Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phẫu thuật thẩm mỹ

Phẫu thuật thẩm mỹ là một bộ phận của chuyên ngành ngoại khoa và là một nhánh của Phẫu thuật tạo hình, sử dụng các kỹ thuật ngoại khoa để chỉnh sửa hay thay đổi ngoại hình cơ thể nhằm mục đích làm tăng vẻ đẹp hài hòa, cân đối, đáp ứng nhu cầu tự hoàn thiện của con người.

Ở Việt Nam, chuyên ngành này có nhiều tên gọi chưa được thống nhất, tuy nhiên có 2 tên gọi phổ biến: Phẫu thuật thẩm mỹ (ở các tỉnh phía Bắc) và Giải phẫu thẩm mỹ (ở các tỉnh phía Nam)

Mô tả[sửa]

Lịch sử phát triển của phẫu thuật thẩm mỹ

Thời cổ đại, người ta không phân biệt phẫu thuật tạo hình và phẫu thuật thẩm mỹ. Vì vậy, lịch sử phát triển của phẫu thuật thẩm mỹ cũng là lịch sử phát triển của phẫu thuật tạo hình. Có lẽ, hai chuyên ngành này chỉ được phân biệt khi bước sang thế kỷ XX, khi Gersuny (1990), Eckstein (1902) và Miller (1907) là những người đầu tiên bơm chất paraffin lỏng làm đầy các khuyết lõm da trên cơ thể. Tuy nhiên, do kết quả hạn chế, gây nhiều biến chứng nên việc bơm paraffin đã bị loại bỏ và người ta lại tiếp tục tìm các chất liệu khác có thể cấy ghép đạt hiệu quả thâm mỹ mà không gây hại cho cơ thể.

Kỹ thuật mới trong căng da mặt, xóa nếp nhăn được giới thiệu năm 1912 bởi Eugen Hollander (Berlin, Đức) và năm 1931, kỹ thuật này được bổ sung nhiều cải tiến sáng tạo của Erich Lexer.

Năm 1922, kỹ thuật thu nhỏ vú phì đại có chuyển vạt được Maxtherex (Chicago, Mỹ) thực hiện đầu tiên đạt kết quả tốt; kỹ thuật cắt bỏ túi mỡ ở mắt và tạo hình mí mắt cũng được thực hiện bởi Bouguet.

Năm 1925, Erich Lexer tiến hành phẫu thuật thu nhỏ vú có cấy chuyển núm vú và áp dụng nhiều kỹ thuật nâng ngực.

Đầu thế kỷ XX, bác sĩ Susane Noel (Paris, Pháp) là nữ phẫu thuật viên thẩm mỹ nổi tiếng thế giới; cuốn sách của bà xuất bản năm 1926 với nhiều hình ảnh minh họa, mô tả chỉ tiết các kỹ thuật tạo hình mí mắt, căng da mặt, cổ, nâng ngực độn vú…

Kỹ thuật nâng ngực của E. Lexer là sử dụng mô mỡ, nhưng đến năm 1938 Pascot đã nâng ngực bằng vạt da mỡ lấy từ thành bụng đã thành công.

Sau năm 1945, kỹ thuật nâng ngực bằng chất dẻo nhân tạo được Levine và Hurst sử dụng đầu tiên, tiếp theo người ta sử dụng những vật liệu mới như walon, polestan, etheron, hydron, silicon, silastic…Việc sử dụng các chất liệu này để nâng ngực đã đạt được nhiều thành công nhưng cũng gặp những thất bại trong việc tạo nên những khuôn ngực đẹp hài hòa, mềm mại, tự nhiên.

Kỹ thuật hút mỡ thẩm mỹ năm 1958 bởi Lenis (Atlanta, Mỹ) với một ca hút mỡ đùi, mông và cắt bỏ da thừa, mở đầu cho kỹ thuật tạo hình thu gọn mông đùi mà về sau được thực hiện phổ biến ở Mỹ, điển hình là Pitanguy. Kỹ thuật này mau chóng lan rộng trên thế giới và rất thành công.

Nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, phẫu thuật thẩm mỹ có những bước phát triển vượt bậc nhờ sự phát triển của trang thiết bị y tế, vật liệu cấy ghép nhân tạo và sinh học. Nhất là từ khi ngân hàng mô ra đời với những vật liệu cấy ghép ưu việt mang lại kết quả tuyệt vời trong phẫu thuật thẩm mỹ, đáp ứng được nguyện vọng và sự hài lòng của con người muốn làm đẹp, một vẻ đẹp hài hòa và cân đối.

Các kỹ thuật thẩm mỹ thường được thực hiện: Có thể chia ra hai loại hình kỹ thuật: thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) và thẩm mỹ nội khoa (nội khoa thẩm mỹ)

Phẫu thuật thẩm mỹ: Hiện nay các phẫu thuật thẩm mỹ thường được thực hiện gồm: Phẫu thuật căng da mặt, cấy ghép lông tóc, phẫu thuật mí mắt, nâng sống mũi, thu hẹp cánh mũi, thẩm mỹ má cằm, cơ quan sinh dục ngoài, mông và tay chân, nâng ngực và thu gọn vú phì đại, xa trễ và lấy mỡ bụng, hút mỡ bụng, mông, đùi…

Tập tin:Căng da mặt thẩm mỹ.jpg
Căng da mặt thẩm mỹ
Tập tin:Cấy ghép tóc thẩm mỹ.jpg
Cấy ghép tóc thẩm mỹ
Tập tin:Tạo hình thẩm mỹ mũi.jpg
Tạo hình thẩm mỹ mũi
Tập tin:Tạo hình thẩm mỹ cằm má.jpg
Tạo hình thẩm mỹ cằm má
Tập tin:Tạo hình thẩm mỹ ngực.jpg
Tạo hình thẩm mỹ ngực
Tập tin:Tạo hình thẩm mỹ căng da bụng.jpg
Tạo hình thẩm mỹ căng da bụng

Nội khoa thẩm mỹ: Các biện pháp làm đẹp bằng nội khoa thẩm mỹ đang đước áp dụng rộng rãi do hiệu quả và tính an toàn cao: tẩy lông, xăm thẩm mỹ, laser thẩm mỹ, masage, spa thẩm mỹ, săn sóc da, luyện tập thể hình…

Tai biến và biến chứng có thể gặp[sửa]

Những tai biến trước phẫu thuật và trong gây tê, gây mê:

- Phản ứng dị ứng với thuốc tê, thuốc mê, kháng sinh…

- Rối loạn tim mạch, hô hấp, tâm thần do quá lo âu, sợ hãi, hồi hộp.

- Ngộ độc thuốc tê do dùng quá liều

- Tai biến gây mê: có thể xảy ra tai biến ở các mức độ: gãy răng, rụng răng giả vào đường thở do đặt ống nội khí quả, đặt ống nhầm vào thực quản, thức ăn uống từ dạ dày trào vào đường thở, tuột ống nội khí quả ra khỏi khí quản, không đủ độ mê hoặc mê sâu và dài quá, hồi tỉnh chậm hoặc bất thường.

Những tai biến trong phẫu thuật:

- Bỏng da khi sử dụng dao mổ điện do sơ suất của thầy thuốc.

- Chảy máu không đông, thường do rối loạn đông máu ở bệnh nhân (bẩm sinh hoặc bệnh lý). Chảy máu do tổn thương mạch máu.

- Tổn thương thần kinh cảm giác.

Biến chứng sau phẫu thuật:

`- Chảy máu: Có thể do các rối loạn đông máu của bệnh nhân hoặc trong lúc mổ cầm máu không kỹ hoặc do chấn thương sau mổ…

- Sưng nề: Có nhiều mức độ, tùy theo từng loại phẫu thuật và cơ địa của từng người, thường hết sau 3 đến 7 ngày.

- Bầm tím: Có thể có vết bầm tím da tại vùng mổ, không nguy hiểm, tự mất dần sau một vài tuần.

