Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sinh thiết tuyến vú

Sinh thiết tuyến vũ là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ và đưa đi kiểm tra dưới kính hiển vi ở phòng thí nghiệm.

Mục đích[sửa]

Sinh thiết tuyến vú được sử dụng để xác định bản chất khối u (lành tính hay ác tính) khi phát hiện khối bất thường ở vú qua khám lâm sàng hoặc qua chẩn đoán hình ảnh.

Mô tả[sửa]

Sinh thiết lõi kim[sửa]

Bác sĩ sẽ sử dụng kim lớn hơn và có lõi rỗng để lấy một vài mẫu mô nhỏ từ u (kích thước vài mm). Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ để đưa kim vào vú. Quá trình này thường sử dụng thêm phương pháp siêu âm để hỗ trợ xác định vị trí u.

Kĩ thuật này có thể thực hiện ở phòng khám hay bệnh viện có đầy đủ phương tiện kĩ thuật phù hợp.

Sinh thiết nhờ chân không[sửa]

Đây là phương pháp cải tiến của sinh thiết lõi kim. Sinh thiết có hỗ trợ hút chân không là thủ thuật đa năng, có thể được sử dụng cho xử lý nốt vôi và u vú. Phương pháp này cho phép lấy mẫu có kích thước lớn hơn, và trong một số trường hợp, có thể cắt bỏ hoàn toàn các u nhỏ. Phương pháp này cải thiện độ chính xác của sinh thiết.

Giống như sinh thiết lõi kim, thủ thuật này có thể dùng siêu âm để định hướng. Trong một số trường hợp, có thể dùng phương pháp chụp nhũ ảnh hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để định hướng cho thủ thuật sinh thiết vì phương pháp này cho phép xác định vị trí và tạo hình ảnh tốt hơn về u hoặc tình trạng vôi hóa.

Sinh thiết qua phẫu thuật[sửa]

Kỹ thuật sinh thiết mở này cần gây tê tại chỗ, đôi khi cần an thần nhẹ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường trên da vú khoảng 2-3 cm để lấy đi 1 phần hoặc toàn bộ mô tổn thương. Sinh thiết qua phẫu thuật lấy toàn bộ khối u là 1 phương pháp phẫu thuật lấy bỏ hoàn toàn khối bất thường cũng như các mô nghi ngờ xung quanh.

Tập tin:Sinh thiết bằng phẫu thuật.jpg
Sinh thiết qua phẫu thuật

Nếu tổn thương không sờ thấy mà chỉ quan sát được qua siêu âm hoặc chụp X- quang vú, bác sĩ sẽ sử dụng một kim dây định vị để hướng dẫn tìm ra và sinh thiết tổn thương vú.

Chuẩn bị bệnh nhân[sửa]

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý và thực hiện kiểm tra lâm sàng.

Bệnh nhân phải ký giấy chấp nhận thực hiện xét nghiệm sinh thiết vú. Nếu phải gây mê, không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì trong vòng 8 – 12 giờ trước khi thực hiện thủ thuật.

Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào (đặc biệt là aspirin hoặc các loại thảo dược), hãy hỏi bác sĩ liệu có nên ngừng thuốc trước khi thực hiện sinh thiết hay không. Cần báo cho bác sĩ biết về tình trạng từng dị ứng thuốc tê hay không. Hãy báo với bác sĩ nếu nghi ngờ mình đang mang thai. Không thoa kem dưỡng da (lotion), nước hoa, phấn thơm hoặc chất khử mùi vào vùng dưới cánh tay hoặc vú trước khi thực hiện sinh thiết.

Nếu sinh thiết vú qua hướng dẫn của MRI, bạn cần báo thêm cho bác sĩ biết mình có cấy ghép dụng cụ kim loại trong cơ thể hay không.

Chăm sóc sau thủ thuật[sửa]

Bệnh nhân có thể được về nhà trong ngày và sinh hoạt bình thường trở lại. Tuy nhiên hãy luôn thật nhẹ nhàng để tránh gây áp lực lên vị trí sinh thiết. Bầm tím là tình trạng thường xảy ra nhất khi thực hiện phương pháp sinh thiết lõi kim. Có thể dùng thuốc giảm đau không chứa aspirin như paracetamol và chườm miếng dán lạnh để giảm sưng.

Nếu bạn thực hiện sinh thiết qua phẫu thuật, bác sĩ khâu lại vết mổ và rút chỉ sau 1 tuần. Tùy thuộc vào mức độ phẫu thuật, bệnh nhân có thể hoạt động bình thường sau 1 đến 3 ngày sau phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân không nên tập thể dục mạnh trong khoảng 1 đến 3 tuần sau phẫu thuật sinh thiết.

Rủi ro[sửa]

Nhiễm trùng có thể xảy ra khi da bị tổn thương, biểu hiện là đỏ, sưng, đau, quanh vị trí sinh thiết. Ngoài ra, tại vị trí sinh thiết có thể hình thành khối máu tụ. Trong điều kiện bình thường, khối máu tụ hấp thụ tự nhiên. Nếu khối máu tụ to và gây khó chịu, dẫn lưu khối máu tụ để giải phóng chèn ép.

Kết quả[sửa]

Kết quả bình thường: Không có tế bào bất thường hay ung thư nào được tìm thấy.

Kết quả bất thường:

Có những thay đổi ở vú nhưng không phải ung thư như Vôi hóa trong mô vú, Nang vú – dạng khối u chứa chất lỏng, U sợi và u tuyến trong vú…

Có những thay đổi ở vú, không phải ung thư, nhưng có thể gây tăng nguy cơ ung thư như Tăng sản ống tuyến vú (ống dẫn sữa) không điển hình, Tăng sản tiểu thùy không điển hình (gọi tắt là ALH)

Phát hiện tế bào ung thư.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư vú, Hà Nội, 2020.
  2. American Cancer Society,1599 Clifton Rd.NE, Atlanta, GA, 30329, (800) 227-2345, http:/www.cancer.org.
  3. Nguyễn Bá Đức. Bài giảng ung thư học, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 2001.
  4. National Cancer lnstitute (National lnstitutes of He‹ilth), NCI Office of Communications and Education, 6116 Executive Blvd. Suite 300, Bethesda, MD, 20592-8322, (800) 4-CANCER (422-6237), cancergovstaff J mail. nih.gov, http://www.cancer.gov/.