Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ramayana
Rama trở về Ayodhya
Rama và Sita trong một vở kịch tại Manchester trong Divali, 2006
Rama và Sita, tranh của Indischer Maler 1780

Ramayana là tác phẩm sử thi, tác phẩm văn học của Ấn Độ cổ đại, đồng thời là một bộ kinh của Hindu giáo.

Theo nhiều nhà nghiên cứu Ấn Độ thì Ramayana được truyền miệng từ thế kỷ VI – V TCN. Học giả Ấn Độ Radhakrishnan cho rằng R được biên soạn sau tác phẩm Mahabharata, mặc dù nội dung câu chuyện ra đời ở thời xa xưa hơn. Còn nhà khảo cổ học Hasmukh Dhirajlal Sankalia trong một hệ thống bài giảng về tác phẩm R ở trường Đại học tổng hợp Baroda (Ấn Độ) năm 1967, đã khẳng định tác phẩm R ra đời vào thế kỷ III TCN.

Theo truyền thuyết, tác giả của Ramayana là Vanmiki, nhưng có lẽ ông cũng chỉ là người chỉnh lí, hoàn thiện một công trình tập thể của rất nhiều nghệ sĩ dân gian, sáng tác trong thời gian dài hàng thế kỷ. R phản ánh một giai đoạn muộn hơn Mahabharata ít nhiều, khi người Aryan đã mở rộng địa bàn cư trú về phía đông, đến trung và hạ lưu sông Hằng, đã tiến về phương Nam và vượt biển sang đảo Lanka.

Tác phẩm được chia làm 500 đoạn, gồm 24.000 sloka với gần 5 vạn câu, chưa bằng ¼ độ dài của Mahabharata. Tuy nhiên, đến nay người ta không tìm thấy đủ nguyên bản như tác phẩm ban đầu của Vanmiki nữa.

Ramayana ca ngợi chiến công và đề cao đạo đức của hoàng tử Rama, mối tình thủy chung của nàng Sita, đồng thời phản ánh sự phán triển của xã hội người Aryan. Đóng vai trò quan trọng trong mỗi chiến thắng của Rama và là cầu nối bảo vệ mối tình Rama – Sita, là nhân vật khỉ Hanuman. Hanuman là hình tượng đối lập với quỷ Ravama và các thế lực tàn bạo, được coi là đại diện cho các tầng lớp nhân dân làm hậu thuẫn cho những vị anh hùng chiến đấu cho tự do, công lý và bảo vệ đất nước. Hoàng tử Rama là sản phẩm của trí tưởng tượng và ước mơ cao đẹp của người Ấn Độ cổ xưa, trở thành khuôn mẫu của người Ấn Độ nói chung và đẳng cấp Kshatriya nói riêng. Thông qua nhân vật Rama - người luôn bênh vực điều thiện, chống lại cái ác, cứu vớt người hiền tài, bảo vệ phụ nữ, tác phẩm phán ánh một xã hội mang nặng tính đẳng cấp, phân hóa cao độ về tài sản và địa vị nhưng cũng đủ thấy được ý chí, tài năng và sức mạnh của quần chúng.

Qua những nội dung đó, sử thi Ramayana đã tái hiện một xã hội Ấn Độ đang phân hóa, đứng trước ngưỡng cửa của xã hội có giai cấp và sự hình thành nhà nước. Cuộc xung đột giữa Rama và Ravana được coi là cuộc đấu tranh trên con đường phát triển giữa cư dân nông nghiệp ở lưu vực sông Hằng chuyển từ săn bắt, hái lượm sang định cư làm nông nghiệp. Họ dùng công cụ đồng và đá để đẽo các dụng cụ bằng gỗ, nhất là lưỡi cày. Họ còn đan bện các đồ dùng bằng lau sậy, thuộc da và làm đồ gốm. Kỹ nghệ luyện sắt được áp dụng, đã thúc đẩy nghề rèn đúc kim khí (đồng, sắt), làm đồ gỗ, nhất là xe kéo, nhà cửa. Bắt đầu xuất hiện thương nghiệp, hoạt động trao đổi sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp giữa các vùng. Sử thi R cũng đã thể hiện những tư tưởng giáo lý của đạo Hinđu thông qua hai hình tượng nhân vật Rama và Sita.

Ramayana với một cốt truyện thống nhất, xoay quanh những kỳ tích của người anh hùng Rama, vì thế nó trở nên dễ đọc, dễ nhớ. Nếu Mahabharata là tác phẩm đồ sộ nhất thì Ramayana lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới đời sống tinh thần của người Ấn Độ. Người Ấn Độ trải qua hàng ngàn năm vẫn luôn yêu thích bộ sử thi này: “Chừng nào sông chưa cạn núi chưa mòn thì R còn làm say mê lòng người và cứu vớt họ ra khỏi những tội lỗi”. Hơn nữa, R cũng là tác phẩm có ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng rãi nhất đến nền văn học khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Hầu như quốc gia Đông Nam Á nào cũng có tác phẩm được bản địa hóa từ Ramayana. Ramayana là một tấm gương phản chiếu nền văn hóa Ấn Độ đầy bản sắc và đã để lại cho nhân loại một di sản nghệ thuật thi ca đặc sắc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. R.K. Narayan, Sử thi Ấn Độ Ramayana, Đào Xuân Quý dịch, Nxb.Đà Nẵng, 1985.
  2. Ramayana, 3 tập, Phạm Thủy Ba dịch, Phan Ngọc giới thiệu, Nxb.Văn học, Hà Nội, 1988.
  3. Lưu Đức Trung, Văn học Ấn Độ, Nxb.Giáo Dục, Hà Nội, 2006.
  4. Ananda Guruge, The society of the Ramayana (Xã hội trong tác phẩm Ramayana), Shakti Malik Abhinav Publications, New Delhi, India, 1991.