Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phái Jacobin
Biểu tượng của câu lạc bộ Jacobin (1792–1794)
Cửa vào Câu lạc bộ Jacobin trên đường Saint-Honoré, Paris.

Phái Jacobin tên gọi một phái chính trị tồn tại trong cách mạng Pháp, được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, nắm quyền trong một giai đoạn ngắn của Quốc ước/Hiệp hội dân tộc (1792 - 1794) cùng với sự phát triển lên cao trào của cách mạng Pháp.

Phái Jacobin là một bộ phận cánh tả cấp tiến nằm trong phái Núi, có mục tiêu chống lại các nhóm chính trị ôn hòa, điển hình là Girondin. Rộng hơn, là tên gọi những người cách mạng Pháp ủng hộ việc thực thi các chính sách hà khắc, độc đoán của Quốc ước/Hiệp hội dân tộc trong giai đoạn khủng hoảng 1792 - 1794.

Ban đầu không phải là một nhóm chính trị cụ thể trong cách mạng Pháp, mà là tên một câu lạc bộ chính trị được thành lập từ năm 1789, tên gọi Nhóm những người bạn của Hiến pháp (Societies of the Friends of the Constitution). Thu hút các nhà chính trị, tri thức, quý tộc có tinh thần “yêu nước”, tiêu biểu nhất là nhóm Girondin và nhóm Montagnards (nhóm Núi). Phí tham gia câu lạc bộ cao và thành viên ban đầu khá hạn chế.

Phái Jacobin hướng đến việc chống lại vua Louis XVI và thúc đẩy cách mạng Pháp từ giữa năm 1791. Cuối năm 1791, những người Girondin trong Quốc hội lập pháp ủng hộ chiến tranh với Áo-Phổ để nâng cao uy tín, sức mạnh của nhóm và kiểm nghiệm lòng yêu nước của vua Louis XVI. Maximilien Robespierre cực lực phản đối chiến tranh trong các cuộc thảo luận tại câu lạc bộ Jacobin và vai trò của ông ngày càng tăng cao trong câu lạc bộ. Câu lạc bộ bị phân hóa, một bên là nhóm Girondin, một bên là những người ủng hộ Robespierre, được gọi là nhóm Montagnards/Montagne hay nhóm Núi. Không có một quan điểm chính trị đồng nhất, nhưng họ có điểm chung là ác cảm với phái Girondin vốn đang ủng hộ việc duy trì chế độ quân chủ. Robespierre được bầu vào Công xã khởi nghĩa Paris và là người đứng đầu đoàn đại biểu Paris trong Quốc hội lập pháp.

Đầu năm 1793, nhóm cấp tiến cực tả ủng hộ Robespierre như Georges Danton, Camille Desmoulins, Jean-Paul Marat và những người phái Núi có chung mục tiêu lật đổ nhóm ôn hòa và chế độ quân chủ. Họ tham gia và lãnh đạo các nhóm hành pháp không chính thức của chính phủ Pháp: Hội đồng an ninh chung, Hội đồng an toàn công cộng để chống lại kẻ thù của nước Pháp, cả bên trong và bên ngoài, và giám sát chính phủ. Nhóm gần với phong trào đấu tranh của quần chúng, được sự ủng hộ của những người khởi nghĩa, đặc biệt là lực lượng Công xã Paris. Trong cuộc bầu cử bổ sung Quốc ước tháng 6.1793, Robespierre và các cộng sự trong phái Núi: Fouche, Collot d’Herbois, Billaud-Varenne, Marat, Danton và Saint-Just đã tập hợp lại thành cánh tả và chiếm được một số ghế nghị sĩ quan trọng. Nhóm liên minh với phái Đầm lầy. Nhóm chính trị này từ đó được các nhà sử học nhìn nhận như một phái riêng, được gọi là nhóm Jacobins. Nhóm ảnh hưởng đến toàn bộ nền chính trị Pháp giai đoạn tháng 6.1793 – 7.1794. Điều đó gây khá nhiều nhầm lẫn vì một bộ phận nhóm Núi không tham gia nhóm Jacobin, và nhóm Girondin từng hoạt động trong câu lạc bộ Jacobin.

