Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Rủi ro do tổn hại tự nhiên

Rủi ro do tổn hại tự nhiên, đề cập đến các sự kiện cực đoan hoặc các quá trình có nguồn gốc khí tượng thủy văn hoặc địa chất. Hiện tượng tự nhiên này có thể gây tổn thất về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội.

Các hiểm họa tự nhiên có thể chia thành 3 nhóm chính căn cứ theo nguồn gốc phát sinh như

  • Các hiểm họa có nguồn gốc khí quyển - bão, áp thấp nhiệt đới,…
  • Các hiểm họa có nguồn gốc thủy quyển - lũ, ngập lụt,…
  • Các hiểm họa có nguồn gốc địa quyển - động đất, sạt lở bờ sông biển, trượt lở đất,…

Một hiểm họa tự nhiên sẽ được coi là rủi ro thiên tai nếu hiểm họa đó gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng và có phạm vi ảnh hưởng rộng, dẫn tới các thiệt hại lớn và gây gián đoạn cuộc sống bình thường của cộng đồng. Rủi ro cũng có thể phân thành hai nhóm chính dựa trên tốc độ diễn ra rủi ro, bao gồm: rủi ro diễn ra đột ngột, xảy ra khi các hiểm họa tự nhiên diễn ra với tốc độ nhanh như động đất, bão, lũ lụt,… và rủi ro diễn ra chậm, xảy ra khi các hiểm họa tự nhiên diễn ra trong thời gian dài, dẫn tới tình trạng nguy hiểm như hạn hán diễn ra trong một thời gian dài, gây nên sự khan hiếm lương thực, suy dinh dưỡng và thậm chí là gây ra nạn đói.

Trong những năm gần đây, hiểm họa tự nhiên xuất hiện với tần suất thường xuyên và theo hướng cực đoan hơn. Môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính tạo ra các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt. Rủi ro do tổn hại tự nhiên có thể tác động nặng nề đến nền kinh tế, xã hội và môi trường. Một loạt các rủi ro có thể kéo theo khi hiểm họa xảy ra bao gồm các thiệt hại về người (làm chết, bị thương hoặc dịch bệnh); các thiệt hại về tài sản (hỏng hóc, phá hủy cơ sở hạ tầng,…); ảnh hưởng đến sản xuất, hoạt động kinh tế xã hội (mất mùa, gián đoạn sản xuất, cô lập các vùng kinh tế); tác động gây ô nhiễm môi trường. Theo ước tính, kể từ năm 1990, các rủi ro do tổn hại tự nhiên đã làm hơn 1,6 triệu người tử vong trên toàn cầu và thiệt hại kinh tế ước tính trung bình khoảng 260-310 tỷ USD mỗi năm. Một loạt những rủi ro thiên tai xảy ra bao gồm mùa mưa bất thường ở châu Á; các trận bão lớn tại châu Á và châu Mỹ; các vụ cháy rừng trên diện tích lớn ở Mỹ, Úc và Nga; thiên tai do hạn hán, ngập mặn ở các vùng cửa sông, ven biển,… đã tạo nên một bức tranh ảm đạm bao trùm lên thế giới. Một vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có những biện pháp đánh giá, quản lý và giảm thiểu rủi ro do tổn hại tự nhiên phù hợp ở từng địa phương.

Đánh giá rủi ro là một bước quan trọng trước khi xây dựng kế hoạch quản lý hiểm họa thiên nhiên. Thực hiện đánh giá rủi ro do tổn hại tự nhiên có thể giảm thiểu tác động của thiên tai và tăng khả năng phục hồi của vùng chịu ảnh hưởng. Đánh giá rủi ro là một quá trình gồm các bước:

  • Xác định những rủi ro có nguy cơ xảy ra
  • Phân tích các rủi ro có khả năng xảy ra và mức độ tác động
  • Đặt thứ tự ưu tiên giải quyết các rủi ro theo mức độ tác động và nguồn lực của địa phương
  • Xử lý rủi ro.

Công tác đánh giá và quản lý rủi ro do tổn hại tự nhiên nhằm mục đích phòng ngừa tạo ra rủi ro mới, giảm thiểu các rủi ro hiện hữu và tăng cường khả năng chống chịu ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, tự nhiên, văn hóa, xã hội và môi trường. Khung giảm thiểu rủi ro Sendai đã đưa ra 4 tiêu chí cần thực hiện trong đánh giá và quản lý rủi ro bao gồm:

  • Thực hiện các biện pháp chuyển những thông tin thiên tai thành kiến thức về rủi ro nhằm phòng, chống thiên tai
  • Tăng cường quản trị rủi ro thiên tai, tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành và các bên liên quan như cộng đồng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đặc biệt là tăng tính chủ động của chính quyền các cấp trong triển khai công tác phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai
  • Tăng cường đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro nhằm xây dựng khả năng chống chịu trước thiên tai
  • Nâng cao khả năng sẵn sàng để ứng phó hiệu quả và ‘Xây dựng lại tốt hơn’ trong phục hồi và tái thiết.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Brundl M., H.E. Romang, N. Bischof, C.M. Rheinberger, The risk concept and its application in natural hazard risk management in Switzerland. Nat. Hazards Earth Syst. Sci., 9: 801-813, 2009.
  2. Cirella G.T., E. Semenzin, A. Critto, A. Marcomini, Natural Hazard Risk Assessment and Management Methodologies Review: Europe. In: Linkov I. (eds) Sustainable Cities and Military Installations. NATO Science for Peace and Security Series C: Environmental Security. Springer, Dordrecht, 2014.
  3. IMHEN và UNDP. Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan, 2015.
  4. Ward P. J., V. Blauhut, N. Bloemendaal, J.E. Daniell et al., 'Review article: Natural hazard risk assessments at the global scale, Nat. Hazards Earth Syst. Sci., 20: 1069-1096, 2020.