Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nguyễn Văn Huyên
Phiên bản vào lúc 13:54, ngày 17 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “thumb|Nguyễn Văn Huyên(1908-1975)|alt=Ong Huyen.jpg{{sơ}}'''Nguyễn Văn Huyên''' là một Giáo sư, tiến sĩ, nhà sử…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Ong Huyen.jpg
Nguyễn Văn Huyên(1908-1975)

Nguyễn Văn Huyên là một Giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) trong thời gian gần 29 năm.

Tiểu sử[sửa]

Ông sinh ngày 16/11/1908 tại làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Đan Phượng (cũ), phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội).

Năm 1926, ông được gia đình gửi sang Pháp học tập. Tháng 7/1927, ông đỗ Tú tài phần I, đến tháng 7/1928 đỗ Tú tài phần II. Tháng 7/1929, ông đỗ Cử nhân Văn khoa và tháng 7/1931, đỗ Cử nhân Luật học tại Đại học Sorbonne.

Ngày 17/2/1934, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Luận án chính là “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” và luận án phụ là “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á”. Chủ tịch hội đồng chấm luận án, giáo sư Vendryès, coi đó là “một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Sorbonne”.

Cuối 1935, ông về nước và dạy học ở Trường Bưởi (nay là Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội).

Năm 1937, ông chuyển sang làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ. Năm 1938, ông tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông giữ chức vụ Tổng Giám đốc Đại học vụ.

Ngày 3.11.1946, tại kỳ họp Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa I, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ông giữ chức vụ này từ năm 1946 cho tới khi ông qua đời vào ngày 19/10/1975 tại Hà Nội. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa II, III, IV, V, VII; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Nhà nước; Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam....

Đóng góp[sửa]

Ông có những đóng góp quan trọng và quyết định trong xây dựng nền giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôn chỉ và tâm huyết của ông trong sự nghiệp xây dựng nền giáo dục được thể hiện qua bài diễn văn nổi tiếng đọc trong lễ khai giảng năm học đầu tiên của Đại học quốc gia Việt Nam ngày 15 tháng 11 năm 1945: “Trong buổi lễ hôm nay, anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn tỏ rõ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng của Việt Nam. Chúng tôi muốn nó làm một thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ, và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái bình dương này” . Sau buổi lễ khai giảng long trọng đó, Nguyễn Văn Huyên còn được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, trong đó có việc tham dự 2 hội nghị quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước: Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau. Ngoài ra, ông được giới chuyên môn ở Việt Nam đánh giá là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nghiên cứu văn hoá, văn minh Việt Nam. Các nghiên cứu của ông góp phần khẳng định người Việt Nam có tín ngưỡng của riêng mình, thể hiện qua việc thờ Thành Hoàng như Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử. Đánh giá về sự nghiệp hoạt động khoa học của ông, mà chủ yếu là trong lĩnh vực văn hoá dân gian, Giáo sư, nhà sử học Trần Quốc Vượng cho rằng: “Ông là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại đầu tiên ở nửa đầu thế kỷ XX này... “Lớn, vì ông để lại - chỉ trong khoảng mươi, mười lăm năm hành nghề khoa học - một khối lượng công trình bao quát nhiều lĩnh vực Sử học, Dân tộc học, Folklore học... Chỉ riêng trong lĩnh vực Folklore, “điểm nhìn” (Le Point) của ông soi rọi từ các nhà sàn truyền thống đến lịch sử một làng, từ họ hàng kiểu Việt đến một vị thành hoàng, từ một phường hát múa Ải Lao - Tùng Choặc trong lễ hội Gióng đến những làn điệu dân ca ví đối gái trai, từ tín ngưỡng Thần nước đến Đạo thần tiên, từ mẫu Liễu đến Đạo nội dân gian”... “Giới nghiên cứu trẻ/già hôm nay còn được học và phải học ở ông nhiều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn, vừa cụ thể vừa tổng thể” .

Một số công trình, bài nghiên cứu nổi tiếng về văn hoá, chủ yếu là văn hoá Việt Nam, trong đó đáng chú ý là: Les Chants Alternés des Garçons et des Filles en Annam [Hát đối đáp của thanh niên nam nữ Việt Nam, Luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, Paris] (1934); Introduction à l’Étude de l’Habitation sur Pilotis dans l’Asie du Sud-Est [Nhập môn nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á, Luận án phụ tại Đại học Sorbonne, Paris] (1934); Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam (1944); Văn minh Việt Nam (1944); Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (2 tập) (1995); Toàn tập Nguyễn Văn Huyên (2000)…

Trong số các công trình nghiên cứu của ông, phải kể đến hai bản luận án (luận án chính Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam và luận án phụ Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông - Nam Á). Hai bản luận án này được Nhà xuất bản Paul Geuthner in thành sách và nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của các tạp chí nhân văn ở Pháp, Đức, Hà Lan...

Nhận xét về công trình nghiên cứu của ông, thi hào và là nhà toán học Pháp nổi tiếng Paul Valéry đánh giá rất cao: “Tôi thấy trong cuốn sách của ông những thí dụ hình thành thơ ca ở trạng thái nảy sinh. Tôi tìm thấy ở đấy trạng thái bài hát và sáng tác bằng bái hát và bằng nhịp điệu, và tôi nghĩ đến Ronsard đã làm thơ bằng cách dựa vào một cây đàn luth. Tôi cũng nhớ đến bản thân mình đã từng làm nhiều bài thơ xuất phát từ hình tượng nhịp điệu chợt đến và ám ảnh tôi, những hình tượng đó xác định dần dần những “từ” và cuối cùng một “ý”.

