Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phần mềm nguồn mở

Phần mềm nguồn mở (tiếng Anh Open Source Software) là phần mềm có mã nguồn được công bố và sử dụng theo một giấy phép nguồn mở hợp lệ. Giấy phép này cho phép bất cứ ai cũng có thể thay đổi, cải tiến và phân phối phần mềm ở dạng chưa thay đổi hoặc đã thay đổi.

Định nghĩa nguồn mở của Tổ chức Sáng kiến Nguồn mở (Open Source Initiative - OSI) thể hiện triết lý nguồn mở và xác định ranh giới trong sử dụng, thay đổi và tái phân phối phần mềm nguồn mở dựa trên các giấy phép nguồn mở. Có thể thấy, công chúng được phép truy cập vào mã nguồn mở của một sản phẩm, giấy phép nguồn mở điều chỉnh cách thức truy cập đó.

Thuật ngữ "phần mềm nguồn mở" bao hàm khía cạnh mã nguồn phần mềm mở và quyền sử dụng phần mềm, thay đổi và tái phân phối theo giấy phép. phần mêm nguồn mở kéo theo mã nguồn của phần mềm là mở, nhưng ngược lại không đúng (phần mềm có mã nguồn mở, nhưng giấy phép sử dụng phần mềm đó là "đóng". Khi đó, người dùng tuy được phép truy cập vào mã nguồn phần mềm, nhưng có thể bị ngăn cấm quyền sao chép, chỉnh sửa, hoặc phân phối lại phần mềm).

Ngày nay, phần mêm nguồn mở phát triển với tốc độ rất nhanh, có động lực hơn so với mã nguồn đóng. Cũng xuất hiện các thuật ngữ kèm theo thuộc tính “mở”, tương đồng với mã nguồn mở, bao gồm: phần cứng, phần mềm, tài liệu/học liệu, thiết kế mở, …. Trong đại dịch COVID-19 năm 2020, Chính phủ Việt Nam khuyến cáo toàn dân cài đặt phần mêm nguồn mở BlueZone nhằm kiểm soát dịch bệnh. Có thể nói trong quá trình phát triển công nghệ thông tin, mã nguồn mở là mảng năng động nhất với tốc độ phát triển từng giờ một.

Song hành cùng phần mêm nguồn mở là khái niệm phần mềm tự do, theo đó phần mềm tự do đề cao tính tự do trong văn hoá và ý tưởng sử dụng, thay đổi và tái phân phối phần mềm, trong khi đó phần mêm nguồn mở thiên về khía cạnh kỹ thuật. Mặc dù gần như có sự tương đồng hoàn toàn giữa giấy phép phần mềm tự do và giấy phép phần mêm nguồn mở, vẫn tồn tại những bất đồng trong về giới hạn của giấy phép và các hoạt động của các cộng đồng, tổ chức xung quanh các phần mềm tự do và phần mêm nguồn mở.

Quá trình phát triển[sửa]

Từ những năm 1950 - 1970, xuất hiện phong trào chia sẻ phần mềm được lập trình viên hợp tác phát triển. Tuy nhiên, đến những năm 1970, các vấn đề về pháp lý gây nhiều tranh cãi khiến cho việc chia sẻ mã nguồn phần mềm (tiền thân của phong trào phần mêm nguồn mở) trở nên hạn chế. Ở Hoa Kì, năm 1980 luật bản quyền được mở rộng cho phần mềm máy tính (trước đó, các phần mềm được xem không có bản quyền).

Vào năm 1985, Richard Stallman-người sáng lập Quỹ Phần mềm Tự do (Free Software Foundation - FSF), khởi động lại phong trào tự do chia sẻ phần mềm, mã nguồn thông qua dự án GNU Project. GNU nhằm xây dựng một hệ điều hành(phần mềm và công cụ điều khiển thiết bị, máy tính vận hành) miễn phí. Nhân Linux, do Linus Torvalds tạo ra, được phát hành dưới dạng mã nguồn có thể sửa đổi tự do vào năm 1991. Ban đầu, Linux không được phát hành theo giấy phép phần mềm tự do. Tuy nhiên, với phiên bản 0.12 vào tháng 2 năm 1992, Linus Torvalds ban hành nhân Linux theo Giấy phép Công cộng GNU.

Năm 1997, Eric Raymond xuất bản The Cathedral and the Bazaar - một tiểu luận phân tích các phản hồi của cộng đồng hacker về nguyên tắc phần mềm tự do. Bài tiểu luận đã nhận được sự chú ý đáng kể vào đầu năm 1998, trở thành yếu tố thúc đẩy Tập đoàn Truyền thông Netscape phát hành bộ Internet Netsic Communicator nổi tiếng dưới dạng phần mềm tự do. Hiện tại, mã nguồn này được biết dưới tên trình duyệt web Mozilla Firefox và trình duyệt thư điện tử Mozilla Thunderbird.

