Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Sử thi

Sử thi tác phẩm tự sự văn học có độ dài lớn, đề cập đến các chủ đề có ý nghĩa lịch sử, tôn giáo hoặc huyền thoại, trong đó tập trung vào chiến công của người anh hùng. sử thi xét về từ nguyên có nguồn gốc trong tiếng Hy Lạp (épos) mà ban đầu có nghĩa có nghĩa là “lời nói”, sau này là “bài phát biểu” hoặc “bài hát”, và cuối cùng là thơ ca về những người anh hùng vốn nổi bật vì sự cao quý, hào hùng và sức mạnh của họ.

Về kết cấu, sử thi là một câu chuyện được kể trọn vẹn, phản ánh thế giới quan và đời sống thực tiễn của một dân tộc dưới hình thức khách quan của một biến cố thực tại. Về nội dung, sử thi phản ánh những sự kiện trọng đại của quá khứ, nhưng qua đó ta cũng có thể thấy muôn màu của cuộc sống đời thường. Về thi pháp, sử thi sử dụng cách diễn đạt giàu hình ảnh và có vần điệu, tạo nên một bức tranh thường là tráng lệ và một âm hưởng hài hòa xuyên suốt tác phẩm.

Lịch sử[sửa]

Sử thi ra đời từ thời kỳ chưa có chữ viết và cho đến những thời kỳ sau đó, nó nhìn chung vẫn tồn tại dưới dạng một sản phẩm của dân gian. sử thi được diễn xướng bởi các nghệ nhân trong cộng đồng và lan tỏa chủ yếu bằng hình thức truyền miệng. Do tính chất truyền miệng mà sử thi thường được ứng tác với sự trợ giúp của các “công thức”. Công thức này là những cách diễn đạt ổn định, được dùng nhiều lần ở các vị trí khác nhau trong tác phẩm. Sự tràn ngập của công thức khiến tác phẩm thậm chí có thể được nhìn nhận là một sự sắp xếp lại hơn là một màn trình diễn của ký ức. Các công thức không được hiểu như các cụm từ thực tế, nhưng chúng khiến cho những người diễn xướng dễ làm rõ ý mình và khiến các khán thính giả hứng thú hơn. Có thể nói, sự tồn tại của các công thức là đặc điểm nổi bật của sử thi. sử thi viết cũng có một số dấu vết của công thức nhưng chúng không còn mang chức năng hỗ trợ cho việc kể tác phẩm nữa mà chỉ còn được sử dụng đơn giản vì sự lôi cuốn.

Chức năng[sửa]

Sử thi được coi là tập đại thành của nền văn học và văn hóa ở những dân tộc có sử thi. Vừa là những sáng tác nghệ thuật, vừa bao hàm trong mình kho tàng trí tuệ được bồi đắp qua nhiều thế hệ, sử thi được nhìn nhận như là mẫu mực của cả nghệ thuật lẫn tri thức.

Do vị trí của mình trong nền văn hóa của các dân tộc, sử thi có những chức năng xã hội đáng chú ý như chức năng liên kết cộng đồng, chức năng bảo lưu và cung cấp kinh nghiệm thực tiễn, và chức năng giáo dục đạo đức - thẩm mỹ. Được diễn xướng và tiếp nhận như là những câu chuyện về các chiến công anh hùng của cộng đồng trong quá khứ, sử thi là phương tiện rất hiệu quả trong việc duy trì và phát triển tính toàn vẹn của cộng đồng. Chức năng bảo lưu và cung cấp kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của sử thi gắn với tri thức dân gian, vì sử thi là một túi khôn chứa đựng những tri thức về văn hoá xã hội, văn hoá đảm bảo đời sống, văn hoá tinh thần và kinh nghiệm quản lí cộng đồng. Về khía cạnh giáo dục, sử thi hướng tới cả phương diện đạo đức lẫn thẩm mỹ. Đạo đức là chủ đề quen thuộc trong sử thi đến nỗi đã có người xem các sử thi Tây Nguyên, như khan của người Ê Đê, thực chất là một văn bản giáo huấn, trong đó nhấn mạnh đến những tai họa mà nhân vật anh hùng gặp phải mỗi lần anh ta vi phạm luật tục. Còn về việc giáo dục thẩm mỹ, sử thi thực hiện điều này qua các phạm trù mĩ học cơ bản như cái đẹp, cái cao cả (hay còn gọi là cái trác tuyệt), cái bi và cái hài.

