Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nhà sàn
Phiên bản vào lúc 14:01, ngày 17 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “thumb|Nhà sàn trong phủ chủ tịch, nơi ở của Hồ Chí MinhFile:House on sti…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Nhà sàn trong phủ chủ tịch, nơi ở của Hồ Chí Minh
Nhà sàn của người Êđê ở Tây Nguyên
Nhà sàn của người Ba Na trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).
Nhà sàn của người Vân Kiều ở Hướng Hóa, Quảng Trị

Nhà sàn là dạng kiến trúc nhà ở được cất trên những cây cột, với phần sàn nhà tách khỏi mặt đất. nhà sàn thường có ba phần: phần gầm sàn để đồ đạc hoặc buộc gia súc, phần sàn nhà nơi người ở và phần mái che mưa nắng. nhà sàn không đơn thuần là nơi cư trú mà còn là không gian biểu đạt các quan niệm, các phương thức con người ứng phó, tận dụng, lí giải, tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Từ nhà sàn, có thể hiểu về kiến trúc, tập quán, thiết chế gia đình, cộng đồng, các nếp sinh hoạt cũng như những ý niệm tôn giáo.

Ở Việt Nam, nhà sàn là hình thức cư trú phổ biến của các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Mường, Dao, Lô Lô, Gia rai, Ê đê, Mạ…, với sự đa dạng về kiểu dáng và chất liệu tùy theo từng tộc người và từng địa phương. nhà sàn ở Việt Nam thường có hình chữ nhật, chia làm những khu chức năng gắn với các hoạt động riêng. Nhà có một hoặc hai cầu thang lên xuống đặt tại cùng một phía hoặc ở hai đầu, hành lang ở bên ngoài hoặc nằm bên trong, kéo dài từ đầu nọ sang đầu kia. Trong nhà sàn, có thể có một gia đình sinh sống hoặc hai, ba thế hệ cùng chung sống.

Đặc điểm nổi bật[sửa]

Các dạng nhà sàn ở Việt Nam có chung những đặc điểm nổi bật, và đây cũng được xem là các đặc trưng của dạng nhà sàn ở vùng Đông Nam Á. Thứ nhất, hầu hết các loại nhà sàn đều có một khoảng không gian công cộng là nơi hội họp, lao động, tiếp khách, nơi nhảy múa và uống rượu trong những ngày lễ hội. Thứ hai, sàn nhà được nâng cao hẳn lên, cách mặt đất tầm 2 -3 mét, phải dùng thang mới có thể lên sàn. Thứ ba, phần sàn nhà thường được dùng làm chỗ ngồi hoặc giường ngủ, với việc kê đệm hoặc ngồi đệm thấp (có thể dùng thêm giường hoặc bàn ghế cao). Ở một số nơi, trong nhà sàn có thêm loại ghế dài để dành riêng cho chủ nhà hoặc khách quý. Thứ tư, khu vực bếp trong nhà sàn dùng để nấu nướng, sưởi ấm và thắp sáng. Những nhà sàn dài còn có khu vực bếp chính tại các không gian chung và các bếp phụ liên quan tới từng đơn vị gia đình nhỏ trong nhà. Thứ năm, trong nhà sàn luôn có các khu vực thiêng dành riêng cho các vị thần hoặc tổ tiên trong nhà. Thứ sáu, dưới một mái nhà sàn có sự hiện diện của con người, thần linh, tổ tiên, lương thực, gia súc gia cầm, của cải.

Hình dáng, độ dài cọc chống sàn, số lượng cột, số bậc thang lên, vị trí các cửa chính và cửa sổ, vị trí và hướng bếp lửa, cách trang trí và xếp đặt nội thất trong nhà sàn thường không tùy tiện mà có tính mục đích và mang ý niệm văn hóa riêng. Thiên nhiên, lối sống, tôn giáo tín ngưỡng, cách tổ chức xã hội có thể được xem là những yếu tố cơ bản có ảnh hưởng lớn nhất đến cấu tạo, bố cục bên trong của nhà sàn. Trong một số nhóm cộng đồng, kiến trúc ba phần của nhà sàn (gầm, sàn, mái) với yêu cầu chặt chẽ về không gian riêng biệt dành cho gia súc, con người và khu vực ra vào, cư ngụ của thần linh, tổ tiên còn tương thích với các ý niệm về vũ trụ quan tộc người, liên quan tới các không gian cư trú đã được quy định trong nền văn hóa về các tầng thế giới.

