Mục từ này cần được bình duyệt
Nguyễn An Ninh

Nguyễn An Ninh (1900-1943)nhà báo, nhà cách mạng, sinh ngày 15 tháng 9 năm 1900 tại làngLong Thượng, tổng Phước Điền Thượng, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Cha ông là Nguyễn An Khương, một nhà nho đã tham gia các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân. Mẹ ông là Trương Thị Ngự, người đã giúp đỡ phương tiện và tiền bạc cho những thanh niên xuất dương trong phong trào Đông Du. Từ nhỏ Nguyễn An Ninh (NAN) sống ở quê. Năm mười tuổi, ông học tiểu học tại Trường Dòng taberd và học trung học tại Trường Chasseloup Laubat. Do tốt nghiệp trung học loại ưu, ông được tuyển thẳng vào Trường cao đẳng Luật Hà Nội khi mới mười sáu tuổi. Giữa năm 1918, ông trốn sang Pháp, thi vào học ngành luật tại Trường Đại Sorbonne, Paris. Trong thời gian ở Paris, ông có dịp làm quen với những nhà cách mạng Việt Nam nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, tiếp xúc và kết thân với một số nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng người Pháp, trong số đó có Paul Vaillant Couturier một thành viên ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, NAN ra nhập tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa và tích cực tham gia biên tập cho báo Le Paria cùng Nguyễn Ái Quốc. Tháng 10 năm 1922, ông về nước, kết thúc lần thứ nhất đến Pháp và sau đó, ông còn trở lại nước Pháp ba lần nữa, trong đó lần thứ hai từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1923, lần thứ ba từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1925, lần thứ tư từ cuối năm 1927 đến cuối tháng 01 năm 1928.

Tháng 4 năm 1925, NAN cho xuất bản tại Pháp cuốn sách “Nước Pháp ở Đông Dương” (La France en Indochine), trong đó tố cáo, lên án chế độ cai trị bóp ngẹt tự do, chà đạp con người của thực dân Pháp ở xứ Đông Dương. Toàn văn tác phẩm “Nước Pháp ở Đông Dương” được nhà văn Romain Rolland cho đăng trên tạp chí Europe. Ngày 10 tháng 12 năm 1923, ông xuất bản từ báo La Cloche Fêlée (Chuông rè) tại Sài Gòn.

Ông đã bị thực dân Pháp bắt bỏ tù năm lần. Lần thứ nhất, ngày 24.3.1926, ông bị Nhà cầm quyền kết án mười tám tháng tù nhưng chỉ bị giam mười tháng thì được “ân xá”. Lần thứ hai, ông bị ngồi tù ba năm (từ cuối năm 1928 đến 10.1931) với vụ án “Hội kín Nguyễn An Ninh”. Lần thứ ba, tháng 4 đến tháng 11.1936, ông bị bắt giam vì tội “phá rối trị an”. Lần thứ tư, ông bị giam giữ từ tháng 7.1937 đến tháng 01.1939. Lần thứ năm, ông bị bắt ngày 5.10-1939 và kết án năm năm tù, đày đi Côn Đảo. Ngày 14.8.1943, ông mất trong tù khi mới bốn mươi ba tuổi.

Hoạt động báo chí của NAN gắn liền với tên tuổi tờ báo La Cloche Fêléedo ông sáng lập, ra số đầu tiên ngày 10 tháng 12 năm 1923. Sau bảy tháng hoạt động, ra được mười chín số, La Cloche Fêléetạm thời đình bản do sự đàn áp, chống phá quyết liệt của chính quyền thực dân và cũng là do tiền nong khó khăn, sức khỏe của ông có vấn đề. Cuối tháng 6 năm 1925, NAN cho quyết định xuất bản lại báo La Cloche Fêléevà mời Phan Văn Trường đứng tên Chủ nhiệm báo do có quốc tịch Pháp. Ngày 26 tháng 6 năm 1925, báo La Cloche Fêlée tái bản ra số 20. Từ số 63 ra ngày 06 tháng 6 năm 1926, báo đổi tên thành L’Annam. Sau số 182 ra ngày 02 tháng 02 năm 1928, báo kết thúc hoạt động.

La Cloche Fêlée tuyên bố là cơ quan ngôn luận theo tinh thần Tự do, Bình đẳng, Bác ái, mong muốn làm “tiếng chuông thức tỉnh” đồng bào. Ngay từ số đầu tiên, trong bài “Tiếng chuông đầu”, NAN đã vạch trần cái gọi là “sự giúp đỡ của nước Pháp” sau năm mươi năm đô hộ Việt Nam với tính cảnh đói rách, lầm than cơ cơ cực của người dân khắp ba miền. Ông công khai mục đích của báo nhằm “Giúp dân tộc An Nam thoát ra khỏi sự vô trật tự hiện nay do nước Pháp mang lại, để dân tộc ấy có thể hoàn tất được cái vận mạng đã vạch sẵn cho mình” (Nguyễn An Ninh: Tiếng chuông đầu, La Cloche Fêlée, số 8, ngày 28.01.1924, trích theo “Nguyễn An Ninh Tác phẩm, Nxb Văn học, 2009, tr. 214). Ông là người đặc biệt khi gọi toàn quyền Pháp ở Đông Dương là “thằng”: “ThằngPasquier bực mình, rất bực mình, về tờ Chuông rè... Tội nghiệp thằng Pasquier! Ngài muốn cái chuông chỉ lo săn sóc riêng cho ông bạn Cognacq của ngài ở Nam Kỳ mà thôi. Để tiện việc cho ngài, thằng Pasquier.” (Nguyễn An Ninh: La Cloche Fêlée, số 32, ngày 04 tháng 01 năm 1926, trích theo “Nguyễn An Ninh Tác phẩm, Nxb Văn học, 2009, tr. 457).