Công tác sưu tầm, bảo quản[sửa]

Ở Việt Nam, những sử thi đã được phát hiện đều là của các dân tộc thiểu số (Thái, Mường, Ê Đê, Mnông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm, Ra Glai...). Tác phẩm sử thi đầu tiên của Việt Nam được giới thiệu với thế giới là Dăm Săn của người Êđê. Nó được xuất bản tại Pháp vào đầu thế kỷ XX bởi người phát hiện ra nó là công sứ Đắc Lắc bấy giờ, Sabatier. Tác phẩm ngay lập tức gây được tiếng vang lớn. Hiện tại, đó vẫn là một trong số ít những tác phẩm văn học của Việt Nam được biết đến và quan tâm ở nước ngoài.

Trong những thập niên qua, việc sưu tầm sử thi ở Việt Nam được các cơ quan hữu quan ở trung ương và địa phương quan tâm và đẩy mạnh. Con số tác phẩm thu thập được đã lên tới hàng trăm, mà một phần lớn là kết quả của Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên (được thực hiện bởi Viện Khoa học xã hội Việt Nam cùng các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận) từ năm 2001 đến 2007. Khi được sưu tầm, hầu hết các tác phẩm vẫn còn đang được diễn xướng trong cộng đồng. Chúng có dung lượng đa dạng, từ nhỏ, trung bình đến lớn. Một số có dung lượng đặc biệt lớn. Nhìn chung, các tác phẩm này thể hiện nét mộc mạc trong nội dung, ngôn ngữ và kết cấu. Đã có nhiều đề xuất, giải pháp được đưa ra và được thực thi cho việc bảo tồn và phát huy di sản sử thi này trong đời sống xã hội Việt Nam hiện đại.

Sử thi Việt Nam từng được các nhà nghiên cứu, trong đó có Võ Quang Nhơn, phân loại thành sử thi anh hùng và sử thi thần thoại. Tuy nhiên, theo tiêu chí “đặc điểm lịch sử - xã hội”, Phan Đăng Nhật và Đinh Gia Khánh xếp chúng vào sử thi cổ sơ trong sự đối sánh với sử thi cổ đại. Với tiêu chí “chức năng, nhiệm vụ của nhân vật trung tâm”, Phan Đăng Nhật còn phân loại sử thi Việt Nam thành sử thi sáng tạo thế giới và sử thi thiết chế xã hội.

Ý nghĩa[sửa]

Sử thi có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng - nhất là trong quá khứ - và luôn là niềm tự hào của các dân tộc có nó. sử thi thu hút các giá trị văn hóa đa dạng của tộc người và đến lượt mình, nó lại thể hiện tầm ảnh hưởng qua việc lưu truyền và lan tỏa các giá trị đó tới các thế hệ khán thính giả. Hiện nay, lác đác ở một số nơi tại Việt Nam, sử thi vẫn còn tiếp tục được diễn xướng mặc dù đội ngũ nghệ nhân đã hao hụt đi nhiều.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đinh Gia Khánh, Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
  2. The Encyclopedia Britannica, Vol.4, Encyclopedia Britannica, Inc., Chicago, 1994.
  3. Phan Đăng Nhật, Nghiên cứu sử thi Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
  4. Võ Quang Nhơn, “Sử thi anh hùng”, trong Lê Chí Quế chủ biên, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
  5. The Encyclopedia Americana, Vol.10, Scholastic Library Publishing, Connecticut, 2005.
  6. Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc, Sử thi Việt Nam trong bối cảnh sử thi châu Á, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
  7. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2013.