Mục từ này cần được bình duyệt
Nguyễn Hữu Chỉnh

Nguyễn Hữu Chỉnh (1928-1991) nhà báo, nhà hoạt động chính trị, sinh ngày 08 tháng 02 năm 1928 tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình thuộc tầng lớp nghèo. Bố ông xuất thân là người làm thuê trong một xưởng giặt, mẹ ông là người buôn bán nhỏ. Mặc dù hoàn cảnh gia đình không dư giật nhưng bố mẹ ông cũng cố gắng tạo điều kiện cho ông được học hành. Tháng 9 năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia Đoàn học sinh cứu quốc, được cử làm Phó Ban chấp hành Liên đoàn Học sinh thành phố Huế.

Trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Hữu Chỉnh (NHC) hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền, địch vận, được tham gia một số khóa học về văn hóa, chính trị. Từ năm 1950 đến 1954, ông làm thư ký cho đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ tháng 6 năm 1959 đến tháng 9 năm 1962, ông được cử đi học tại Trưởng Đảng cao cấp Liên Xô, sau đó về công tác tại báo Nhân dân cho đến khi qua đời.

Ở báo Nhân dân, NHC làm việc tại Ban Quốc tế. Từ năm 1973, ông là Trưởng ban Mỹ và Kinh tế thế giới. Năm 1978, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân dân. Trong thời gian làm việc ở báo Nhân dân, ông nhiều lần được cử đi công tác tác biệt phái: hai lần làm chuyên viên Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (từ năm 1968 đến 1970 và từ năm 1972 đến 1973); năm 1975 là chuyên viên trong cơ quan lãnh đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh; năm 1979 là chuyên viên trong cơ quan lãnh đạo Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. NHC được bầu làm đại biểu Quốc hội và làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa VII. Năm 1984, sau lần đi công tác trong đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu tham Cộng hòa Pháp trở về, NHC bị tai biến mạch máu não. Sau bảy năm đấu tranh với bệnh tật, ngày 14.05.1991, NHC mất tại Bệnh viện Việt - Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị), thọ sáu mươi ba tuổi. Ông đã được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

Trong cuộc đời làm báo của mình, NHC đã viết gần năm trăm bài báo đăng tải trên báo Nhân dân, trong đó gần bốn trăm bài thuộc hai thể loại bình luận và xã luận. Hầu như tất cả các bài bình luận, xã luận của ông đều viết về đề tài quốc tế. Do điều kiện công tác và khả năng ngoại ngữ, NHC may mắn luôn có mặt ở những điểm nóng thời sự, hoặc trực tiếp tham gia vào các sự kiện lịch sử lớn và quan trọng của dân tộc, của đất nước. Điều ấy cho phép ông hiểu biết sâu về mỗi sự kiện, mở rộng tầm nhìn, nắm bắt kịp thời xu thế vận động của thời cuộc. Là một cây bút có lối tư duy sắc sảo, với sự trải nghiệm thực tiễn phong phú, sự am hiểu sâu sắc về kinh tế, chính trị quốc tế, phong cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo, NHC được mệnh danh là “Người bình luận” của báo Nhân dân.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nhiều tác giả: Nhớ một thời làm báo Nhân dân (hồi ký), Nxb CTQG, HN, 1996.
  2. Nhiều tác giả: Sơ thảo lịch sử 60 năm báo Nhân dân (1951-2011), Nxb CTQG, HN, 2011.
  3. Đinh Thế Huynh chỉ đạo biên soạn: Những người làm báo Nhân dân 1952-2016, (tái bản có điều chỉnh, bổ sung), Nxb CTQG, HN, 2016.
  4. Thép Mới: Một cây bút, một con người, báo Nhân dân, ngày 21.5.1991.