Mục từ này cần được bình duyệt
Nội soi phế quản
Phiên bản vào lúc 17:18, ngày 8 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Định nghĩa

Nội sôi phế quản là một thủ thuật sử dụng ống nội soi đưa vào trong đường thở qua mũi hoặc miệng để quan sát được cây khí-phế quản. Nội soi phế quản cũng được sử dụng để lấy các dị vật, chất tiết từ phế quản, phổi và tiến hành sinh thiết mô.

Mục đích

Để thăm khám trực quan đường thở dưới gồm thanh quản, khí quản, phế quản và tiểu phế quản. Nội soi phế quản giúp quan sát các bất thường ở bề mặt đường thở trong nhiều bệnh khác nhau thuộc cơ quan hô hấp. Sử dụng nội soi phế quản có thể để chẩn đoán hoặc để điều trị các trường hợp sau:

• Các bệnh phổi như ung thư hoặc lao phổi.

• Dị dạng bẩm sinh của phổi.

• Nghi ngờ khối u, tắc nghẽn, dịch tiết, chảy máu hoặc dị vật trong đường thở.

• Các bất thường đường thở như hẹp khí quản.

• Ho kéo dài hoặc ho ra máu.

• Lấy bỏ các dị vật đường thở.

• Lấy bỏ các dịch tiết dư thừa.

• Lấy bỏ khối u trong lòng đường thở.

• Điều trị hẹp đường thở bằng cách sử dụng bóng giãn hoặc đặt giá đỡ.

Nội soi phế quản cũng được sử dụng để lấy các bệnh phẩm như đờm, mẫu mô từ phế quản hoặc tiểu phế quản, các tế bào thu gom từ việc rửa bề mặt phế quản hoặc tiểu phế quản.

Dụng cụ được dùng trong nội soi phế quản là ống nội soi, gồm hai loại ống cứng và ống mềm sử dụng sợi quang. Ống cứng không thể uốn và không thể quan sát sâu trong phổi như ống mềm và có nhiều nguy cơ gây tổn thương các mô cận kề. Tuy nhiên, ống cứng phát huy tác dụng trong việc lấy các mẫu bệnh phẩm lớn và loại bỏ các dị vật ra khỏi đường thở. Trong suốt quá trình thủ thuật, đường thở không bị tắc nghẽn do oxy có thể được cung cấp thông qua ống nội soi.

Mô tả

Nội soi phế quản thường thực hiện trong phòng nội soi, nhưng có thể thực hiện tại giường bệnh. Bệnh nhân ở tư thế nằm hoặc ngồi thẳng lưng. Chuyên gia sẽ xịt thuốc tê vào miệng và họng người bệnh nếu nội soi qua đường miệng và gây tê một bên mũi nếu soi qua đường mũi. Chuyên gia sẽ quan sát khí quản, phế quản, niêm mạc đường thở để phát hiện các bất thường. Nếu cần lấy bệnh phẩm, chuyên gia có thể thực hiện rửa phế quản bằng bơm dung dịch nước muối vào vùng đó để lấy các tế bào làm xét nghiệm. Qua nội soi phế quản, chuyên gia cũng có thể dùng bàn chải rất nhỏ, kim hoăc kẹp để lấy mẫu mô từ đường thở. Để điều trị, có thể dùng laser, đốt điện, điều trị lạnh, đặt bóng giãn hoặc đặt giá đỡ qua nội soi.

Chuẩn bị

Bệnh nhân nên nhịn đói 6-12h trước khi thực hiện thủ thuật. Nội soi phế quản thường kéo dài 45-60 phút. Trước khi nội soi phế quản, bệnh nhân cần chụp X-quang ngực và xét nghiệm máu. Nội soi phế quản thường sử dụng gây tê tại chỗ, thuốc tê được xịt vào mũi hoặc miệng người bệnh, đôi khi nội soi phế quản được tiến hành dưới gây mê theo đường tĩnh mạch. Việc thử phản ứng với thuốc tê/mê cũng cần được thực hiện.