Ông viết bài ca tụng cuộc sống tốt đẹp trên đất nước Nga Xô viết, đăng lại các bài trên báo L’ Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp. La Cloche Fêlée của ông cũng là tờ báo công khai đầu tiên và duy nhất thời đó dám đăng toàn văn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của K. Marx và Ph. Engels. Trong bài giới thiệu tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, ông viết: “Thời gian gần đây ở xứ An Nam người ta nói nhiều về chủ nghĩa cộng sản, nhưng ở đây, cũng như ở khắp mọi nơi khác, có nhiều người nói về chủ nghĩa cộng sản mà không biết chữ thứ nhất của chủ nghĩa ấy là gì. Trong điều kiện đó, chúng tôi nhận thấy thật hữu ích nếu đem in lại cho độc giả của chúng tôi bản Tuyên ngôn Cộng sản nổi tiếng của hai ông Karl Marx và Phriđrich Engels, hầu giúp độc giả nào chưa bao giờ được dịp nghiên cứu có được một cái nhìn chung đúng đắn về chủ thuyết xã hội đó” (Nguyễn An Ninh: La Cloche Fêlée, số 53, ngày 29.3.1926, trích theo “Nguyễn An Ninh Tác phẩm, Nxb Văn học, 2009, tr. 457).

Chính quyền thực dân tìm mọi cách ngăn cản, gây khó khăn cho việc xuất bản, theo dõi khủng bố những người tham gia vận chuyển, phát hành tờ báo. Ông thu vén gia sản bán lấy tiền mua máy, lập xưởng in riêng, rồi vừa viết báo, thu thập tin tức, chuẩn bị bài vở, vừa phụ sắp chữ với thợ, sửa bản in thử, làm các công việc phụ trong xưởng in. Báo in xong, ông để đầu trần, tóc xõa, mặc áo bà ba, đi guốc gỗ, ôm báo đi rao bán trên đường phố Sài Gòn.

Ngoài La Cloche Fêlée, L’Annam, ông còn viết cho báo Le Paria (xuất bản tại Pháp); các báo La Lutte, L’Avant Garde, Donnai, Đông Pháp thời báo, Tranh đấu, Thần chung, Công luận, Đuốc nhà Nam, Trung lập, v.v..(xuất bản trong nước). Theo thống kê chưa đầy đủ, ông viết hàng nghìn bài báo. Những bài báo của ông đã trực tiếp tố cáo và lên án chính quyền quyền thực dân xâm lược Pháp và hệ thống quan lại phong kiến với chính sách cai trị hà khắc, vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động, “vơ vét đến cạn kiệt” mọi nguồn của cải, đẩy người dân vào cảnh đói khổ, lầm than. Ông công khai truyền bá chủ nghĩa Mác, tuyên truyền những điều tốt đẹp của chế độ xô viết, rung tiếng chuông thức tỉnh “khối đông đảo quần chúng” bị bóc lột, những người dân “hiện đang âm ỉ nung nấu sự bất mãn và sự nổi giận của mình”, cổ vũ, thúc đẩy họ “mau tiến bước để đi đến sự giải phóng giống nòi”. Bất chấp sự đàn áp của bộ máy cảnh sát, mật thám, bất chấp tù đày và khủng bố, ông khẳng khái tuyên bố: “Đệ tam Quốc tế đã trở thành hiện thân của cả nền Công lý và của cái sức mạnh dẹp bỏ bất công, bảo vệ kẻ yếu và giải phóng những người bị áp bức”.

Nhận xét về ông, giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Con người giàu nhiệt huyết và năng động đó cũng rất lãng mạn, nhiều suy tư, thích làm thơ, sống lạc quan dù nhiều lần phải vào tù ra khám, lắm khi phải lặn lội nắng mưa ngủ đình ngủ chợ, tự bán báo, báu dầu cù là để đi vào quần chúng... Tự thân cuộc đời anh đã đẹp, không cần chúng ta phải tô điểm gì thêm. Một con người như vậy không dễ có đâu, bình dị nhưng vĩ đại lắm” (Trung tâm Nghiên cứu quốc học: Nguyễn An Ninh Tác phẩm, Nxb Văn học, 2009, tr. 19-20).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh 1900-2000, giai đoạn 1900-1945, phần 1… Nxb Văn hóa – Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 2015.
  2. Nguyễn Văn Trấn: Chúng tôi làm báo (hồi ký), Nxb Văn nghệ TpHCM, 1981.
  3. Lê Minh Quốc: Nguyễn An Ninh – Dấu ấn để lại, Nhà xuất bản Văn học, 1997.
  4. Tạ Ngọc Tấn: Nguyễn An Ninh - “chuông rè kêu khắp tây đông”, tạp chí Người làm báo, số 10 và số 11.2017.
  5. Trần Văn Giàu - Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập II - Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1974.
  6. Trung tâm nghiên cứu Quốc học: Nguyễn An Ninh Tác phẩm, Nxb Văn học, H. 2009.