Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Máy khách

Máy khách (tiếng Anh Client) là chương trình máy tính hoặc thiết bị yêu cầu các dịch vụ do máy chủ cung cấp.

Dịch vụ cung cấp[sửa]

Trong mô hình khách-chủ, máy khách cung cấp giao diện cho phép người dùng truy cập các dịch vụ của máy chủ và hiển thị kết quả mà máy chủ trả về. Một số dịch vụ quan trọng do máy khách cung cấp:

  • Truyền thông liên tiến trình: các tiến trình tại máy khách có thể liên lạc với nhau thông qua các phương thức như truyền thông điệp, liên lạc trực tiếp, liên lạc gián tiếp, hàm gọi thủ tục xa (Remote Procedure Calls - RPC).
  • Các dịch vụ từ xa: người dùng có thể đăng nhập một máy tính khác từ xa, thực thi câu lệnh từ xa, truy cập, sao lưu dữ liệu từ xa…
  • Các dịch vụ có giao diện cửa sổ: người dùng có thể mở cửa sổ của nhiều ứng dụng một lúc. Các cửa sổ ứng dụng này có thể hiển thị tin nhắn thông báo cho người dùng về các sự kiện xảy ra trên máy chủ.
  • Trao đổi dữ liệu động: một số hệ điều hànhcho phép người dùng trao đổi dữ liệu giữa các ứng dụng. Ví dụ như, một ứng dụng kết nối bảng tính Microsoft Excel với báo cáo Microsoft Word, và bất cứ thay đổi nào của bảng tính đều được cập nhật tự động trong báo cáo. Trong trường hợp này, Microsoft Word đóng vai trò máy khách và Microsoft Excel đóng vai trò máy chủ.
  • Liên kết và nhúng đối tượng (Object linking and embedding - OLE): OLE là gói phần mềm cho phép truy cập dữ liệu được tạo từ phần mềm khác thông qua việc sử dụng trình xem hoặc trình khởi chạy. Với trình xem, người dùng có thể xem dữ liệu của một phần mềm trong khi họ đang chạy phần mềm khác. Trong khi đó, trình khởi chạy có khả năng kích hoạt phần mềm tạo dữ liệu.
  • Kiến trúc môi giới gọi các đối tượng thông dụng (Common Object Request Broker Architecture - CORBA): là kiến trúc hướng đối tượng cung cấp phương thức cho phép các máy khách khác nhau chia sẻ hoặc gọi các đối tượng trên mạng hỗn hợp.

Ngoài ra, máy khách cho phép người dùng truy cập đến nhiều dịch vụ khác nhau do máy chủ cung cấp như:

  • Dịch vụ in / fax: Máy khách gửi các yêu cầu in / fax đến máy in / máy fax mà không biết các máy này đang rỗi hay đang bận. Các yêu cầu này được điều hướng bởi phần mềm điều hướng NOS (Network Operating System) và được quản lý bởi trình quản lý hàng đợi của các máy chủ in / fax.
  • Dịch vụ cơ sở dữ liệu: khách quản lý dữ liệu vào từ người dùng, gửi các yêu cầu truy xuất dữ liệu đến máy chủ, sau đó phân tích và hiển thị dữ liệu trả về trên máy khách. Hơn nữa, các ứng dụng khách được thiết kế mà không phụ thuộc vào vị trí thực của dữ liệu. Nếu dữ liệu được di chuyển hoặc phân tán đến các máy chủ cơ sở dữ liệu khác, ứng dụng vẫn tiếp tục hoạt động.

Phân loại[sửa]

Máy khách mỏng[sửa]

Máy khách mỏng (Thin client): Máy khách có các chức năng tối thiểu, sử dụng các tài nguyên được cung cấp bởi máy chủ, và nhiệm vụ chính của nó là hiển thị kết quả do máy chủ xử lý. Máy khách mỏng dựa vào máy chủ để thực hiện hầu hết quá trình xử lý của nó.

Máy khách dày[sửa]

Máy khách dày (THick client): ngược lại với máy khách mỏng, máy khách dày có thể thực hiện hầu hết quá trình xử lý và không phải dựa vào máy chủ trung tâm, nhưng có thể cần kết nối với máy chủ để lấy thông tin, tải, cập nhật dữ liệu hoặc chương trình. Phần mềm chống vi-rút là một kiểu máy khách dày vì chúng không cần kết nối với máy chủ để thực hiện công việc của chúng, tuy nhiên chúng phải kết nối định kỳ với máy chủ để tải xuống định nghĩa vi-rút mới và tải lên dữ liệu.

