Mục từ này cần được bình duyệt
Sao Thổ
Sao Thổ
Ảnh màu thật Sao Thổ chụp bởi Cassini vào tháng 7 năm 2008. Chấm ở góc dưới bên trái là Titan.
Vành đai Sao Thổ là lớn và dễ thấy nhất trong Hệ Mặt Trời. Ảnh Cassini chụp vào năm 2007.

Sao Thổ là hành tinh thứ sáu tính từ Mặt Trời và hành tinh lớn thứ hai trong Hệ Mặt Trời, sau Sao Mộc.[1] Đây là một hành tinh khí khổng lồ[2] có khối lượng và thể tích lần lượt gấp 95 và 755 lần Trái Đất.[3] Tuy có kích cỡ lớn nhưng khối lượng riêng của Sao Thổ lại nhỏ đến mức nó có thể nổi trên mặt nước nếu đặt được vào một đại dương đủ lớn.[3] Sao Thổ nổi bật với hệ thống vành đai kỳ vĩ độc đáo được tạo thành từ những hạt bụi và băng đa kích cỡ.[4][5] Đây là hành tinh xa xôi nhất mà người thời xưa biết đến.[6]

Giống như Sao Mộc, Sao Thổ là một thế giới bao la hầu như chỉ toàn là hydro, heli và không có bề mặt rắn.[7][8] Ở phần trong, nhiệt độ và áp suất tăng theo độ sâu và hydro và heli dần chuyển sang trạng thái lỏng.[9] Tại mức áp suất 250 GPa, hydro lỏng trở thành hydro kim loại và trong cùng khả năng là một lõi đặc.[10] Nằm cách Mặt Trời 1 tỷ 426 triệu km,[11] Sao Thổ chỉ nhận 1% lượng ánh sáng so với Trái Đất.[10] Khí quyển hành tinh này cực kỳ lạnh với nhiệt độ trung bình −178 °C tại áp suất 1 bar, tạo thành những đám mây băng.[12] Chỉ 0,2% thể tích khí quyển nặng hơn heli nhưng thành phần này đã tạo nên hầu hết mây và màu sắc cho hành tinh.[12] Các tầng mây từ trên xuống lần lượt là băng amonia (NH3), băng amoni hydrosulfide (NH4SH), băng nước (H2O), hỗn hợp amonia và nước.[13][14] Sao Thổ cũng có những dòng tia đới như Sao Mộc, ít hơn nhưng lớn và mạnh hơn đáng kể, nhất là dòng xích đạo với sức gió đạt tới 1.800 km/h.[15][16]

Từ trường của Sao Thổ yếu hơn Sao Mộc nhưng vẫn mạnh hơn nhiều Trái Đất.[17] Cực từ và cực địa lý của hành tinh này gần như trùng nhau, chỉ lệch trong vòng một độ.[18] Sao Thổ có tốc độ quay quanh trục nhanh khoảng hơn 10 giờ (tức một ngày), chỉ hơi dài hơn Sao Mộc.[11] Một năm của nó bằng gần 30 năm Trái Đất hay là thời gian hoàn thành một vòng quanh Mặt Trời.[19]

Sao Thổ có độ nghiêng trục 26,7, lớn hơn nhiều Sao Mộc, do vậy nó có thể có những chu kỳ thời tiết và hoàn lưu khí quyển hoàn toàn khác.[20] Vì trục Sao Thổ nghiêng nên vành đai của nó hiện lên với nhiều góc độ khi quan sát từ Trái Đất.[21] Các vành Sao Thổ rất sáng, đã nhiều lần biến mất rồi tái tạo từ buổi đầu của Hệ Mặt Trời.[22] Vành chính có đường kính 270.000 km nhưng chỗ dày nhất chỉ khoảng 100 m.[23] Số lượng vệ tinh của Sao Thổ là 83 (tính đến 2023),[24] trong đó nổi bật nhất là Titan với kích cỡ lớn hơn Sao Thủy và khí quyển dày hơn Trái Đất.[25]