Hành động của Netscape đã thúc đẩy Eric Raymond và các cộng sự xem xét nghiêm túc và cẩn thận ý tưởng phần mềm tự do của Quỹ Phần mềm Tự do và nhận thấy lợi ích trong ngành công nghiệp phần mềm thương mại. Họ cho rằng tại thời điểm đó hoạt động xã hội của Quỹ phần mềm Tự do không hấp dẫn các công ty như Netscape và tìm cách đổi thương hiệu cho phong trào phần mềm tự do, nhấn mạnh tiềm năng kinh doanh khi chia sẻ và cộng tác phát triển mã nguồn phần mềm. Bruce Perens, Linus Torvalds, nhà xuất bản Tim O'Reilly và cộng sự đã đổi tên gọi, thương hiệu, giấy phép của phần mềm tự do thành Mã nguồn mở" – Open Source. Tổ chức Nguồn mở OSI (Open Source Initiative) được thành lập vào tháng 2 năm 1998 nhằm khuyến khích và truyền bá các nguyên tắc mã nguồn mở. Theo đó, phần mêm nguồn mở là phần mềm được ban hành theo giấy phép được tổ chức Nguồn mở OSI phê chuẩn, yêu cầu đáp ứng 10 điều kiện và tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là cho phép tái phân phối phần mềm, truy cập tới mã nguồn và thực hiện các sửa đổi phần mềm và các sản phẩm phái sinh được phân phối với cùng các điều kiện đã được cấp phép đối với phần mềm mở ban đầu.

Lợi ích[sửa]

Hiện nay, việc ứng dụng phần mêm nguồn mở đã và đang thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ các quốc gia cũng như người sử dụng. Số lượng phần mêm nguồn mở cũng như ứng dụng trong xã hội của nguồn mở tăng lên một cách nhanh chóng. Lợi ích của phần mêm nguồn mở cũng tương tự như phần mềm tự do như:

  • Miễn phí các phiên bản nâng cấp trong toàn bộ vòng đời sử dụng sản phẩm (chỉ mất phí cho dịch vụ nâng cấp);
  • Giảm chi phí phát triển phần mềm đáp ứng theo yêu cầu nghiệp vụ (sử dụng phần mềm, mô-đun có sẵn để phát triển tiếp, sửa đổi điều chỉnh cho phù hợp với nghiệp vụ của doanh nghiệp);
  • Kéo dài thời gian sử dụng/tái sử dụng các phần cứng, thiết bị trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng toàn hệ thống;
  • Chi phí đầu tư, vận hành hệ thống tập trung cho các dịch vụ “hữu hình” đem lại giá trị trực tiếp, thiết thực cho tổ chức như: tư vấn, sửa đổi theo yêu cầu, triển khai, đào tạo, bảo trì, nâng cấp hệ thống...;
  • Mức chi phí tiết kiệm so với phần mềm có bản quyền sử dụng.

Vai trò[sửa]

Cũng có ý kiến cho rằng phần mêm nguồn mở tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn, an ninh thông tin. Tuy nhiên, theo báo cáo của Gartner và các tổ chức phân tích độc lập, phần mêm nguồn mở giúp tăng cường độ tin cậy (bởi lẽ, thông qua mã nguồn mở đã là một bước kiếm chứng không có mã độc, “cửa sau”), ổn định (tuân theo các chuẩn mở ứng dụng lâu dài), tính an toàn, bảo mật toàn hệ thống. Trong báo cáo năm 2011 của Bộ quốc phòng Hoa Kì đã khẳng định: Mã nguồn mở góp phần đảm bảo an ninh, không tồn tại phần mềm độc quyền trong quân đội và chính phủ.

Phần mêm nguồn mở đóng vai trò quan trọng trong phát triển Internet và các công nghệ lõi của các doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới. Sản phẩm nổi tiếng nhất của mã nguồn mở là mạng Internet vẫn đang được sử dụng hàng ngày. Các chức năng cơ bản nhất của Internet được xây dựng trên nền tảng công nghệ nguồn mở. Hệ điều hànhLinux-hệ điều hànhchiếm tỷ trọng lớn nhất, được cài đặt phổ biến trên các máy chủ và ứng dụng Web Server Apache cũng là một sản phẩm phần mêm nguồn mở. Còn nhiều ứng dụng Internet trên thế giới hiện nay cũng là nguồn mở.

