởng thành và trẻ sinh non, trong đó biến đổi về mô ngăn cản sự trao đổi oxy giữa phế nang và máu. Giảm oxy máu có thể xảy ra khi ở độ cao lớn (khi mà lượng oxy trong không khí thấp hơn), bệnh phổi, thiếu máu nặng, và bệnh lý mạch phổi mà hình thành các shun làm máu không qua phổi, do vậy phổi không hấp thụ được oxy.

Loại thứ hai của suy hô hấp là khi lượng khí cacbonic trong cơ thể tăng cao, nguyên nhân do hô hấp không đủ để loại bỏ khí cacbonic khỏi cơ thể. Vì vậy, nồng độ khí cacbonic trong máu tăng cao. Loại này xuất hiện khi tổn thương hệ thần kinh như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não làm tổn thương đến hoạt động của hệ hô hấp, liệt cơ hô hấp, hoặc trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà phổi không đủ khả năng để đào thải khí cacbonic .

Nguyên nhân[sửa]

  • Tắc nghẽn đường thở. Ví dụ: viêm phế quản mãn tính kèm theo tiết đờm nhiều, khí phế thũng, xơ nang, hen phế quản cấp.
  • Ức chế hô hấp: có thể do sử dụng quá nhiều chất kích thích như rượu bia gây chế trung tâm hô hấp, béo phì, hội chứng ngừng thở khi ngủ.
  • Nhược cơ hô hấp. Ví dụ: bệnh nhược cơ, loạn dưỡng cơ, đột quỵ gây liệt các cơ hô hấp, tổn thương tuỷ sống, bệnh bại liệt.
  • Bệnh phổi. Ví dụ: viêm phổi nặng, phù phổi cấp,xơ phổi, tổn thương phổi do chất độc phóng xạ, tổn thương dạng bỏng khi hút thuốc, và ung thư thể lan tràn.
  • Bất thường thành ngực khác (do vẹo cột sống và tổn thương thành ngực).

Triệu chứng[sửa]

Bệnh nhân suy hô hấp có nồng độ oxy trong máu thấp và khí carbonic cao gây ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh trung ương. Bệnh nhân có biểu hiện lú lẫn hoặc lơ mơ và mất tập trung trong công việc và hoạt động thường ngày. Khí carbonic tăng cao trên mức bình thường có thê gây đau đầu, trường hợp nặng có thể hôn mê. Ngoài ra, có thể gây rối loạn nhịp tim. Khám lâm sàng có thể thấy bệnh nhân thở nhanh nông. Khám phổi thấy ran rít trong hen, rì rào phế nang giảm trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Chẩn đoán[sửa]

Triệu chứng của suy hô hấp thường không đặc hiệu. Hơn nữa, triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy hô hấp và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định là đo nồng độ oxy, cacbonic, và pH ở trong máu. Đột ngột giảm mức oxy trong phổi gây hẹp động mạch phổi. Do vậy, trở kháng lực mạch máu phổi tăng, được xác định bằng cách thông tim phải để đo kháng lực mạch máu phổi. Lượng khí cacbonic trong máu tăng có thể dẫn đến tăng áp lực nội sọ và ống sống.

Điều trị[sửa]

Liệu pháp oxy được áp dụng cho gần tất cả các bệnh nhân suy hô hấp. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc nhằm điều trị nguyên nhân hoặc cải thiện triệu chứng. Ví dụ, dùng kháng sinh cho các trường hợp nhiễm trùng ở phổi như viêm phổi, hoặc thuốc giãn phế quản dùng điều trị trong các trường hợp hen.