Pioneer 11 là tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận Sao Thổ, đạt khoảng cách gần nhất 20.900 km vào ngày 1 tháng 9 năm 1979.[26] Trong lúc bay qua, Pioneer 11 đã chụp 440 bức ảnh về hệ hành tinh và ghi nhận nhiệt độ tổng quan −180 °C.[27] Sau khi khảo sát Sao Mộc, Voyager 1Voyager 2 đến gần Sao Thổ lần lượt vào năm 1980, 1981 và phát hiện cấu trúc vành đai phức tạp hơn nhiều so với những quan sát trước đó.[28] Cassini–Huygens được phóng vào tháng 10 năm 1997 với mục đích chính là nghiên cứu Sao Thổ, vệ tinh và môi trường xung quanh nó.[29] Vào ngày 1 tháng 7 năm 2004 tàu vũ trụ Cassini cùng tàu thăm dò Huygens đã trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên nhập quỹ đạo quanh Sao Thổ.[30] Trong lần bay qua Titan thứ ba của Cassini, Huygens được thả xuống và đi vào khí quyển vệ tinh vào ngày 14 tháng 1 năm 2005.[31][32] Hành trình của Cassini tiếp tục đến khi nó lao vào khí quyển Sao Thổ vào ngày 15 tháng 9 năm 2017 ở lần bay quanh thứ 293, khép lại một trong những sứ mệnh tham vọng và ngoạn mục nhất trong lịch sử khám phá hành tinh.[33]

Tham khảo[sửa]

  1. Hollar 2012, tr. 37, 38.
  2. Lambrechts, M.; Johansen, A.; Morbidelli, A. (ngày 25 tháng 11 năm 2014), "Separating gas-giant and ice-giant planets by halting pebble accretion", Astronomy & Astrophysics, 572: A35, arXiv:1408.6087, Bibcode:2014A&A...572A..35L, doi:10.1051/0004-6361/201423814, S2CID 55923519
  3. a b Elkins-Tanton 2011, tr. 121.
  4. Esposito, Larry W. (ngày 31 tháng 8 năm 2021), Saturn’s Rings, Oxford University Press, doi:10.1093/acrefore/9780190647926.013.236, S2CID 239684474
  5. Hollar 2012, tr. 43.
  6. Elkins-Tanton 2011, tr. 119.
  7. Hollar 2012, tr. 37.
  8. Elkins-Tanton 2011, tr. 127.
  9. Hollar 2012, tr. 56.
  10. a b Elkins-Tanton 2011, tr. 128.
  11. a b Elkins-Tanton 2011, tr. 123.
  12. a b Elkins-Tanton 2011, tr. 133.
  13. Baines et al. 2019, tr. 300.
  14. Hollar 2012, tr. 53.
  15. Baines et al. 2019, tr. 296.
  16. Hollar 2012, tr. 55.
  17. Hollar 2012, tr. 58.
  18. Elkins-Tanton 2011, tr. 129.
  19. Hollar 2012, tr. 40.
  20. Elkins-Tanton 2011, tr. 126.
  21. Hollar 2012, tr. 41.
  22. Elkins-Tanton 2011, tr. 149, 150.
  23. Hollar 2012, tr. 42, 43.
  24. Planetary Satellite Discovery Circumstances, Jet Propulsion Laboratory, ngày 15 tháng 11 năm 2021, truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2023
  25. Elkins-Tanton 2011, tr. 150.
  26. Elkins-Tanton 2011, tr. 195.
  27. Siddiqi 2018, tr. 116.
  28. Hollar 2012, tr. 60, 61.
  29. Siddiqi 2018, tr. 198.
  30. Siddiqi 2018, tr. 200.
  31. Elkins-Tanton 2011, tr. 197, 198.
  32. Siddiqi 2018, tr. 201.
  33. Siddiqi 2018, tr. 202.

Sách[sửa]