Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp bền vững là một hệ thống có liên quan và tác động tới quá trình sản xuất lương thực thực phẩm, nuôi trồng làm cân bằng tính ổn định của môi trường, tính phù hợp xã hội, và tính khả thi về kinh tế giữa các nhân tố, cả về chiều rộng lẫn chiều dài (tức là nhiều đối tượng cùng tham gia và nhiều thế hệ cùng tham gia). Rộng hơn nữa, hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững là khi chúng ta duy trì được nền tảng tài nguyên thiên nhiên; trong đó, phụ thuộc rất ít vào những sản phẩm nhân tạo đưa từ bên ngoài hệ sinh thái vào, quản lý dịch bệnh và sâu hại thông qua những cơ chế điều tiết nội bộ và hệ sinh thái đó cần được hồi phục sau những xáo trộn, thậm chí tổn thương, gây ra bởi quá trình canh tác và thu hoạch. Nói một cách đơn giản, nông nghiệp bền vững là một chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm, cây trồng, vật nuôi trong đó người sản xuất sử dụng những kỹ thuật nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, đồng thời đối xử tốt với vật nuôi. Nông nghiệp bền vững giúp chúng ta có nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe mà không làm ảnh hưởng xấu đến những thế hệ sau này. Điều cốt lõi làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường. Đồng thời cũng thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Bởi vì nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, khi mà có tới hơn 40% dân số thế giới làm việc trong ngành này, việc đảm bảo phát triển bền vững và an ninh lương thực luôn là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia.

Nông nghiệp bền vững rất chú trọng tới tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái cũng như những cách thức thực hành trên khu vực canh tác. Nông nghiệp bền vững đề cao tính tuần hoàn trong một khu vực canh tác, hạn chế sử dụng những yếu tố đầu vào từ bên ngoài, quản lý việc sử dụng những yếu tố tự nhiên, sẵn có và có tính bổ trợ lẫn nhau từ đó khôi phục, duy trì và thúc đẩy tính hài hòa của thiên nhiên. Để đạt được các mục tiêu đó, những người nông dân bền vững thực hành những phương pháp như sau:

  • luân canh cây trồng
  • trồng cây che phủ đất
  • tạo dinh dưỡng cho đất
  • quản lý sâu hại bằng các phương pháp sinh học
  • sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong phát triển nông nghiệp bền vững
  • quản lý giống và nguồn nước; chú trọng tính địa phương
  • ghi chép và lưu trữ dữ liệu để giúp cho việc theo dõi, điều chỉnh và quản lý được thực hiện dễ dàng
  • phát triển nông nghiệp bền vững là sự hợp tác và kết nối của cả cộng đồng.

Thách thức cơ bản đối với nông nghiệp bền vững là sử dụng cân bằng các nguồn lực và nguồn nguyên liệu sinh học sẵn có trong tự nhiên cụ thể như sâu bệnh, chất dinh dưỡng, đất và nước,… theo mô hình tuần hoàn. Vì vậy, trong phương thức này, sản phẩm phụ hoặc chất thải từ một quá trình sản xuất trở thành đầu vào cho một quá trình khác. Để có được một nền nông nghiệp bền vững cần phải đạt được một số điểm như sự hoà hợp của các chu trình sinh học tự nhiên và kiểm soát được chúng; bảo vệ và khôi phục độ phì đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tối ưu hoá việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên của nông trại; giảm thiểu sử dụng các nguồn không tái sinh được và nguồn đầu vào của sản xuất phải mua từ bên ngoài; khuyến khích được sự tham gia vào các mô hình nông nghiệp tuần hoàn của các hộ gia đình và cộng đồng nông dân; giảm thiểu được tác động xấu đến sức khoẻ con người, sự an toàn, các loài hoang dại, chất lượng nước và môi trường.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Haggar J., Nelson V., Lamboll R., Rodenburg J., Understanding and informing decisions on Sustainable Agricultural Intensification in Sub-Saharan Africa. Int. J. Agricult. Sustain., 2020.
  2. Pretty J., Agricultural sustainability: concepts, principles and evidence. Phil. Trans. R. Soc. B, 363: 447-465, 2008.
  3. Pretty J., Thompson J., Hinchcliffe F., Sustainable Agriculture: Impacts on Food Production and Challenges for Food Security. Gatekeeper Series, No. 60, 2018.
  4. Sharma R. K., Abidi N., Misra R. K., Assessment of agricultural sustainability - a study of farmers growing basmati rice under conventional and fair-trade systems in India. Int. J. Sustain. Agricul. Man. Inf., 6(1), 2020.