Mục từ này cần được bình duyệt
Phan Huy Chú
Phiên bản vào lúc 10:18, ngày 11 tháng 1 năm 2023 của Deepmind2 (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “<indicator name="mới">File:UnderCon icon.svg|40px|link={{TALKPAGENAME}}#Bình duyệt|alt=Mục từ này cần được bình duyệt|Mục từ này…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Phan Huy Chú (1782-1840) một trong hai nhà thư mục học đầu tiên của Việt Nam, là quan triều Nguyễn, nhà bác học, danh nhân văn hóa Việt Nam, nhà bách khoa thư, tác gia Hán Nôm lớn của Việt Nam.

PHC xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng, là con trai thứ ba của Lễ bộ Thượng thư, Tiến sĩ Phan Huy Ích. Ông sinh ra và lớn lên ở thôn Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay là thôn Thuỵ Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, mồ côi mẹ từ năm lên 10 tuổi. Khi sinh, ông được đặt tên là Hạo, sau vì kiêng quốc húy của nhà Nguyễn nên đổi là Chú, tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong.

PHC được nuôi dạy chu đáo, lại từng được Ngô Thì Nhậm (cậu ruột) rèn dạy từ lúc 6 tuổi; nổi tiếng hay chữ ở miền phủ Quốc. Năm Tân Tỵ (1821) , ông được vua Minh Mạng triệu vào kinh đô Huế, sai giữ chức Biên tu trường Quốc Tử Giám. Ông từng hai lần đi sứ nhà Thanh năm Ất Dậu (1825) và năm Tân Mão (1831), về nước được thăng chức Phủ thừa phủ Thừa Thiên rồi Hiệp trấn Quảng Nam, nhưng bị dèm pha mắc tội “lộng quyền” mà bị cách chức. Năm Nhâm Thìn (1832)), ông được sai đi công cán trong phái bộ của triều đình sang Batavia (Indonesia) để lập công chuộc tội. Hai năm sau trở về, ông được bổ làm Tư vụ bộ Công. Sau đó, vì chán chốn quan trường, ông cáo bệnh xin về hưu làm nghề dạy học và soạn sách cho đến khi mất.

Ông đã để lại những tác phẩm giá trị, hiện có bản gốc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam: Lịch triều hiến chương loại chí (VHv.983), Lịch đại điển yếu thông luận (A.2211/1-2); Mai Phong du Tây thành dã lục (A.1136), Hoa thiều ngâm lục (A.2042), Hải trình chí lược (VHv.2071), và một số tác phẩm khác: Hoàng Việt dư địa chí, Hoa trình tục ngâm,…

                                     Tranh chân dung PHC (Ảnh LVT)

Nghiên cứu lịch sử phân loại, thư mục học Việt Nam không thể không kể đến PHC. Một trong những công trình học thuật cá nhân đồ sộ, nổi tiếng của ông là Lịch triều hiến chương loại chí, được xem là bộ “bách khoa toàn thư” về cuộc sống của Việt Nam, ghi chép dữ liệu lịch sử Việt Nam thời phong kiến, gồm 49 quyển, chia làm 10 chí: Dư địa chí; Nhân vật chí; Quan chức chí; Lễ nghi chí; Khoa mục chí; Quốc dụng chí; Hình luật chí; Binh chế chí; Văn tịch chí; Bang giao chí. Đây là mười lĩnh vực khoa học riêng, lĩnh vực nào ông cũng uyên bác và có những quan điểm sâu sắc. Với sự phân loại, hệ thống hóa từng bộ môn như thế, công trình này đánh dấu một bước phát triển cao của thành tựu khoa học Việt Nam nói chung và của ngành Thư viện Việt Nam nói riêng vào đầu thế kỷ XIX.

Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí đã thu thập được 214 tên sách từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, là một trong những tác phẩm thư mục đầu tiên của Việt Nam (sau Văn nghệ chí của Lê Quý Đôn), có những đóng góp cả về số lượng tài liệu, cũng như về phương pháp biên soạn. Các yếu tố thư mục trong Văn tịch chí đã được phát triển thêm một bước so với Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn (xt.: Lê Quý Đôn).

Về cách sắp xếp, phân loại tài liệu, Văn tịch chí sắp xếp các loại sách xã hội tương đối khoa học, rõ ràng theo bốn môn loại chính (loại hiến chương, loại kinh sử, loại thi văn, loại truyện ký) và một môn loại gọi là phụ loại (chép thêm các sách về phương kỹ gồm 10 tài liệu về các môn loại khoa học khác nhau; Toán, Dược, Đạo Phật, Địa lý,…). Cách sắp xếp trong từng môn loại được bố cục theo thứ tự tác phẩm của nhà nước lên trên hết, rồi đến các bộ sử, các sách nghiên cứu dịch, các sách kinh,…

Về phương pháp thư mục, Văn tịch chí có những yếu tố thư mục quan trọng như: tên sách, phụ đề (số quyển), tên tác giả, thời gian tác phẩm ra đời, tình trạng tác phẩm còn hay mất, hình thức chép tay hay khắc ván in, tóm tắt nội dung tác phẩm, kèm trích dẫn, hoặc nhận xét, đánh giá.

Văn tịch chí của PHC cùng với Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn là hai bản thư mục quốc gia, thư mục dân tộc đầu tiên của nước ta, là công cụ duy nhất cho tìm kiếm, khai thác tài liệu, nghiên cứu và phản ánh phần nào sự phát triển văn hóa, khoa học, nghệ thuật Việt Nam thời bấy giờ; đặt ra những cơ sở lý luận và thực tiễn cho công tác thư mục ở nước ta. Với những đóng góp to lớn đó cho ngành Thư viện Việt Nam, PHC được ghi danh như một nhà thư mục học nổi tiếng trong lịch sử Thư viện Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Dương Bích Hồng, Sơ thảo lịch sử sự nghiệp thư viện Việt Nam thời phong kiến, Trường Cao đẳng Nghiệp vụ Văn hóa, Hà Nội, 1981.
  2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Bản dịch), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
  3. Trần Nghĩa-François Gros, Di sản Hán Nôm Việt Nam: Thư mục đề yếu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
  4. Trịnh Kim Chi, Đi tìm các bậc tiền bối ngành thư viện Việt Nam, tạp chí Thư viện Việt Nam, 2010, số 5 (25), tr.9-15.