Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sinh địa tầng

Sinh địa tầng là những phương pháp cơ bản của địa tầng học, nghiên cứu phân chia các phân vị địa tầng trên cơ sở sự khác biệt của các hóa thạch chứa trong các lớp đá. Cơ sở khoa học của sinh địa tầng gồm:

  1. Tính chất biến đổi - tiến hoá của sinh giới mà di tích (hóa thạch) của chúng được tích đọng đồng thời với các vật liệu trầm tích khác
  2. Quy luật tiến hoá không quay lại của L. Dolo “Sinh vật không thể quay trở lại trạng thái trước kia mà tổ tiên chúng đã có, dù trong từng bộ phận”.

Mỗi phân vị địa tầng có những phức hệ hoá thạch đặc trưng, khác với phức hệ hoá thạch của tầng cổ và trẻ hơn.

Sau những công trình đặt nền móng từ thế kỷ XVIII của W. Smith, G. Cuvier và những người thừa kế như A. d’Orbigny rồi đến Ch. Darwin, Ch. Lyell, Kovalevski, sinh địa tầng dần dần đạt được những thành tích lớn lao và trở thành cơ sở vững chắc cho việc định tuổi và đối sánh địa tầng. Sự phát triển và hoàn thiện các phương pháp sinh địa tằng trong thế kỷ XX gắn liền với những cống hiến của các nhà cổ sinh vật học ở nhiều nước như Nga, Pháp, Đức, Mỹ, Áo .....

Ở Việt Nam nửa đầu Thế kỷ XX, các nhà địa chất người Pháp đã áp dụng phương pháp sinh địa tầng vào việc phân định địa tầng của Việt Nam và Đông Dương, được tổng hợp đầy đủ trong công trình “Tự điển địa tầng Đông Dương” 1956. Gần đây nhiều công trình có tính tổng hợp cao được xuất bản như “Các phân vị địa tầng Việt Nam” 2005; “Atlas cổ sinh vật Việt Nam” 2013.

Phân vị sinh địa tầng là tập hợp các lớp đá được phân định trên cơ sở các hóa thạch hoặc các dấu vết sinh vật hóa thạch trong chúng, nhờ đó có thể phân biệt với các thể sinh địa tầng nằm giáp kế trên và dưới đó. Mỗi phân vị sinh địa tầng đều có diện phân bố giới hạn, có các dấu hiệu trực tiếp hoặc gián tiếp làm cơ sở xác lập nên phân vị địa tầng. Sinh tầng là bề mặt biến đổi hoặc xuất hiện của dấu hiệu sinh đia tầng đặc trưng, có giá trị để đối sánh địa tầng.

Phân vị sinh địa tầng có thể được chia thành nhiều đới. Đới phức hệ, là tập hợp các lớp đá phân biệt với các lớp gần kề bằng tập hợp các hóa thạch hoặc một loại hóa thạch chứa trong đó. Đới phân bố, là tập hợp các lớp đá tương ứng với sự phân bố địa tầng đầy đủ của một yếu tố nào đó đã được lựa chọn từ một phức hệ chung các dạng hóa thạch chứa trong mặt cắt địa tầng. Đới phân bố taxon, là tập hợp các lớp đá trong đó có sự phân bố đầy đủ (chiều đứng và chiều ngang) của một taxon nhất định nào đó (loài, giống, họ,...). Đới cùng phân bố, là những phần song song (đồng thời) hay trùng hợp thuộc đới phân bố hai hay nhiều taxon được chọn trong số dạng chứa trong một mặt cắt nào đó. Đới Oppel, bao hàm cả khái niệm về đới cùng phân bố nhưng mang ý nghĩa kém chặt chẽ hơn, ở đây sử dụng không chỉ sự phù hợp giới hạn phân bố địa tầng mà cả các tiêu chuẩn sinh địa tầng khác làm cho đới dễ dùng hơn để xác định đương lượng thời gian. Đới chủng loai hay đới nguồn gốc phát sinh, là một loại đới phân bố, gồm tập hợp các lớp thể hiện một nhánh của đường tiến hoá hay một xu hướng phát triển. Đới cưc thịnh, là tập hợp các lớp trong đó phát triển cực thịnh của một loài, một giống nào đó.


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Macleod N., Priciples of stratigraphy, In “Reference Module in Earth Systems and Environmental Sciences”, Elsevier, 2014. www.nhm.ac.uk/hosted-sites/strat-principles.
  2. Pomerole C., Babin C., Lancelot Y., Le Pichon X., Rat P., Renard M., Stratigraphie: Principes, Méthodes, Applications (3 édition), DOIN, Paris, 279p, 1987.
  3. Tạ Hòa Phương, Cổ sinh vật học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 228tr., 2004.
  4. Tống Duy Thanh, Vũ Khúc, Các phân vị địa tầng Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 504tr., 2005.
  5. Vũ Khúc và nnk, Atlas cổ sinh vật Việt Nam, Nxb. TN-MT-BĐ (4 tập), 2013.