Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phạm Văn Trà
Tập tin:Đại tướng Phạm Văn Trà.png
Đại tướng Phạm Văn Trà

Phạm Văn Trà (s. 1935), là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (1997-2006).

Phạm Văn Trà tên gọi khác Ba Trà, sinh ngày 19.8.1935, trong một gia đình nông dân yêu nước tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Trong kháng chiến chống Pháp, bố và chú ruột tham gia du kích bị Pháp bắn chết. Năm 1953 nhập ngũ, Phạm Văn Trà xung phong vào đại đội chủ công, chuyên đánh đồn, đảm nhận nhiệm vụ ôm bộc phá, đánh hàng rào và lô cốt đầu cầu. Năm 1956 được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ năm 1964 đến tháng 6.1975, chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ; đảm nhiệm các cương vị từ Tham mưu trưởng tiểu đoàn đến trung đoàn trưởng, Phạm Văn Trà trực tiếp chiến đấu và chỉ huy đơn vị chiến đấu hàng chục trận diệt gọn 6 tiểu đoàn, 20 đại đội địch, đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn khác, diệt và làm bị thương 15 nghìn, bắt 500 địch. Riêng Phạm Văn Trà diệt 15, bắt 10 địch, bắn rơi 1 máy bay phản lực Mĩ. Do lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 20.10.1976, Phạm Văn Trà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ tháng 12.1975 đến năm 1977, Phạm Văn Trà được bổ nhiệm giữ chức Tham mưu trưởng Sư đoàn 4, rồi Sư đoàn phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 330, Quân khu 9, tham gia xây dựng kinh tế, củng cố thế trận phòng thủ ở An Giang, Kiên Giang. Tháng 9.1978, học tại Học viện Quân sự cấp cao. Từ tháng 8.1980 đến tháng 2.1983 là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, Quân khu 9. Tháng 3.1983 là Phó Tư lệnh Mặt trận 979, tham gia chỉ huy chiến đấu bảo vệ vùng biển Phú Quốc, Hòn Ông, Hòn Bà, biên giới Tây Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và xây dựng lại đất nước. Từ năm 1985 đến năm 1988, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 9. Tháng 6.1988, Phó Tư lệnh Quân khu 3. Năm 1989 được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 3, Phạm Văn Trà cùng với BTL Quân khu lãnh đạo lực lượng vũ trang quân khu tập trung xây dựng kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ, thực hiện dự án lấn biển, làm đường, kiện toàn các cơ quan kinh tế theo mô hình tổng công ty, công ty, xí nghiệp thành viên, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Tháng 12.1993, được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phụ trách tác chiến. Từ tháng 12.1995 đến tháng 11.1997, giữ chức Tổng Tham mưu trưởng kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong ba năm (1994-1996), Phạm Văn Trà trực tiếp ra Trường Sa chỉ đạo làm xanh hóa đảo; quy hoạch, xây dựng hệ thống công sự, trận địa có chiều sâu, liên hoàn vững chắc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và đảo Thổ Chu, Phú Quốc…; tổ chức lực lượng phòng thủ, tuần tra, duy trì tàu trực chiến để kịp thời phát hiện, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm trái phép…, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Từ tháng 12.1997 đến năm 2006 được Quốc hội bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị phân công giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Phạm Văn Trà có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về công tác đối ngoại, Phạm Văn Trà là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ (2003).

Phạm Văn Trà được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII-IX; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX; Đại biểu Quốc hội từ khóa IX-XI; được thăng quân hàm Thiếu tướng (1986), Trung tướng (1993), Thượng tướng (1999), Đại tướng (2003). Tháng 6.2006, nghỉ hưu.

Phạm Văn Trà đã chỉ đạo biên soạn cuốn “Chiến tranh nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975)”, “Phụ lục bản đồ hình thái chiến trường” (1997); và là tác giả của các cuốn: “Xây dựng quân đội vững mạnh bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (1999); “Tăng cường sức mạnh quốc phòng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IX của Đảng (2001); “60 năm - Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng chiến đấu, trưởng thành dưới lá cờ vinh quang của Đảng” (2004)... Phạm Văn Trà đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công (hạng Nhì, hạng Ba); Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng (2021) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tập 4, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.
  2. Hội Đồng thi đua khen thương Trung ương, Ban Tư tương Văn hóa Trung ương, Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Lao động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 773.
  4. Chân dung tướng lĩnh Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh (1945-1975), Nxb Lao Động, Hà Nội, 2011.
  5. 12 vị đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Đồng Nai, 2011.
  6. Gương mặt Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012.
  7. Con người và sự kiện lịch sử, tập 1, Nhân vật lịch sử. Nxb Đồng Nai, 2012.
  8. Trang thông tin của Thư viện Quân đội.