Máy khách lai[sửa]

Máy khách lai (Hybrid client): có đặc điểm của cả hai loại trên. Nó có thể tự thực hiện hầu hết các công việc nhưng có thể dựa vào máy chủ để lấy dữ liệu quan trọng hoặc để lưu trữ.

Lịch sử phát triển[sửa]

Một số mốc nổi bật trong của máy khách: năm 1960, hãng IBM ra mắt IBM 1620, một máy tính nhỏ được thiết kế cho một người dùng. Vào đầu những năm 1980, các hệ thống khách-chủ xuất hiện khi công nghệ điện toán chuyển từ các máy tính lớn sang xử lý phân tán bằng nhiều máy khách hoặc máy tính cá nhân. Cùng mốc thời gian này, các máy khách chạy hệ điều hànhUNIX ra đời. Vào cuối những năm 1990, với khả năng tính toán ngày càng tăng của các dòng máy tính cá nhân đã làm mờ đi ranh giới giữa máy tính cá nhân và các máy khách dành cho lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Các máy khách điển hình trước đây sử dụng phần cứng độc quyền làm cho chúng khác biệt với máy tính cá nhân. Chẳng hạn như IBM đã sử dụng CPU dựa trên RISC (Reduced Instruction Set Computer) cho các máy khách và CPU Intel x86 trên các máy tính cá nhân dành cho doanh nghiệp trong những năm 1990 và 2000. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, sự khác biệt này phần lớn đã biến mất, các máy khách hiện sử dụng phần cứng được sản xuất bởi các nhà cung cấp máy tính cá nhân lớn như Dell, Hewlett-Packard (sau này là HP Inc.) và Fujitsu.

Xu thế phát triển[sửa]

Xét theo khía cạnh ứng dụng, các máy khách chuyên dụng thường được thiết kế để thực thi các nhiệm vụ với hiệu suất cao, phù hợp với đặc thù riêng trong từng lĩnh vực như thiết kế đồ hoạ, game, xử lý âm thanh, hình ảnh, nghiên cứu khoa học…

Một số xu thế phát triển của máy khách được các chuyên gia dự báo như sau: đầu tiên là xu thế chuyển đổi từ máy tính để bàn và máy khách di động sang máy khách từ xa. Những tiến bộ công nghệ gần đây cho phép ảo hóa các máy khách. Tương tự như mô hình hoạt động của dịch vụ đám mây, công nghệ máy khách từ xa cho phép các máy khách chuyên dụng có thể mở rộng, di động và hoạt động từ xa. Tiếp theo là xu thế sử dụng các máy khách mỏng thay thế máy tính cá nhân. Nhờ vậy, người dùng có thể truy cập vào bất kỳ ứng dụng hoặc máy tính ảo nào. Đây là một phương thức hiệu quả để xây dựng cơ sở hạ tầng máy tính ảo, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, các vấn đề an toàn, bảo mật thông tin của các máy khách trong các hệ thống dịch vụ công đã được quan tâm hơn. Điển hình, ngày 01 tháng 09 năm 2016, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành công văn 1186/CNTH6 thực hiện Quy chế quản lý tài khoản định danh và máy trạm. Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng tài khoản định danh và máy trạm kết nối domain NHNN. Ngày 16 tháng 12 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định số 3196/QĐ-BTNTM về Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường phiên bản 2.0. Quyết định này quy định các biện pháp an ninh cho máy trạm như phòng chống vi-rút, mã độc hại, phòng chống truy cập, xâm nhập trái phép, kiểm soát truy cập trong mạng, theo dõi giám sát an ninh thiết bị, phân tích nhật ký.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Windows Server Administration Fundamentals, Microsoft Official Academic Course, John Wiley & Sons, 2011. ISBN 978-0-470-90182-3.
  2. S. C. Yadav, and S. K. Singh. An introduction to client/server computing. New Age International Publisher, 2009. ISBN-13: 978-8122426892.
  3. Richard A. Henle, Boris W. Kuvshinoff, C. M. Kuvshinoff, Desktop computers: in perspective. Oxford University Press. p. 417, 1992. ISBN 9780195070316