Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phạm Thanh Ngân
Tập tin:Thượng tướng Phạm Thanh Ngân.jpg
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân

Phạm Thanh Ngân (s. 1939), là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1998-2001).

Phạm Thanh Ngân sinh ngày 18.4.1939 tại xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tháng 6.1957 tham gia công tác đoàn tại địa phương. Ngày 21.3.1959 nhập ngũ, là chiến sĩ trinh sát sau làm Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 374, Sư đoàn Pháo binh 351. Tháng 4.1961, trúng tuyển phi công, tham gia học dự khóa tại Tiểu đoàn 95, Cục Không quân; tháng 10.1961 được cử sang Liên Xô học lái máy bay MiG-17. Ngày 8.12.1963 được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 10.1964, Phạm Thanh Ngân là Sĩ quan lái máy bay MiG-17, Trung đoàn Không quân 921, Quân chủng Phòng không - Không quân; tháng 8.1965, chuyển loại lái máy bay MiG-21 tại Liên Xô.

Từ tháng 5.1966 đến tháng 8.1970, Phạm Thanh Ngân lần lượt giữ các chức vụ: Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng lái máy bay chiến đấu MiG-21, Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân, tham gia chiến đấu và trực tiếp bắn rơi 8 máy bay Mỹ gồm: 3 F-4, 2 F-105, 1 RF-101, 1 F-102, 1 máy bay không người lái, chỉ huy biên đội bắn rơi 8 chiếc khác. Với thành tích trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, ngày 18.6.1969, Phạm Thanh Ngân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ tháng 9.1970 đến tháng 7.1975, Phạm Thanh Ngân học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô); tháng 8.1975, về nước được phân công làm Trợ lý Phòng Khoa học quân sự, Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân. Tháng 6.1977, giữ chức Sư đoàn phó Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Không quân. Tháng 8.1978, học viên Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Từ tháng 3.1979 đến tháng 7.1982 giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Không quân; tháng 8.1982, học viên Học viện Quân sự Cấp cao Vôrôsilôp (Liên Xô). Từ tháng 7.1984 đến tháng 8.1986, giữ chức Phó Tham mưu trưởng, Phó Tham mưu trưởng thứ Nhất Quân chủng Không quân. Từ tháng 9.1986 đến tháng 3.1989, giữ chức Phó Tư lệnh về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân chủng kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Không quân (tháng 10.1987 thôi kiêm chức Chủ nhiệm Chính trị).

Từ tháng 4.1989 đến tháng 4.1996, Phạm Thanh Ngân được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Quân chủng Không quân. Từ tháng 5.1996 đến tháng 4.2001, được phân công giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 5.2001 được phân công phụ trách Ban Tổng kết chiến lược về quân sự và quốc phòng trực thuộc Bộ Chính trị. Phạm Thanh Ngân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII; Bộ Chính trị khóa VIII; Đại biểu Quốc hội khóa IX; được thăng quân hàm Thiếu tướng (1988), Trung tướng (1992), Thượng tướng (1999). Năm 2002 nghỉ hưu Phạm Thanh Ngân đã có nhiều bài viết về Đảng Cộng sản Việt Nam, về công tác kiểm tra, công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ Quân đội, tiêu biểu: “Tiếp tục tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”; “Tiếp tục đổi mới chính đốn Đảng trong Đảng bộ Quân đội, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ 7 của Đảng”; “Thực hiện công tác kiểm tra Đảng trong Đảng bộ Quân đội trước yêu cầu mới”...

Phạm Thanh Ngân là một phi công chiến đấu mưu trí, dũng cảm, hiệu suất chiến đấu cao; một lãnh đạo, chỉ huy tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Không quân nhân dân Việt Nam, đồng thời có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phạm Thanh Ngân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng (2018) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tập 3, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 154 - 156.
  2. Hội Đồng thi đua khen thương Trung ương, Ban Tư tương Văn hóa Trung ương, Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Lao động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 986.
  3. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam; Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 771.
  4. Quân chủng Phòng Không - Không quân, Thủ trưởng Bộ tư lệnh và tướng lĩnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 144 - 147.
  5. Gương mặt Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr. 241 - 243.
  6. Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Từ điển Phòng không - Không quân; Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017, tr. 717.