Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ngô Xuân Lịch
Tập tin:Đại tướng Ngô Xuân Lịch.jpg
Đại tướng Ngô Xuân Lịch

Ngô Xuân Lịch (s. 1954), là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (2016-21); Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2011-16).

Ngô Xuân Lịch sinh ngày 20.4.1954, tại thôn Lương Xá, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (nay là thị xã Duy Tiên), tỉnh Hà Nam. Tháng 1.1972 nhập ngũ, trưởng thành từ chiến sĩ đến Tiểu đội phó thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 320; tham gia chiến đấu tại Quảng Trị. Ngày 4.8.1973 được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ tháng 8.1973 đến 10.1974, Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 14, Trung đoàn Pháo binh 55, Sư đoàn Bộ binh 341 (Sư đoàn Sông Lam), Quân khu 4. Từ tháng 11.1974 đến tháng 10.1978, Trung đội trưởng, Chính trị viên phó rồi Chính trị viên đại đội Tiểu đoàn 14, Trung đoàn Pháo binh 55, Sư đoàn Bộ binh 341. Đầu năm 1975 cùng đơn vị hành quân thần tốc vào chiến trường miền Đông Nam Bộ trong đội hình Quân đoàn 4, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; sau đó tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Từ tháng 11.1978 đến 3.1981, Ngô Xuân Lịch làm Trợ lý Tuyên huấn, Trợ lý Tổ chức Phòng Chính trị, Sư đoàn 341, Quân khu 4. Từ tháng 4.1981 đến tháng 8.1982, học viên Trường Quân chính Quân khu 4, Trường Văn hóa Quân đội. Từ tháng 9.1982 đến tháng 6.1985, học Lớp Đào tạo cán bộ chính trị trung cấp tại Học viện Chính trị - Quân sự (nay là Học viện Chính trị). Tháng 7.1985, được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 677, Sư đoàn 346, Quân khu 1. Từ tháng 9.1986 đến 1.1988, đảm nhiệm chức vụ Phó Trung đoàn trưởng về chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 677, Trung đoàn 779, Sư đoàn 346, Quân đoàn 26 và Trung đoàn 462, Sư đoàn 392, Quân khu 1; Đảng ủy viên Đảng ủy Quân sự tỉnh Cao Bằng; trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Cao Bằng và Lạng Sơn.Tháng 2.1988 được điều về làm Trợ lý Phòng Cơ sở Đảng, Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị. Tháng 3.1992, học tại Học viện Quân sự cao cấp. Từ tháng 9.1994 đến 5.1996 làm Phó Trưởng phòng, sau làm Trưởng phòng Công tác chính trị, Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị. Tháng 6.1996 được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Tổ chức; tháng 11.2000, Phó Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị.

Tháng 5.2003, Ngô Xuân Lịch được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Chính trị, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân khu 3. Tháng 12.2004 được giao chức vụ Phó Tư lệnh về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân khu 3. Tháng 4.2006 là Chính ủy Quân khu 3. Năm 2006 tham gia Lớp Nghiên cứu Cán bộ cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tháng 12.2007 được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2.2011 đến 3.2016 được giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương.

Từ tháng 4.2016 đến tháng 4.2021, Ngô Xuân Lịch được Quốc hội bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ Chính trị phân công giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Ngô Xuân Lịch đã cùng Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; Chủ động nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, xử lý kịp thời có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chính sách Quốc phòng của Việt Nam...; chỉ đạo xây dựng và trình Quốc hội ban hành: Luật Quốc phòng, Luật dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam... từng bước hoàn thiện đường lối, pháp luật về quân sự, quốc phòng; phát huy tốt vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ngô Xuân Lịch được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XII); Bí thư Trung ương Đảng khóa XI; Phó Bí thư Quân ủy Trung ương; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016-2021); Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa X-XII; Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV; được thăng quân hàm Thiếu tướng (2004),Trung tướng (2007), Thượng tướng(2011), Đại tướng (2015).

Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác, Ngô Xuân Lịch đã có nhiều bài nói, bài viết viết có giá trị tổng kết, định hướng về công tác đảng, công tác chính trị; về nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng trong tình hình mới, được Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân tổng hợp và xuất bản thành các cuốn: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong thời kì mới” (2014); “Xây dựng Đảng bộ Quân đội ngang tầm nhiệm vụ mới” (2016); “Xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (2019); “Bộ đội Cụ Hồ - Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (2021)… Ngô Xuân Lịch được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng; Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng (2018), được Nhà nước Cộng hòa Liên bang Nga tặng Huân chương Hữu nghị…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 11.8.2011, Tiểu sử đồng chí Ngô Xuân Lịch;
  2. Lý lịch Đại tướng Ngô Xuân Lịch (12.2015).
  3. Cục Cán bộ, Tóm tắt tiểu sử đồngchí Ngô Xuân Lịch tháng 5.2016;
  4. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Nam, Tướng lĩnh và Anh hùng Lực lượng vũ trang quê hương Hà Nam(1945-2015), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 61 - 63;
  5. Cổng thông tin điện tử của Quốc hội: Chân dung 13 người đứng đầu Bộ quốc phòng Việt Nam (ngày 4.5.2016)
  6. Trang thông tin điện tử Thư viện Quân đội:
  7. Báo Quân đội nhân dân ngày 15.12.2019: Hai cuốn sách quý về xây dựng quân đội.