Các công ty công nghệ lớn, như Facebook và Google, đã công bố và ban hành các phần mềm, các cải tiến mà họ nghiên cứu nhiều năm cho cộng đồng nguồn mở. Việc cấp phép các sáng kiến nguồn mở đã góp phần khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển không ngừng của thế giới công nghệ thông qua mô hình cộng tác một cách công khai. Nếu không có các mô hình cộng tác này, nhiều công nghệ cơ bản có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, không thể tiếp cận được do hàng rào và ràng buộc pháp lý.

Có thể thấy phong trào mã nguồn mở là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển công nghệ với tốc độ chóng và là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Ở Việt Nam[sửa]

Phần mềm tự do nguồn mở là thuật ngữ được khuyến khích sử dụng, thay thế cho hai thuật ngữ là phần mềm tự do và phần mêm nguồn mở (thuật ngữ "mã nguồn mở" bị bó hẹp và dễ gây ngộ nhận). Thuật ngữ "Phần mềm tự do nguồn mở" được tạo ra để trung lập với những bất đồng về triết lý giữa Quỹ Phần mềm Tự do FSF và Tổ chức Nguồn mở OSI nhằm tạo ra một thuật ngữ thống nhất và duy nhất có thể đề cập cả hai khái niệm này.

Theo giải thích của Tổ chức Phần mềm Tự do (FSF) về sự khác biệt về triết lý giữa hai thuật ngữ phần mềm tự do và phần mêm nguồn mở: "Hai thuật ngữ mô tả gần như cùng một loại phần mềm, nhưng chúng đại diện cho các quan điểm dựa trên các giá trị khác nhau cơ bản. Nguồn mở là một phương pháp phát triển phần mềm, còn phần mềm tự do là một phong trào xã hội. Đối với phong trào phần mềm tự do, phần mềm tự do là sự bắt buộc về mặt đạo đức, tôn trọng thiết yếu cho sự tự do của người dùng. Ngược lại, triết lý về nguồn mở xem xét các vấn đề về cách tạo ra phần mềm sao cho tốt hơn - chỉ theo mặt kỹ thuật. ". Song song với điều này, Tổ chức Nguồn mở OSI coi nhiều giấy phép phần mềm tự do cũng là nguồn mở ví dụ giấy phép GPL, Giấy phép công cộng chung ít hơn (LGPL) và Giấy phép công cộng chung GNU Affero (AGPL).

Lịch sử phong trào phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam ghi nhận đã xuất hiện từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước với mốc đầu tiên là hội thảo quốc gia Phần mềm mã nguồn mở lần thứ nhất tháng 12 năm 2000. Ngay từ lúc đó, đã có những nhóm phần mêm nguồn mở phát triển hệ điều hànhLinux Việt của Vietkey, School Net, CMC… Và sự phát triển của phần mêm nguồn mở cũng có những sự thăng trầm qua nhiều giai đoạn.

Vào ngày 02 tháng 3 năm 2004, chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 235/QĐ-TTg, phê duyệt Dự án tổng thể “ và phát triển phần mêm nguồn mở ở Việt nam giai đoạn 2004-2008”. Tuy nhiên phần mêm nguồn mở tại Việt Nam không được phát triển như mong muốn.

Kể từ tháng 11 năm 2011, Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (Vietnam Free & Open Source Software Association - viết tắt là VFOSSA) đã ra đời sau nhiều nỗ lực của các thành viên cộng đồng nguồn mở Hanoi Lug, Ubuntu-vn, NukeViet... đây là tổ chức đại diện cho cộng đồng Phần mềm Tự do Nguồn mở (PMTDNM) trong cả nước, cũng là chi hội TƯ thuộc Hội Tin học Việt Nam (VAIP). Câu lạc bộ đã tổ chức đại hội thành lập vào ngày 14/1/2012 tại Viện Tin học Pháp ngữ (nay là Viện Quốc tế Pháp ngữ).

Ngày 05 tháng 12 năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 20/2014/TT-BTTTT: Quy định về các sản phẩm phần mêm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước. Đây được coi là thước đo để đánh giá khả năng trưởng thành của một phần mêm nguồn mở bất kỳ, hỗ trợ cơ quan, tổ chức nhà nước trước khi chính thức sử dụng nguồn mở.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổ chức nguồn mở và triết lý nguồn mở: https://opensource.org/osd
  2. Tổ chức phần mềm tự do và triết lý tự do: Error! Hyperlink reference not valid.https://www.fsf.org/about/
  3. Eric S. Raymond, “The Cathedral and the Bazaar”, 1999.
  4. Chris DiBona and Sam Ockman and Mark Stone, “Open Sources: Voices from the Open Source Revolution”. O'Reilly. ISBN 1-56592-582-3, 1999.