Chăm sóc sau thủ thuật

Sau khi nội soi phế quản, bệnh nhân cần được theo dõi các chỉ số nhịp tim, huyết áp, và hô hấp. Đôi khi, bệnh nhân có phản ứng bất thường với thuốc tê. Tất cả đờm của bệnh nhân cần được gom lại để phát hiện vết máu. Nếu có sinh thiết, bệnh nhân cần tránh ho hoặc tránh làm sạch vùng họng vì có thể làm bong cục máu đông gây chảy máu. Không nên ăn uống sau 2 giờ làm thủ thuật hoặc trước khi thuốc tê hết tác dụng đề phòng nghẹt thở. Trước khi bệnh nhân ăn thức ăn đặc thì nên được dùng trước các đồ lỏng. Họng của bệnh nhân có thể bị kích thích trong vài ngày.

Cẩn trọng và báo bác sĩ nếu có các triệu chứng sau đây: ho ra máu. khó thở, thở rít hoặc bất kỳ các bất thường nào về hô hấp. đau ngực. sốt kèm theo hoặc không kèm theo các biểu hiện hô hấp.

Nguy cơ

Nội soi phế quản có thể kích thích nhẹ niêm mạc đường thở gây viêm, phù nề cũng như khàn tiếng. Nếu trầm trọng có thể gây ra khó thở hoặc chảy máu đường thở.

Nội soi phế quản cũng có thể gây ra rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim hoặc giảm oxy trong máu, tràn khí khoang màng phổi, gẫy răng. Các nguy cơ này xuất hiện nhiều hơn nếu sử dụng nội soi phế quản bằng ống cứng. Có nguy cơ lan truyền bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác sau nội soi nếu ống nội soi không được xử lý đúng cách.

Giải thích kết quả

Kết quả bình thường khi khí quản có các cơ trơn với vòng sụn hình chữ C cách nhau đều đặn. Không có bất thường cả ở khí quản và phế quản.

Nội soi phế quản cũng có thể giúp khẳng định chẩn đoán nghi ngờ gồm: sưng, loét hoặc biến dạng thành đường thở như viêm chít hẹp hoặc chèn ép khí quản, khối u hoặc dị vật. Nội soi cũng có thể thấy được các chất lạ trong đường thở. Nếu lấy được mẫu bệnh phẩm, kết quả có thể là ung thư, tác nhân gây bệnh, hoặc các bệnh phổi khác.

Kết quả nội soi có thể thấy sự co thắt, hẹp đường thở, chèn ép, giãn các mạch máu hoặc bất thường các nhánh phế quản, các chất bất thường khác như máu, dịch xuất tiết, cục nhầy.

Các phương pháp thay thế

Tùy thuộc vào mục đích của nội soi phế quản, các phương pháp thay thế khác có thể là chụp X-quang ngực hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Nếu mục đích là để lấy mảnh sinh thiết, có thể lựa chọn phẫu thuật, hoặc sinh thiết qua da dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1-Cummings, C. W., et al. Otolayrngology: Head and Neck Surgery. 4th ed. St. Louis: Mosby, 2005.

2-Khatri, V. P., and J. A. Asensio. Operative Surgery Manual. Philadelphia: Saunders, 2003.

3-Koppen, W., J. F. Turner, and A. C. Mehta, eds. Flexible Bronchoscopy. 2nd ed. Oxford: Blackwell, 2004.

4-Mason, Robert J., and V. Courtney Broaddus, eds. Murray & Nadel’s Textbook of Respiratory Medicine. 5th ed. Philadelphia: Saunders, 2010.

5-‘‘Bronchoscopy.’’ MedlinePlus. http://www.nlm.nih.gov/ medlineplus/ency/article/003857. htm (accessed March 8, 2008).

6‘‘Public Health Advisory: Infections from Endoscopes Inadequately Reprocessed by an Automated Endoscope Reprocessing System.’’ U. S. Food and Drug Administration, Center for Devices and Radiological Health. http://www. fda.gov/cdrh/safety/endorepro cess.html (accessed March 8, 2008).

7-American College of Chest Physicians, 3300 Dundee Road, Northbrook, IL, 60062, (800) 343-2227, http://www. chestnet.org/accp.