Trong trường hợp liệu pháp oxy không hiệu quả, bệnh nhân cần thông khí nhân tạo để hỗ trợ hô hấp. Một ống nhựa được đưa vào khí quản qua mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi miệng và được gắn vào máy thở để tạo áp lực dương cho phổi. Biện pháp này được tiến hành để cứu sống bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân có thể tự thở. Áp lực máy thở được điều chỉnh để tránh chấn thương phổi do áp lực, hoặc xẹp phổi. Bác sĩ dùng thuốc an thần để bệnh nhân tránh kích thích và điều chỉnh lượng dịch trong cơ thể bệnh nhân đảm bảo tim và phổi hoạt động bình thường. Ngoài ra, các thuốc steroid, chống viêm hay được sử dụng nhưng có thể gây biến chứng, bao gồm làm yếu cơ hô hấp.

Vật lý trị liệu hô hấp bao gồm một một số biện pháp để cải thiện thông khí, ho khạc đờm bao gồm:

Hút đờm trong phổi sử dụng ống nhựa nhỏ đặt qua mũi, để hút chất đờm rãi trong đường thở bệnh nhân.

Dẫn lưu tư thế, trong đó bệnh nhân nằm ở tư thế ngồi sao cho phần hông trở lên hơi cúi về phía trước. Bác sĩ có thể vỗ rung vào lưng của bênh nhân để làm long đờm của bệnh nhân.

Các bài tập thở được chỉ định với bệnh nhân hồi phục, giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn và tăng cường cử động hô hấp. Ví dụ như phương pháp tập thở bằng bóng, chúm môi khi thở để tăng áp lực trong đường thở và tránh xẹp đường thở.

Tiên lượng[sửa]

Tiên lượng cho bệnh nhân suy hô hấp phụ thuộc vào chính nguyên nhân của bệnh. Nếu bệnh đi kèm được điều trị hiệu quả, hỗ trợ hô hấp tốt, bệnh nhân có tiên lượng tốt.

Bệnh nhân có tiên lượng nặng trong trường hợp có biến chứng suy thận hoặc viêm phổi do nhiễm trùng. Ngoài ra, một số bệnh phổi nguyên phát có thể gây tổn thương phổi không hồi phục. Dựa trên tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định xem bệnh nhân cần thông khí cơ học hay ghép phổi cho bênh nhân. Tuy nhiên, ghép phổi là một phẫu thuật phức tạp và chưa được áp dụng rộng rãi.

Dự phòng[sửa]

Do suy hô hấp không phải là bệnh lí đường hô hấp, mà là hậu quả cuối cùng của nhiều bệnh phổi, biện pháp dự phòng tốt nhất là điều trị bệnh phổi triệt để và hiệu quả. Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh phổi cần được điều trị kịp thời để tránh nhiễm trùng đường hô hấp (kể cả đường hô hấp trên). Bệnh nhân có bệnh phổi tránh tiếp xúc với chất gây ô nhiễm. Khi bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp, bệnh nhân cần điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực. Bác sĩ lâm sàng cần theo dõi sát biện pháp điều trị, đặc biệt thông khí cơ học, để giảm thiểu các biến chứng mà có thể làm tình trạng bệnh nặng lên.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bope, E. T. Conn’s Current Therapy Philadelphia: Saunders Elseier, 2014.
  2. Bộ y tế. Hô hấp, Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí hổi sức tích cực, chướng I, Hà Nội, 2015.
  3. Cherry, J., et al. Feigin and Cherry’s Textbook of Pediatric Infectious Diseases. 7th ed. Philadelphia: Elsevier Saunders, 2014.
  4. Cohen, J., et al. Infectious Diseases. 3rd ed. St. Louis: Mosby, 2010.
  5. Ferri, Fred, ed. Ferri’s Clinical Advisor 2015. 1st ed. Philadelphia: Mosby Elsevier, 2015.
  6. Goldman, L., and D. Ausiello, eds. Cecil Textbook of Internal Medicine. 24th ed. Philadelphia: Saunders, 2012.
  7. Rakel, R. Textbook of Family Medicine 2011. 8th ed. Philadelphia: Saunders Elsevier, 2011.
  8. National Heart Lung and Blood Institute Health Information Center, P.O. Box 30105, Bethesda, MD, 20824- 0105, (301) 592-8573, Fax: (240) 629-3246, http://www.nhlbi.nih.gov.