Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật nội soi được thực hiện bằng vài đường rạch nhỏ để đưa một ống thông có gắn camera và các dụng cụ chuyên biệt vào cơ thể để tiến hành các phẫu thuật như trong phẫu thuật mở truyền thống.

Một số khác biệt về kỹ thuật giữa phẫu thuật nội soi và phẫu thuât mở truyền thống là bác sỹ không thể tiếp xúc trực tiếp bằng tay với bộ phận phẫu thuật, cảm giác của phẫu thuật viên bị giới hạn bởi cảm giác được truyền qua một thiết bị phẫu thuật dài 30 cm. Bác sĩ phẫu thuật không quan sát trực tiếp trường mổ nội soi mà qua màn hình video. Đối với màn hình video 2D thì mất cảm giác thực sự về độ sâu. Một sự khác biệt cơ bản khác giữa phẫu thuật nội soi và mổ mở là việc di chuyển dụng cụ bị hạn chế so với phẫu thuật mổ mở. Các ống soi ổ bụng chỉ di động ở mức độ đàn hồi hạn chế của thành bụng.

Mục đích[sửa]

Nhờ có camera giúp bác sỹ có thể quan sát rõ hình ảnh của các mô và bộ phân trong cơ thể vì vậy phẫu thuật nội soi có thể dùng để chẩn đoán khi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác chưa rõ ràng. Song mục đích chính của phẫu thuật nội soi là thay thế phẫu thuật mở để điều trị các bệnh bằng phẫu thuật. Phẫu thuật mở phải dùng một đường rach dài trên dưới 20 cm, trong phẫu thuật nội soi chỉ cần 3-4 dường rạch nhỏ 1 cm. Vì vậy phẫu thuật nội soi còn gọi là phẫu thuật ít xâm lấn, nhờ vậy phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật mở như : giảm đau sau mổ, hồi phục sức khỏe nhanh, thời gian nằm viện ngắn và chóng hồi phục khả năng lao động, đặc biệt về thẩm mỹ.

Thời gian đầu phẫu thuật nội soi chỉ điều trị cho một số phẫu thuật đơn giản trong ổ bụng như phẫu thuật cắt u nang buồng trứng, cắt ruột thừa, cắt túi mật. Ngày nay phẫu thuật nội soi đã thay thế cho hầu hết các phẫu thuật mở truyền thống kể các các phẫu thuật phức tạp như trong phẫu thuật bụng có thể thực hiện các phẫu thuật: cắt cắt đại tràng, lấy sỏi đường mật, cắt dạ dầy, cắt thực quản, cắt lách, cắt gan, cắt thận, cắt tuy … Các phẫu thuật trong lồng ngực như : các bệnh lý ở màng phổi, cắt phổi, cát u trung thất, các bệnh lý ở tim như khâu lỗ thông liên thất, liên nhĩ, thay hoặc sửa các van tim hai lá, ba lá van đông mạch chủ… Trong phẫu thuật thần kinh sọ não thực hiện nhiều loại bệnh như cắt u tuyến yên, u sọ hầu, u trong não thất, u nền sọ, điều trị bệnh não úng thủy, phình động mạch não, đau dây thần kinh V…Trong phẫu thuật xương khớp như điều trị sai khớp, thay khớp háng, khớp gối, thoát vị đĩa đệm….Phẫu thuật nội soi có thể thực hiện ở mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi, những người béo phì, những người đã mổ lại nhiều lần.

Phẫu thuật nội soi cũng có một số hạn chế : Việc thành lập đơn vị phẫu thuật nội soi bao gồm các trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao, tốn kém và thường xuyên được sửa đổi, nâng cấp. Nó cần một đội ngũ phẫu thuật được đào tạo đặc biệt với các kỹ năng khác với kỹ năng của phẫu thuật mổ mở . Nó không thể được sử dụng trong tất cả các trường hợp mà vẫn có một tỷ lệ phần trăm các trường hợp phải chuyển sang phẫu thuật mổ mở truyền thống. Thời gian phẫu thuật trong đa số các trường hợp là nhiều hơn so với mổ mở. Tỷ lệ tai biến, biến chứng cũng cao hơn.

Mô tả[sửa]

Phẫu thuật nội soi ra đời từ lâu, nhưng phẫu thuật nội soi hiện đại (có sự trợ giúp của truyền hình và vi tính) mới bắt đầu từ đầu những năm 1980. Những người đi tiên phong trong phẫu thuật nội soi là các thầy thuốc phụ khoa mà đứng đầu là Kurt Semm (1927-2003) làm việc tại đại học Frauenklinic, Kiel, Đức. Ông là người đã thiết kế nhiều dụng cụ cho phẫu thuật phụ khoa, sau này là cơ sở cho ra đời các dụng cụ cho phẫu thuât cắt túi mật nội soi. Ông đã thực hiện ca cắt ruột thừa bằng phẫu thuật nội soi đầu tiên năm 1980 và đã có ý tưởng cắt túi mật bằng phẫu thuật nội soi. Ông là người đã đặt nền móng cho phẫu thuật nội soi.

