Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ngân hàng trực tuyến

Ngân hàng trực tuyến (hay Ngân hàng Internet; Ngân hàng ,tiếng Anh Online Banking) là hệ thống thanh toán điện tử cho phép khách hàng của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác thực hiện một loạt các giao dịch tài chính thông qua trang Web của tổ chức tài chính.

Hoàn cảnh của ngân hàng trực tuyến[sửa]

Nó sẽ kết nối hoặc là một phần của hệ thống ngân hàng cốt lõi được điều hành bởi một ngân hàng và trái ngược với ngân hàng chi nhánh vốn là cách truyền thống mà khách hàng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Một số ngân hàng hoạt động như một ngân hàng trực tiếp, hay ngân hàng ảo trực tuyến, ở đó phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng Internet. Phần mềm ngân hàng Internet cung cấp các dịch vụ ngân hàng cá nhân và doanh nghiệp cung cấp các tính năng như (i) xem số dư tài khoản; (ii) nhận báo cáo; (iii) kiểm tra các giao dịch gần đây; (iv) chuyển tiền giữa các tài khoản và thanh toán.

Đặc trưng[sửa]

Các cơ sở ngân hàng trực tuyến thường có nhiều tính năng và khả năng chung, nhưng cũng có một số tính năng dành riêng cho ứng dụng. Các tính năng phổ biến rơi vào một số loại: (i) dịch vụ phi giao dịch: bao gồm xem số dư tài khoản, xem các giao dịch gần đây, tải xuống báo cáo ngân hàng với định dạng tùy chọn…; (ii) dịch vụ với các nhiệm vụ ngân hàng thông qua ngân hàng trực tuyến, bao gồm: chuyển tiền giữa các tài khoản được liên kết của khách hàng, thanh toán cho bên thứ ba, bao gồm thanh toán hóa đơn và chuyển khoản của bên thứ ba… (iii) quản trị tổ chức tài chính, quản lý nhiều người dùng có các cấp thẩm quyền khác nhau, quy trình phê duyệt giao dịch. Một số tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến đặc biệt, như trợ giúp quản lý tài chính cá nhân, chẳng hạn như nhập dữ liệu vào phần mềm kế toán cá nhân. Một số nền tảng ngân hàng trực tuyến hỗ trợ tổng hợp tài khoản để cho phép khách hàng giám sát tất cả các tài khoản của họ ở một nơi cho dù họ ở với ngân hàng chính của họ hoặc với các tổ chức khác.

Lịch sử ra đời[sửa]

Tiền thân của các dịch vụ ngân hàng tại nhà hiện đại là các dịch vụ ngân hàng từ xa trên các phương tiện điện tử từ đầu những năm 1980. Rồi có dịch vụ ngân hàng máy tính, vào năm 1980 tại United American Bank. Một số khía cạnh liên quan đến ngân hàng trực tuyến là (i) vai trò của Internet: cuối những năm 1990, nhiều ngân hàng bắt đầu xem ngân hàng dựa trên Web là một mệnh lệnh chiến lược; (ii) vai trò của WWW: Khoảng năm 1994, các ngân hàng đã thấy sự phổ biến ngày càng tăng của Internet là một cơ hội để quảng cáo dịch vụ của họ. Các trang Web ban đầu có hình ảnh của các nhân viên hoặc tòa nhà của ngân hàng và cung cấp cho khách hàng bản đồ của các chi nhánh và địa điểm ATM, số điện thoại để gọi thêm thông tin và danh sách các sản phẩm đơn giản; (iii) Ngân hàng tương tác trên Web: Năm 1995, Wells Fargo là ngân hàng đầu tiên của Hoa Kỳ bổ sung dịch vụ tài khoản vào trang Web của mình.

Dịch vụ cung cấp[sửa]

Các dịch vụ ngân hàng trực tuyến cung cấp:

  • Xem biểu phí, lãi suất, tỉ giá;
  • Tra cứu số dư tài khoản và thông tin chi tiết các giao dịch liên quan;
  • Truy vấn thông tin của các loại thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ;
  • In các sao kê tài khoản theo thời gian;
  • Chuyển khoản từ tài khoản cá nhân sang tài khoản cá nhân, tài khoản tổ chức kinh tế xã hội,... để thanh toán tiền mua hàng hóa, tiền lãi, gốc vay, tiền đầu tư chứng khoán, đóng bảo hiểm, phí dịch vụ, các nội dung thanh toán khác;
  • Chuyển tiền thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trả sau như điện, nước, viễn thông, hàng không, du lịch, bảo hiểm,...;
  • Chuyển tiền vào tài khoản để mua bán trực tuyến trên các Website thương mại điện tử;
  • Phát hành chi phiếu điện tử;
  • Một số ngân hàng còn chấp nhận thủ tục cấp chứng thư bảo lãnh cho các giao dịch mua bán trả chậm hay trả sau.

Vai trò[sửa]

Toàn cầu[sửa]

Ngân hàng điện tử được hình thành đã có tác động thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, ngược lại cũng có thể nói rằng thương mại điện tử là một động lực thúc đẩy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của dịch vụ ngân hàng điện tử. Muốn sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, trước tiên phải mở tài khoản tại một ngân hàng có cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến, tiếp đó làm các thủ tục đăng kí với ngân hàng theo qui định của từng ngân hàng.

Tại Việt Nam[sửa]

Các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng trực tuyến đang ngày trở nên phổ biến và phát triển mạnh tại Việt Nam. Khách hàng được hưởng lợi từ những tiện ích của công nghệ mới, đồng thời đây cũng là cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng cho các ngân hàng. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, được phân phối đến khách hàng một cách nhanh chóng, trực tuyến, liên tục 24 giờ / ngày và 7 ngày/ tuần. Những dịch vụ này không phụ thuộc vào không gian và thời gian, thông qua kênh phân phối điện tử Internet và các thiết bị truy cập đầu cuối khác như máy tính, máy ATM, POS, điện thoại để bàn, điện thoại di động… Ngoài ra, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, chưa kể, những thao tác giao dịch qua ngân hàng trực tuyến khá đơn giản, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian của khách hàng lẫn ngân hàng, là những cơ sở đảm bảo cho tiềm năng phát triển ngân hàng trực tuyến tại Việt Nam.

Vai trò của công nghệ đối với ngân hàng trực tuyến[sửa]

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, yếu tố công nghệ được các nhà băng đặt lên hàng đầu để tạo nên sự khác biệt và gia tăng cao nhất những tiện ích cho khách hàng của mình. Xây dựng nền tảng công nghệ hiện đại làm cơ sở phát triển các dịch vụ ngân hàng tiên tiến như ngân hàng trực tuyến là một chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại quốc tế trong khu vực và trên thế giới có tiềm lực về vốn mạnh và uy tín cao thì thông thường lợi nhuận thu được từ các hoạt động dịch vụ của các ngân hàng này chiếm khoảng 40%-50% trong tổng thu nhập. Các ngân hàng Việt Nam trong chiến lược tái cấu trúc hoạt động, tất yếu sẽ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực dịch vụ để theo kịp xu hướng này.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Britannica, Britannica Concise Encyclopedia, Ed. Encyclopedia Britannica, 2006.
  2. Noor Zaman et als., Online Banking Transaction System, Project: WiMAX 60 GHz, 2008.
  3. Cronin, Mary J. Banking and Finance on the Internet, John Wiley and Sons. ISBN 0-471-29219-2, 1997.