Tất cả những gì Nguyễn Văn Huyên nói về đối xứng, cân bằng, những nhóm gây cho tôi hứng thú đến cao độ (nhưng tôi không hiểu tiếng Việt cho nên chỉ có thể thu hoạch được một cách nông cạn từ các phân tích của ông).

Nhờ những gì ông viết về các nhà thơ Việt Nam, tôi lấy làm vui lòng được đọc những gì mà tôi tin là đúng đối với mọi thơ ca, nhưng ở đất nước chúng tôi lại rất ít biết đến hoặc hiểu thấu”.

Trên tờ tạp chí Anthropos (tập 30, số 5-6, 1935), Giáo sư Christoph Furer-Haimendorf dành nhiều dòng để tóm tắt công trình của Nguyễn Văn Huyên, rồi đưa ra nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa những lễ hội được tổ chức theo mùa, có hát đối và tỏ tình thuộc về những nền văn minh nông nghiệp ở Đông Dương và Hoa Nam (...). Xét về toàn bộ tính chất của chúng thì các lễ hội đó là sự tự do phóng khoáng cho cả hai bên, tức là cả người con gái trong việc lựa chọn người chồng. Vì vậy, xét cho cùng, chúng có nguồn gốc trong các nền văn minh mang sắc thái mẫu hệ.”

Trên tờ Orientalische Literature Zeitung (Tạp chí Văn học phương Đông) số 11, 1935, H. Jensen viết: “Công trình mà tác giả của nó là một người Việt Nam đã từng làm giảng viên Trường Ngôn ngữ phương Đông ở Paris là một đóng góp rất có giá trị để hiểu biết về Việt Nam. Ý nghĩa của nó là ở trên hai lĩnh vực: Một mặt, nó cung chấp cho các nhà dân tộc học và fôn-clo học một chất liệu phong phú, có chú ý đến cả các chi tiết, để hiểu biết đời sống yêu đương, trước hết là tập quán tỏ tình và đính hôn của người Việt Nam. Mặt khác, nó chứa đựng nhiều điều đáng biết đối với nhà ngôn ngữ học…”. H. Jensen cho rằng công trình mang lại nhiều điều mới mẻ cho các nhà dân tộc học, folklore học và ngôn ngữ học.

Theo Giáo sư Hà Văn Tấn, người đánh giá cao nhất đối với công trình này là Jean Przyluski trong một bài viết trên tờ Journal de Psychologie normale et pathologique (Tạp chí Tâm lý học bình thường và bệnh lý) số 9-10, 1934. J. Przyluski nhận xét: “Ở phương Tây ngôn ngữ thông thường khác xa với thơ ca, ngôn ngữ đó đã trở thành một công cụ phân tích và ở một số người, nó hướng tới sự chặt chẽ, chính xác của những ký hiệu khoa học. Ở Việt Nam khoảng cách giữa câu thơ và lời nói không lớn đến như thế. Người Việt Nam nói ra và làm cho câu nói của mình có nhịp điệu, và trong mọi trường hợp, người ấy lắp ráp các từ của mình thành những nhóm đối xứng có thể không cần sửa đổi mà trở thành những yếu tố của câu thơ (…). Sau khi nhận ra rằng câu thơ Việt là do những nhóm từ đối xứng hợp thành, ông Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu kết cấu của những nhóm đối xứng ấy và cách lắp ráp chúng như thế nào.”

Đánh giá về tài năng, con người và các công trình nghiên cứu của ông, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Georges Coedès đã nhận xét: “Cùng với sự đào tạo đại học vững chắc mà ông đã nhận được ở Pháp tại Khoa Văn và Khoa Luật của Đại học Paris, ông Nguyễn Văn Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh, có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà những nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện nổi. Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần, xã hội của dân quê Việt Nam”.

Có một điều cần ghi nhận đó là thế hệ các nhà khoa học được đào tạo thời Pháp thuộc về khoa học xã hội và nhân văn, thì Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là một trong những người hiếm hoi có một cách nhìn các hiện tượng văn hoá theo một chỉnh thể nguyên hợp của nó, luôn đặt các hiện tượng văn hoá trong bối cảnh mà nó đang tồn tại. Điều mà đối với các nhà nhân học phương Tây đã thực hiện khá phổ biến ở các nước đó thì ở Việt Nam mãi cho đến cuối thế kỷ 20 mới được tiếp thu một cách bài bản. Do đó những nghiên cứu của ông rất có giá trị và được các học giả trong và ngoài nước đánh giá cao, có tính học thuật và tính thời sự cho đến ngày hôm nay.

Tặng thưởng và tôn vinh[sửa]

Với những cống hiến của mình, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về khoa học xã hội và nhân văn; Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tên của ông được đặt cho một phố chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội. Ngoài ra, tên của ông còn được đặt tên cho một trường Trung học cơ sở ở quê hương ông (huyện Hoài Đức - Hà Nội) trên địa bàn xã Sơn Đồng; và một trường Trung học phổ thông ở tỉnh Tuyên Quang. Gia đình ông cũng đã thành lập Trường Nguyễn Văn Huyên ở quận Đống Đa (Hà Nội) và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội).

Có thể nói Nguyễn Văn Huyên là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo bài bản từ nền khoa học phương Tây. Ông đã biết sử dụng những lý luận và phương pháp nghiên cứu hiện đại học được đem về áp dụng vào việc nghiên cứu văn hoá Việt Nam một cách thành công nhất. Bằng cách đó làm nổi bật giá trị văn hoá của các dân tộc trên đất nước và đưa văn hoá Việt Nam sánh vai cùng các nền văn hoá trên toàn thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc - Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, 2000, tr.945.
  2. Nguyễn Văn Huyên - Nhà bác học cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà, trên web của Đại học Quốc gia, truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2021.