Phẫu thuật nội soi bắt đầu từ phẫu thuật cắt túi mật nội soi mà người đầu tiên thực hiện là Erich Muhe ở Đức vào năm 1985, sau đó là Philippe Mouret (Pháp, 1987). Sự tiếp nhận phẫu thuật nội soi ban đầu gặp khó khăn, vì ở thời điểm đó giáo lý ngoại khoa đã ăn sâu vào nhận thức của các phẫu thuật viên là : “Phẫu thuật lớn, cần có đường mổ lớn”, vì vậy thời bấy giờ khó có sự chấp nhận một phẫu thuật có đường mổ 1cm, mà lúc bấy giờ người ta mỉa mai gọi nó là phẫu thuật “lỗ khóa”. phẫu thuật nội soi ra đời đã làm thay đổi bộ mặt ngoại khoa, sự thực là cuộc cách mạng trong ngoại khoa vì đã làm thay đổi những quan điểm cơ bản về ngoại khoa, hình thành một khái niệm mới “phẫu thuật ít xâm lấn”. Tác động của phẫu thuật nội soi tới sự phát triển ngoại khoa rất lớn, nó được xem như là 1 trong những mốc quan trọng của sự phát triển ngoại khoa như là sự ra đời của gây mê, khử trùng, kháng sinh, tuần hoàn ngoài cơ thể và vi phẫu.

Để thực hiện phẫu thuật nội soi cần phải có nhiều dụng cụ và thiết bị chuyên biệt :

- Màn hình video (monitor) : có chức năng hiển thị hình ảnh vùng mổ, giúp kíp phẫu thuật thực hiện các thao tác kỹ thuật

- Hệ thống camera nội soi : Hệ thống này gồm ống kính soi, đầu camera, và bộ xử lý tín hiệu có tác dụng truyền tải tín hiệu hình ảnh thu tại vùng mổ tới màn hình; Đầu camera có loại đầu thẳng và đầu gập góc, có loại có hoặc không hệ thống kính zoom. Vật kính của ống soi có thể là loại nhìn thẳng hoặc nghiêng 30 độ, 45 độ, 70 độ…

- Nguồn sáng lạnh : có chức năng chiếu sáng phẫu trường. Nguồn sáng lạnh giúp giữ an toàn cho các tạng trong ổ bụng, giữ được độ bền cho máy.

- Máy bơm khí CO2: để tạo một không gian phẫu thuật, thường bơm với áp lực 12-14 mmHg

- Máy cắt đốt: để cắt các mô và cầm máu

- Các dụng cụ để tiến hành phẫu thuật như : các loại kìm, kẹp, dụng cụ khâu, nối …

Phẫu thuật nội soi thường thực hiện dưới gây mê toàn thân, một số phẫu thuật nội soi có thể thực hiện bằng cách gây tê tại chỗ. Phẫu thuật được bắt đầu bằng một đường rạch nhỏ gần rốn để đưa một ống nội soi có gắn đèn chiếu sáng và máy quay phim vào bụng, các hình ảnh trong bụng được truyền ra màn hình, nhờ vậy bác sĩ quan sát được toàn bộ ổ bụng và vùng cần thực hiện phẫu thuật. Trong suốt quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ bơm khí cacbon dioxide vào ổ bụng giúp việc quan sát trở nên rõ ràng hơn. Bác sĩ sẽ rạch thêm một vài vết rạch nhỏ khoảng 1cm khác trên thành bụng để đưa các dụng cụ phẫu thuật vào bên trong cơ thể và thực hiện các phẫu thuật như trong phẫu thuật mổ mở truyền thống. Sau khi phẫu thuật hoàn tất, các ống thông và các thiết bị được lấy ra, vết mổ được khâu và băng lại. Các hình ảnh của quá trình phẫu thuật được lưu lại và có thể được sử dụng sau phẫu thuật để giải thích kết quả của phẫu thuật cho bệnh nhân.

Để làm giảm tổn thương cho người bệnh nhiều hơn nữa, Năm 1997 một kỹ thuật cắt túi mật nội soi mới ra đời chỉ cần một đường rạch ở rốn, qua đó bác sỹ đưa các dụng cụ vào để tiến hành phẫu thuật gọi là phẫu thuật nội soi một cửa. Ngày nay ngoài cắt túi mật nhiều phẫu thuật khác ở bụng cũng được thực hiện bằng phương pháp này như cắt ruột thừa, cắt thận, cắt tử cung, cắt đại tràng, cắt dạ dầy…So với phẫu thuật nội soi truyền thống, phẫu thuật nội soi một cửa ít đường rạch hơn nên bệnh nhân đỡ đau sau mổ và thẩm mỹ đẹp hơn.

