Mục từ này cần được bình duyệt
Luật Công nghệ thông tin

Luật Công nghệ thông tin quy định về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Luật Công nghệ thông tin (LCNTT) áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.

LCNTT được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ chín thông qua ngày 29.6.2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2007. Luật gồm sáu chương, bẩy mươi chín điều.

Chương 1. Những quy định chung, gồm mười hai điều (từ Điều 1 đến Điều 12), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghệ thông tin; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; thanh tra về công nghệ thông tin; hội, hiệp hội về công nghệ thông tin; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương 2. Ứng dụng công nghệ thông tin, gồm hai mươi lăm điều (từ Điều 13 đến Điều 37), được chia thành bốn mục.

Mục 1. Quy định chung về ứng dụng công nghệ thông tin, gồm 11 điều (từ Điều 13 đến Điều 23), quy định nguyên tắc chung về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong trường hợp khẩn cấp; quản lý, sử dụng, truyền đưa, lưu trữ tạm thời, cho thuê chỗ lưu trữ, công cụ tìm kiếm, theo dõi, giám sát nội dung thông tin số; thu thập, xử lý, sử dụng thông tin cá nhân, lưu trữ, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng; thiết lập trang thông tin điện tử.

Mục 2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, gồm năm điều (từ Điều 24 đến Điều 28), quy định về nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin, điều kiện để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Mục 3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại, gồm năm điều (từ Điều 29 đến Điều 33), quy định về nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại; trang thông tin điện tử bán hàng; cung cấp thông tin cho việc giao kết hợp đồng trên môi trường mạng; giải quyết hậu quả do lỗi nhập sai thông tin thương mại trên môi trường mạng; thanh toán trên môi trường mạng.

Mục 4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực, gồm bốn điều (từ Điều 34 đến Điều 37), quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa - thông tin, quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực khác.

Chương 3. Phát triển công nghệ thông tin, gồm mười sáu điều (từ Điều 38 đến Điều 53), được chia thành bốn mục:

Mục 1. Nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin, gồm bốn điều (từ Điều 38 đến Điều 41), quy định về khuyến khích nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin; nghiên cứu - phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ thông tin; tiêu chuẩn, chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Mục 2. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, gồm năm điều (từ Điều 42 đến Điều 46), quy định về chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; chứng chỉ công nghệ thông tin; sử dụng nhân lực công nghệ thông tin; người Việt Nam làm việc tại nước ngoài; phổ cập kiến thức công nghệ thông tin.

Mục 3. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, gồm năm điều (từ Điều 47 đến Điều 51), quy định về loại hình, chính sách phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; phát triển thị trường công nghiệp công nghệ thông tin; sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; khu công nghệ thông tin tập trung.

Mục 4. Phát triển dịch vụ công nghệ thông tin, gồm hai điều (Điều 52, Điều 53), quy định về loại hình, chính sách phát triển dịch vụ công nghệ thông tin.

Chương 4. Biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, gồm hai mươi mốt điều (từ Điều 54 đến Điều 74), được chia thành bốn mục:

Mục 1. Cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, gồm bẩy điều (từ Điều 54 đến Điều 60), quy định về nguyên tắc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin; bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cơ quan nhà nước; cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ công ích; cơ sở dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin.

Mục 2. Đầu tư cho công nghệ thông tin, gồm bốn điều (từ Điều 61 đến Điều 64), quy định về đầu tư của tổ chức, cá nhân, của Nhà nước cho công nghệ thông tin; đầu tư cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; đầu tư và phát triển công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Mục 3. Hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin, gồm hai điều (Điều 65, Điều 66), quy định về: nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin. Mục 4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, gồm tám điều (từ Điều 67 đến Điều 74), quy định về trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; bảo vệ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; chống thư rác; chống vi rút máy tính và phần mềm gây hại; bảo đảm an toàn, bí mật thông tin; trách nhiệm bảo vệ trẻ em; hỗ trợ người tàn tật.

Chương 5. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm, gồm ba điều (từ Điều 75 đến Điều 77), quy định về giải quyết tranh chấp về công nghệ thông tin; hình thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; xử lý vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin.

Chương 6. Điều khoản thi hành, gồm hai điều (Điều 78, Điều 79), quy định về hiệu lực thi hành; hướng dẫn thi hành.

LCNTT tạo hành lang pháp lý cơ bản cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, các ngành, các cấp; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; là cơ sở pháp lý đầy đủ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mới phát sinh do sự phát triển của công nghệ thông tin; góp phần khắc phục những yếu kém, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; tạo ra sự đồng bộ với các quy định trong các đạo luật có liên quan, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Nam Trung (sưu tầm và tuyển chọn), Các quy định pháp luật về tin học và công nghệ thông tin, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2001.
  2. Các luật và Nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, khóa XI từ ngày 16.5 đến 29.6.2006, Nxb. Lao động xã hội, Hà Nội, 2006.
  3. Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
  4. Thi Anh (biên soạn), Quy định mới về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục, đào tạo, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2008.
  5. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Công nghệ thông tin, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2010.
  6. Lê Minh Toàn, Quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.