- Nhiễm trùng: Tại chỗ hoặc toàn thân, thường do không đảm bảo vô trùng khi phẫu thuật, làm vết mổ lâu lành, sẹo mổ xấu (phải mổ chữa sẹo xấu sau này).

- Sẹo phì đại và sẹo lồi: Làm giảm kết quả thẩm mỹ của phẫu thuật, nguyên nhân phức tạp, có thể do cơ địa của bệnh nhân, đặc điểm của vùng mổ,..Thường cần mổ sửa sẹo sau từ 6 tháng đến 1 năm.

- Rối loạn cảm giác vùng mổ: Sự rối loạn có thể giảm dần rồi trở lại bình thường sau 1-3 tháng, cá biệt có trường hợp kéo dài 6 tháng đến 1 năm..

Những điều cần lưu ý khi có nhu cầu làm phẫu thuật thẩm mỹ[sửa]

Tìm hiểu khả năng của các kỹ thuật thẩm mỹ: Cần phải có hiểu biết chung nhất mang tính khoa học về khả năng của phẫu thuật thẩm mỹ và các kỹ thuật làm đẹp trong việc giải quyết những nhu cầu thẩm mỹ của mình.

Xác định động cơ, mục đích của bản thân: Cần xác định mục đích và nguyên nhân cần phải phẫu thuật thẩm mỹ:

- Nguyên nhân thực sự: Trên cơ thể có vấn đề về thẩm mỹ cần giải quyết và có thể giải quyết được.

- Nguyên nhân tâm lý: Do mặc cảm thua kém, thiếu tự tin của bản thân, hoặc sự tác động của người khác khiến thấy cần phải phẫu thuật thẩm mỹ.

- Nguyên nhân nghề nghiệp: Do yêu cầu của nghề nghiệp cần phải có sự hoàn thiện hơn về khuôn mặt, thân thể, giúp ích cho nghề nghiệp của mình (diễn viên, người mẫu, nghệ sỹ múa, xiếc…)

Xóa bỏ mặc cảm: Nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người, đặc biệt là của phái nữ. Cần xóa bỏ mặc cảm sợ mọi người dị nghj, coi là đua đòi phù phiếm, không đứng đắn khi đi làm thẩm mỹ.

Sự cảm thông giữa bệnh nhân và thầy thuốc: Sự cảm thông và tin cậy giữa bệnh nhân và thầy thuốc rất cần thiết đối với phẫu thuật thẩm mỹ.

Tìm hiểu và lựa chọn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ: Cần phải tìm hiểu và lựa chọn cơ sở Phẫu thuật thẩm mỹ có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm, uy tín và đáng tin cậy, được cấp phép họat động của cớ quan quản lý y tế để hạn ché các rủi ro.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Cao Ngọc Bích. Giải phẫu thẩm mỹ và sắc đẹp, Nxb Trẻ, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, 2008
  2. Funt D., Pavicic T. Chất làm đầy trong thẩm mỹ: tổng quan về các tác dụng phụ và phương pháp điều trị và chăm sóc. J. Plast. 2015; 35: 13. No 32.
  3. Lê Gia Vinh: Sẹo phì đại và sẹo lồi. Phẫu thuật tạo hình. Nxb Y học Hà Nội, 2005, Tr. 121-124.
  4. Man Koon Suh: Atlas of Asian Rhinoplasty. Springer, 2018.
  5. Neal Owens: The Year book of Plastic and Reconstructive Surgery. Year book Medical Publishers, Chicago, 1971
  6. Rezaee Khaibanloo S, Jebreili R, Aalipour E, Eftekhari H, Saljoughi N, Shajoughi N, Shahidi A: Innovative techniques for thread lifting of face and neck. J. Cosmet. Dermatol. 2019 Dec;18(6): 1846-1855.
  7. Trần Thiết Sơn và cộng sự: Các vấn đè cơ bản trong Phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ (Phần I: Đại cương). Nxb Y học, 2013.