Nhóm Jacobin được ủng hộ bởi những người lao động trên toàn quốc: đông đảo nhất là thợ thủ công và chủ cửa hiệu. Nội dung hoạt động xã hội của nhóm hướng đến giáo dục, an sinh xã hội, bình đẳng, và trên hết là thống nhất quốc gia, duy trì nền cộng hòa. Ủng hộ quyền tư hữu, nhưng đảm bảo nhiều hơn cho đội ngũ trung tiểu tư sản. Có tư tưởng tự do thương mại và kinh tế tư bản tự do, nhưng chính sách kinh tế thiên về kiểm soát giá cả để phục vụ chiến tranh. Chính sách gây bất lợi cho nông dân và chủ các đồn điền sản xuất lương thực. Chống lại nhà thờ và các thế lực tôn giáo.

Tháng 9.1793, nhóm đã xác lập được quyền kiểm soát mang tính độc tài tại Pháp để giải quyết nội chiến và kẻ thù xâm lược bên ngoài. Thời gian cầm quyền của Robespierre và nhóm ủng hộ chính sách độc tài gọi là thời kỳ Terror. Các thành viên nhóm Girondin đã chạy ra khỏi Paris, xúi giục nổi loạn ở 60 trên 83 quận để chống lại những nhà cách mạng ở Paris và nhóm chính trị đang nắm quyền Quốc ước. 300.000 kẻ thù cách mạng bị bắt, ít nhất 10.000 người chết trong tù, 17.000 người bị tử hình từ tháng 9.1793 đến tháng 7.1794. Tháng 10.1793, phái Jacobin xử tử 21 nghị sĩ thuộc nhóm Girondin trong Quốc ước. Tháng 3.1794, do có tư tưởng khác với Robespierre, những lãnh đạo phái Núi thuộc phe ôn hòa như Danton, hay phe cấp tiến như Hébert bị xử tử. Robespierre và phái Jacobin thành công tiêu diệt các nhóm chính trị chống đối. Ngày 6.4.1794, Robespierre được bầu làm Chủ tịch Quốc ước/Hiệp hội dân tộc. Những đồng minh trong Hội đồng an ninh công cộng (Committee of Public Safety) như Billaud-Varenne, Collot d’Herbois và Carnot đã gọi Robespierre là độc tài. Nhóm Jacobin từ cấp tiến đã trở thành cực tả và độc tài.

Mối đe dọa xâm lược bên ngoài bị dập tắt, người dân quay sang chống lại chính sách độc tài của Robespierre và những người ủng hộ ông. Ngày 27.4, nhóm Robespierre bị bắt. Đêm 28.4, 22 người bị xử từ không cần tòa án tại Quảng trường cách mạng (Quảng trường Concorde). Vài ngày sau, 82 người ủng hộ Robespierre cũng bị tử hình, chấm dứt thời kỳ Terror của phái cấp tiến Jacobin.

Sau cái chết của Robespierre (28.7.1794), những người Jacobin trên toàn nước Pháp bị đấu tố, các câu lạc bộ đóng cửa. Những người sống sót tránh sự báo thù, và vẫn tiếp tục hi vọng vào sự phát triển của phong trào cấp tiến xã hội và dân chủ, nhất là ở phía nam và tây nước Pháp.

Nhóm Jacobin là nhóm chính trị cấp tiến cực tả đã tác động, làm thay đổi tiến trình lịch sử cách mạng Pháp. Thời gian tồn tại ngắn ngủi nhưng được lòng quần chúng ở Paris đã thúc đẩy nhóm Jacobin thi hành nhiều chính sách tiến bộ, cách mạng. Tên gọi Jacobin về sau được lan truyền sang Anh, Mỹ và đều nhằm chỉ những người hoạt động cách mạng cấp tiến, đòi quyền lợi cho bộ phận tiểu tư sản và nhân dân lao động.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. H. Gough, The Terror in the French Revolution (Nỗi khiếp sợ trong cách mạng Pháp), Basing-stoke, 1998.
  2. M.L. Kennedy, “The Foundation of the Jacobin Clubs and the Development of the Jacobin Club Network, 1789-1791” (Sự thành lập của các câu lạc bộ Jacobin và sự phát triển của hệ thống câu lạc bộ Jacobin, 1789-1791), The Journal of Modern History, 51:4, 1979, pp. 701-733.
  3. M.L. Kennedy, The Jacobin Clubs in the French Revolution, 1793-1795 (Câu lạc bộ Jacobin trong cách mạng Pháp, 1793-1795), New York, 2000.
  4. M.L. Kennedy, The Jacobin Clubs in the French Revolution, 1793-1795, New York, 2000.