Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Môi trường tự nhiên

Môi trường tự nhiên là các yếu tố tự nhiên với tính chất vật lý, thành phần hoá học, sinh học tồn tại khách quan, ngoài ý muốn con người hoặc ít chịu tác động chi phối của con người. Các yếu tố tự nhiên như ánh sáng Mặt trời, núi, sông, biển cả, không khí, động thực vật, đất, nước,… Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản cần cho sản xuất, tiêu thụ, là nơi chứa đựng, đồng hóa các chất thải, cung cấp cho con người cảnh đẹp để giải trí, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú. Ngoài ra, còn mang lại cho con người nguồn khoáng sản cần thiết cho sản xuất hay là nơi chứa đựng, tiêu thụ, phân hủy các chất thải của con người. Tóm lại, môi trường tự nhiên mang lại không gian và điều kiện cho con người sinh sống và tồn tại, giúp cuộc sống con người trở nên phong phú hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Định nghĩa khác: môi trường tự nhiên bao gồm tất cả các sinh vật sống và không sống có trong tự nhiên, có nghĩa là không phải là nhân tạo. Thuật ngữ này thường được áp dụng cho Trái đất hoặc một số phần của Trái đất. Môi trường này bao gồm sự tương tác của tất cả các loài sống, khí hậu, thời tiết và tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng đến sự tồn tại của con người và hoạt động kinh tế. Môi trường tự nhiên bao gồm các đơn vị sinh thái hoàn chỉnh hoạt động như các hệ thống tự nhiên mà không có sự can thiệp lớn của con người văn minh, bao gồm tất cả thảm thực vật, vi sinh vật, đất, đá, khí quyển và các hiện tượng tự nhiên xảy ra trong ranh giới và bản chất của chúng; các nguồn tài nguyên thiên nhiên phổ biến và các hiện tượng vật lý thiếu ranh giới rõ ràng, chẳng hạn như không khí, nước và khí hậu, cũng như năng lượng, bức xạ, điện tích và từ tính, không bắt nguồn từ hành động văn minh của con người. Khi xem xét các khía cạnh hoặc thành phần khác nhau của môi trường, ta thấy mức độ tự nhiên của chúng không đồng nhất. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phần khoáng vật và cấu trúc của đất tương tự như của đất rừng nguyên sinh, nhưng cấu trúc hoàn toàn khác.

Môi trường tự nhiên là không gian sống của người và sinh vật, nơi cung cấp các tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người, nơi chứa đựng các chất thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất, nơi giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên tới con người và sinh vật trên Trái đất, nơi lưu trữ và cung cấp các thông tin cho con người. Môi trường tự nhiên mang tính đặc thù đối với mỗi vùng địa lý. Môi trường xích đạo ẩm với thảm thực vật, rừng rậm xanh quanh năm, gồm bồn địa Công-gô và miền duyên hải phía bắc vịnh Ghi-Nê; môi trường nhiệt đới, càng xa Xích đạo lượng mưa càng giảm, rừng rậm nhường chỗ cho rừng thưa và xavan cây bụi. Nhờ nguồn thức ăn phong phú, xavan là nơi tập trung nhiều động vật ăn cỏ (ngựa vằn, sơn dương, hươu cao cổ,...) và loài vật ăn thịt (sư tử, báo gấm,...); môi trường hoang mạc, gồm hoang mạc Xa-ha-ra ở phía bắc và hoang mạc Ca-la-ha-ri, Na-mip ở phía nam: khí hậu khắc nghiệt, mưa rất hiếm, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn, thực, động vật nghèo nàn; môi trường Địa Trung Hải ở phần cực bắc châu Phi: mùa đông mát mẻ và có mưa, mùa hạ nóng và khô, thảm thực vật là rừng cây bụi lá cứng.

Ở Việt Nam, môi trường tự nhiên, khí hậu ở ba miền cũng khác nhau: miền Bắc nóng ẩm, miền Trung môi trường khắc nghiệt, miền Nam mát mẻ, ôn hòa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Calow P. (editor-in-chief), The Encyclopedia of Ecology & Environmental Management, Blackwell Science Ltd., 1998.
  2. Nostrand V., Scientific Encyclopedia -Tenth Edition, 2002.
  3. Pfafflin J. R., Ziegler E. N., Encyclopedia of Environmental Science and Engineering, Fifth Edition, V. One, Two. CRC Press, 2006.