Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Loài bản địa

Loài bản địa là một loài sinh vật có nguồn gốc ở một vùng nào đó mà nó đang sinh sống. Sự hiện diện của nó là kết quả của các quá trình tự nhiên, không có sự can thiệp của con người. Theo Công ước Đa dạng sinh học, thuật ngữ loài bản địa tương đương với khái niệm về loài địa phương/cũng có nghĩa là bản địa (native species) - là loài tồn tại và phát triển thịnh vượng trong một hệ sinh thái xác định nơi loài lần đầu được hình thành; hoặc loài có tính bản địa (autochthonic species): là loài chính thức được hình thành hoặc sinh ra ở nơi mà loài sinh vật đó được mô tả. Mọi loài sinh vật hoang dã (trái ngược với loài sinh vật được thuần hóa) đều có phạm vi phân bố tự nhiên của riêng mình, được coi là bản địa. Bên ngoài phạm vi có tính địa phương này, một loài có thể được di nhập bởi con người và sau đó được gọi là một loài di nhập (introduced species) trong các khu vực mà nó được thả vào.

Khái niệm về tính bản địa thường còn mờ nhạt. Trong quá trình tiến hóa, thực vật và động vật tham gia vào sự chuyển động liên tục của các mảng kiến tạo, theo đó, các loài xuất hiện và có thể phát triển, tồn tại lâu dài hoặc bị tuyệt chủng và sự phân bố của chúng hiếm khi cố định hoặc giới hạn ở một địa điểm cụ thể.

Một loài bản địa ở một địa điểm không nhất thiết là loài đặc hữu (endemic species) của địa điểm đó. Các loài đặc hữu chỉ được tìm thấy ở một nơi cụ thể, còn một loài bản địa có thể xuất hiện ở các khu vực khác ngoài khu vực đang được xem xét. Các thuật ngữ đặc hữu và bản địa cũng không ngụ ý rằng một sinh vật nhất thiết phải có nguồn gốc đầu tiên hoặc tiến hóa ở nơi nó hiện được tìm thấy. Trong sinh giới Việt Nam, khoảng 51.400 loài sinh vật tự nhiên đã được xác định, bao gồm: khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; dưới biển, có trên 11.000 loài sinh vật biển. Có thể xem hầu hết các loài trên là những loài bản địa hoặc địa phương của Việt Nam. Trong thành phần loài sinh vật đã biết, số lượng loài đặc hữu cho Việt Nam chiếm một tỷ lệ khá lớn (khoảng 30% số loài thực vật bậc cao trên cạn; 4,6% số loài, phân loài chim; 27,4% số loài trai, ốc nước ngọt; khoảng 58% số loài tôm, cua nước ngọt,…).

Bên cạnh hệ sinh vật tự nhiên đa dạng, Việt Nam thuộc một trong các trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới, gồm hơn 6.000 giống lúa, khoảng 800 loài cây trồng và là nguồn gốc của khoảng 40 giống vật nuôi. Các giống vật nuôi, cây trồng đã được phát triển qua hàng trăm năm nay và có các đặc điểm di truyền có giá trị. Đây là những nguồn gen bản địa quý của Việt Nam cần phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo đa dạng sinh học quốc gia lần thứ 6 cho Công ước Đa dạng sinh học, 2019.
  2. Rittner D., McCabe T. L., Encyclopedia of Biology: Indigenous species, Native species, 2004.
  3. Trương Quang Học (chủ biên), Trương Quang Hải, Phan Nguyên Hồng, Lê Đình Lương, Võ Quý và nnk, Từ điển đa dạng sinh học và phát triển bền vững, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật: Indigenous trang 199, Native species, tr.257, 2001.
  4. UNEP-WCMC, Biodiversity A-Z website: www.biodiversitya-z.org, UNEP-WCMC, Cambridge, UK: Indigenous species, Native species, Autochthonic species, 2014.