Hình thức của nhà sàn cho thấy sự lựa chọn phù hợp và lí tính của con người trong việc đối phó với điều kiện tự nhiên và xã hội nơi họ cư trú. Việc xây cất loại nhà này có thể xuất phát từ mục đích ứng phó của con người với các địa bàn đất ở không thuận lợi cho việc dựng nhà trên mặt đất, hoặc nhằm tránh thú dữ, trông giữ gia súc hay để chống lại sự tấn công của kẻ thù. Nhiều nghiên cứu về nhà sàn ban đầu cho rằng, loại hình nhà này chỉ xuất hiện tại các vùng rừng núi, nhưng những nghiên cứu khảo cổ học cho biết, nhà sàn vốn là kiểu nhà ở của các miền đầm lầy, đồng bằng và vùng ven biển từ thời tiền và sơ sử. Nhiều khả năng, trong các đợt di trú, kiểu nhà này đã được cư dân sống vùng thấp mang lên các khu vực cao hơn.

Yêu cầu khi xây dựng[sửa]

Quá trình dựng nhà sàn luôn gắn với những lựa chọn kĩ lưỡng và sự bắt buộc tuân thủ các kiêng kị, bởi việc tạo lập một điểm cư trú cụ thể cho con người luôn được xem là tác động đến đất đai, phiền nhiễu đến thổ thần, có nguy cơ dẫn tới những sự xáo trộn trong đất, rừng, sông, suối. Một chuỗi những sự lựa chọn về nhiều phương diện được tiến hành: lựa chọn về nguyên vật liệu - chọn ngày - chọn đất - chọn hướng - chọn ngày chọn tuổi chủ nhà,… Quá trình chọn đất dựng nhà sàn, việc tìm kiếm thông tin về những điều lành dữ thông qua bói toán, nằm mộng hay điềm báo cũng luôn được xem trọng. Các loại bùa bảo vệ, phù trợ cũng thường được đặt để ở một số nơi quan trọng trong nhà.

Nhà sàn còn là không gian văn hóa nơi diễn ra mọi hoạt động sống và các hình thức tế lễ của con người, phản ánh các vấn đề về thiết chế và trật tự xã hội trong một cộng đồng. Ngôi nhà sàn được phân chia thành các khu vực chức năng cụ thể, kèm theo đó là các quy tắc và điều cấm kỵ về mặt tâm linh, phân ranh giới và phạm vi hoạt động của hai giới. Các thành viên trong một gia đình, một cộng đồng luôn phải tuân thủ các quy tắc văn hóa khi tiến hành các hoạt động liên quan tới các không gian này.

Hiện ở nhiều nơi, nhà sàn có những thay đổi đa dạng. Một ngôi nhà sàn có thể được dựng trong sự kết hợp của nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau, với những đồ nội thất, đồ dùng vật dụng hiện đại. Khu vực bếp và khu vệ sinh khép kín có thể được làm nối dài bên phía đầu hồi. Có những gia đình chia sẻ một phần không gian của nhà sàn, thậm chí dựng riêng nhà sàn để phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch. Những thay đổi về kiến trúc, nội thất và mục đích sử dụng này kéo theo sự thay đổi về không gian, phạm vi sinh hoạt của con người, và trong nhiều trường hợp, nới lỏng các quy định về ranh giới được phép và cấm kỵ trong ngôi nhà sàn. Tuy nhiên, những đổi thay hay mở rộng này đều được tiến hành cẩn trọng, với mục đích đảm bảo các yêu cầu cơ bản của con người về một không gian cư trú an toàn và thịnh vượng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vương Trung, Nhà sàn cổ người Thái Việt Nam, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2018.
  2. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
  3. Nguyễn Văn Huyên, Sinh hoạt của người Việt: cư trú - kiến trúc - hát đối, Nxb Nhã Nam & Hội nhà văn, Hà Nội, 2020.