Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Quân sự
Phiên bản vào lúc 15:42, ngày 6 tháng 11 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Quân sự''' là hoạt động đặc biệt của xã hội liên quan trực tiếp đến việc xây dựng lực lượng vũ trang (quâ…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Quân sự là hoạt động đặc biệt của xã hội liên quan trực tiếp đến việc xây dựng lực lượng vũ trang (quân đội là nòng cốt), tiến hành đấu tranh vũ trang, chiến tranh, xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, do nhà nước hoặc tập đoàn xã hội tiến hành vì lợi ích của nhà nước hay tập đoàn xã hội đó. Hoạt động quân sự ra đời và phát triển gắn liền với sự hình thành và phát triển của nhà nước, giai cấp, đồng thời mang những đặc điểm khác nhau ở mỗi quốc gia, dân tộc và trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Tính giai cấp, tính dân tộc cũng như tính thời đại của hoạt động quân sự biểu hiện trước hết ở hệ thống tư tưởng quân sự, học thuyết quân sự, đường lối và chiến lược quân sự mà các giai cấp, lực lượng nắm quyền ở mỗi quốc gia theo đuổi. Trong xã hội có giai cấp, QS là bộ phận hợp thành, chịu sự chi phối và phục vụ các nhu cầu của chính trị. Các hoạt động quân sự là một phần không thể thiếu trong đời sống chính trị của đất nước. Tính chính trị xuyên suốt toàn bộ hoạt động quân sự và quyết định bản chất, mục đích, sự phát triển của hoạt động quân sự. Hoạt động quân sự là một trong những biện pháp quan trọng nhất để thực hiện lợi ích chính trị của giai cấp, dân tộc, quốc gia, tập đoàn xã hội. Chính trị quyết định hoạt động quân sự, đồng thời có vai trò định hướng, tạo ra các điều kiện và động lực để phát triển quân sự. Ngược lại, nhân tố chính trị trong quân sự như công tác chính trị tư tưởng trong quân đội là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của hoạt động quân sự, là biểu hiện cụ thể của vai trò của chính trị đối với quân sự.

Không chỉ phục vụ mục đích chính trị, hoạt động quân sự còn liên quan chặt chẽ với sự phát triển của quốc gia về phương diện kinh tế. Lợi ích kinh tế là lợi ích cơ bản của quốc gia và là mục tiêu cuối cùng của các hoạt động quân sự. Mặt khác, hoạt động quân sự không chỉ hướng tới chiến tranh và đấu tranh vũ trang mà còn có vai trò trọng yếu đối với mỗi quốc gia trong thời bình, góp phần tăng cường khả năng quốc phòng, bảo vệ an ninh đất nước, chống các nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Hoạt động quân sự không chỉ giới hạn trong phạm vi mỗi quốc gia, dân tọc mà còn mở rộng ra phạm vi khu vực và quốc tế.

Từ thực tiễn hoạt động quân sự, nền khoa học quân sự mà bộ phận quan trọng nhất là nghệ thuật quân sự được hình thành và phát triển không ngừng qua các thời đại. Cùng với sự phát triển của khoa học nghệ thuật quân sự, các ngành khoa học khác cũng xuất hiện với những chuyên ngành mà đối tượng nghiên cứu mang tính đặc thù xuất phát từ các hoạt động quân sự, như: khoa học xã hội nhân văn quân sự, sử học quân sự, địa lý học quân sự, hậu cần quân sự, y, dược học quân sự, khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự...

Dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, coi trọng sự ổn định, hòa hiếu, hữu nghị với các quốc gia, dân tộc khác để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, lợi ích quốc gia, dân tộc, lĩnh vực quân sự luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và không thể thiếu trong hoạch định chiến lược của quốc gia. Luật Quốc phòng (năm 2018) quy định: QS là hoạt động đặc biệt của xã hội về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đấu tranh vũ trang, trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt. Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của hoạt động quân sự, xây dựng Lực lượng vũ trang nhân dân được thể hiện trong các nghị quyết, chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và trong các văn kiện của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: Hiến pháp và các luật, pháp lệnh về Quốc phòng, về nghĩa vụ quân sự, về Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, về Dân quân tự vệ, về dự bị động viên… và trong “sách trắng” của Bộ Quốc phòng. (802 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2002.
  2. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 844.
  3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 602.
  4. Luật Quốc phòng 2018.
  5. Bộ Quốc phòng, Hỏi - Đáp về Luật Quốc phòng 2018 và các Nghị định của chính phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019, tr. 95.
  6. Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.
  7. Từ điển Bách khoa toàn thư quân sự Liên Xô.