Tháng 3/2007 Ricardo Zorron thực hiện ca cắt túi mật qua đường âm đạo đầu tiên ở Rio de Janerio mà không cần phải rạch bất kỳ vết mổ nào trên thành bụng, Tháng 6/2007, Swanstron (hoa Kỳ) cắt túi mật qua đường dạ dầy cũng không cần một đường rạch nào ở thành bụng, người ta gọi đây là phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên. Ngoài cắt túi mật, phẫu thuật nội soi qua lỗ thự nhiên có thể thực hiện các phẫu thuật khác như cắt ruột thừa, cắt đại tràng, trực tràng…. Đến nay phẫu thuật này được coi là phẫu thuật an toàn, ngoài những ưu điểm như phẫu thuật nội soi truyền thống, phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên còn có ưu điểm không cần gây mê sâu, ít suy giảm miễn dịch, chức năng cơ hoành và phổi sau mổ tốt hơn, đặc biệt là không có xẹo trên cơ thể. Tuy vậy phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên còn chưa được áp dụng rộng rãi.

Chuẩn bị[sửa]

Trước khi tiến hành phẫu thuật nội soi, bệnh nhân cần được chuẩn bị chu đáo cả về tâm lý và thể chất. Về tâm lý bác sỹ cần tư vấn cho bệnh nhân và người nhà của họ về những vấn đề của phẫu thuật nội soi và khả năng chuyển mổ mở của phẫu thuật nội soi; sự cần thiết phải phẫu thuật và các nguy cơ của phẫu thuật; điều quan trong là bệnh nhân cần trình bầy những thắc mắc và bác sỹ giải thích chu đáo để bệnh nhân yên tâm.

Bệnh nhân cần được đánh giá đúng về thể chất bằng cách hỏi kỹ lịch sử bệnh, khám lâm sàng và làm các xét nghiệm máu, nước tiểu và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Ngày trước phẫu thuật bệnh nhân nên tắm và vệ sinh vùng mổ bằng sà phòng. Ăn nhẹ 24 giờ trước phẫu thuật và nhịn ăn ít nhất 12 giờ trước khi phẫu thuật. Làm sạch ruột bằng thuốc nhuận tràng có thể được yêu cầu. .

Rủi ro[sửa]

Các tai biến liên quan đến phẫu thuật nội soi có thể xẩy ra trong quá trình đưa các dụng cụ vào trong bụng làm tổn thương ruột, các mạch máu gây chẩy máu. Trong quá trình phẫu thuật nội soi, cũng có nguy cơ chảy máu từ các mạch máu và các chỗ dính của các tạng, có thể làm tổn thương các tạng. Trong các phẫu thuật nội soi có sử dụng dao điện, có thể bị bỏng vết mổ do dòng điện đi qua ống nội soi do thiết bị bị lỗi. Các biến chứng liên quan đến bơm khí CO2 vào khoang bụng bao gồm khí vô tình đi vào mạch máu và gây ra tắc mạch, tràn khí màng phổi hoặc tràn khí dưới da. Một tác dụng phụ phổ biến nhưng không nghiêm trọng của việc ứ trệ tuần hoàn là đau ở vai và vùng trên ngực trong một hoặc hai ngày sau khi thực hiện thủ thuật.

Tỷ lệ biến chứng trong phẫu thuật nội soi có liên quan đến kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Các phẫu thuật viên có kinh nghiệm hơn trong các phẫu thuật nội soi có ít biến chứng hơn những người đã thực hiện dưới 100 ca.

Điều trị thay thế[sửa]

Trong quá trình phẫu thuật nội soi gặp nhiều khó khăn, hoặc xẩy ra các tai biến mà không thể giải quyết được bằng phẫu thuật nội soi thì chuyển mổ mở truyền thống.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Alexandros Polycronidis, Prodromos, Laftsidis, Anastasios, Bounovas and Simopoulos. Twenty Year of Laparoscopic Cholecystectomy: Philippe Mouret-March 17, 1987. JSLS 208 Jan-Mar. 12(1): 109-111
  2. Bộ y tế. Bài giảng phẫu thuật nội soi cơ bản, Nhà xuất bản y học, 2014.
  3. Horgan S, Meireles OR, Jacobsen GL, Sandler BJ, Ferreres A, Ramamoorthy S, Broad clinical utilization of NOTES : Is it safe. Surg Endosc. 2013 Jun,27(6):1827-80.
  4. Rolanda C, Lima E, Pego JM, Henriques-Coelho T, Silva D, Moreia I, Macedo G, Carvalho JL, Correia-Pinto J. Gastointest Endosc. 2007 Jan,65(1): 111-7. Third-generation cholecystectomy by natural orifice: transgastric and transvesical combined approch (with video).
  5. Walker Reynolds. Jr, MD. MS. The first Laparoscopic Cholecystectomy. JSLS. 2001 Jan-Mar, 5(1): 89-94.
  6. Natural orifice transluminal endoscopic surgery. en.Wikipedia.org/../ natural_orifice_Endosc...
  7. Jacqueline L. Longe. The Gale Encyclopedia of medicine. Fifth edition, Volum IV, 2015, Tr.4753-4756.