Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Liên minh Thần thánh
Phiên bản vào lúc 23:16, ngày 10 tháng 7 năm 2022 của Tttrung (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Bản đồ thể hiện ba cường quốc thành lập Liên minh Thần thánh: màu vàng Đế quốc Áo, màu đen Vương quốc Phổ, màu xanh Đế quốc Nga

Liên minh Thần thánh là một liên minh giữa các cường quốc Châu Âu, được hình thành trên cơ sở hiệp ước được ký kết giữa ba hoàng đế Alexander I của Nga, Frederick William III của Phổ và Francis II của Áo, vào năm 1815, với cam kết bảo vệ tôn giáo và trật tự châu Âu phong kiến sau chiến tranh Napoleon.

Bối cảnh và hình thành[sửa]

Mặc dù đã đánh bại Napoleon Bonaparte ở trận Waterloo tháng 6 năm 1815, khiến Napoleon buộc phải thoái vị, Liên minh chống Pháp lần thứ bảy mà Anh, Nga, Áo, Phổ là nòng cốt đã chiếm đóng thủ đô của Pháp, nhưng các nước quân chủ trong liên minh vẫn lo sợ ảnh hưởng của cách mạng Pháp dẫn đến làn sóng cách mạng ở châu Âu, làm lung lay trật tự phong kiến được thiết lập theo Hiệp định Vienna được ký kết ngày 9 tháng 6 năm 1815. Để ngăn chặn sự lan rộng của tinh thần cách mạng Pháp và các phong trào dân tộc, dân chủ, nhằm bảo vệ trật tự Vienna, chế độ chuyên chế, giáo hội, Nga hoàng Alexander I đã đề xuất thành lập một liên minh mới sau chiến tranh. Nga hoàng muốn đưa tinh thần Cơ đốc giáo vào tổ chức này để loại trừ sự tham gia của Thổ, đối thủ cạnh tranh mở rộng ảnh hưởng của Nga ở bán đảo Krym. Ngày 14 tháng 9 năm 1815, Hoàng đế Nga Alexander I, Hoàng đế Áo Francis I và vua Phổ Friedrich Wilhelm III đã ký Hiệp ước Liên minh Thần thánh tại Paris. Mục tiêu chính trị của Liên minh được thể hiện rõ ràng trong Hiệp ước, theo đó hoàng đế của ba nước cam kết sẽ can thiệp quân sự khi cần thiết để trấn áp bất kỳ cuộc nổi dậy nào nghi ngờ tính hợp pháp của chế độ quân chủ và các nguyên tắc của chủ nghĩa chuyên chế, khôi phục lại cho quý tộc và tăng lữ những đặc quyền bị mất trong thời kỳ chiến tranh Napoleon, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa thế tục đã lan rộng kể từ Cách mạng Pháp. Bên cạnh đó, mục tiêu tôn giáo của Liên minh cũng được lồng ghép vào một cách hợp lý, đó là bảo vệ Cơ đốc giáo và "ba ngôi không thể phân chia". Mục tiêu và yếu tố tôn giáo cũng được thể hiện rõ nét trong tên gọi của nó - Liên minh Thần thánh.

Như vậy, Liên minh Thần thánh được tạo nên bởi ba cường quốc phong kiến hùng mạnh nhất châu Âu bấy giờ, có vai trò nòng cốt trong các liên minh chống Pháp trước đó, đó là Nga, Áo và Phổ. Trong đó, đế quốc Nga đang duy trì chế độ quân chủ chuyên chế của vương triều Romanov, với hệ thống quân đội và cảnh sát đông đảo để cai trị, trấn áp các tầng lớp quần chúng nhân dân Nga và các dân tộc phụ thuộc. Đế chế Áo, được cai trị bởi vương triều quân chủ chuyên chế Habsburg, có rất nhiều các dân tộc khác nhau như Áo, Đức, Czech, Hungary, Croatia, Ba Lan… có một phần lãnh thổ thuộc Liên hiệp Đức được hình thành theo quy định của Hiệp định Vienna. Vương quốc Phổ được cai trị bởi vương triều Hohenzollern, giống Áo vì Phổ có một phần lãnh thổ nằm trong Liên hiệp Đức theo quy định của Hiệp định Vienna.

Phát triển[sửa]

Biếm hoạ về đại hội cuối cùng của Liên minh ở Verona năm 1822

Tháng 11 năm 1815, Vua Louis XVIII của Pháp, và sau đó là các nước quân chủ ở châu Âu cũng gia nhập Liên minh Thần thánh. Chỉ có Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Giáo hoàng không tham gia Liên minh. Tuy nhiên, Anh đã có sáng kiến, thành lập một liên minh khác, có tên gọi là Đồng minh tứ cường với ba cường quốc Nga, Áo, Phổ. Với mối quan hệ đặc biệt này, dù không phải là thành viên, song đại diện của Anh vẫn có mặt tại các hội nghị của Liên minh và ảnh hưởng không nhỏ đến việc thông qua các quyết định của nó. Tuy nhiên, vai trò hàng đầu trong các hoạt động và quyết định của Liên minh thuộc về Nga hoàng Alexander I và Thủ tướng Áo Metternich.

Trong thời gian tồn tại của Liên minh Thần thánh, bốn kỳ đại hội đã được tổ chức. Tại đó, nguyên tắc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Âu đã được nêu ra và thực hiện. Tại Đại hội Aachen năm 1818, Liên minh quyết định rút quân chiếm đóng ra khỏi Pháp, đồng ý cho Pháp gia nhập tổ chức và tiến hành can thiệp quân sự vào một số vương quốc trong Liên hiệp Đức, nơi đang có các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân. Đại hội lần thứ hai được tổ chức ở Troppau năm 1820, để thảo luận về tình hình cách mạng đang diễn ra ở Italy, ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Áo đề nghị Liên minh cần can thiệp vào những quốc gia có nguy cơ xảy ra cách mạng. Theo đó, Hoàng đế ba nước Áo, Nga và Phổ đã ký một nghị định thư nêu rõ sự cần thiết của việc can thiệp vào các nước cách mạng đang phát triển, để có thể duy trì trật tự do Hội nghị Vienna thiết lập. Tại Đại hội lần thứ ba tổ chức ở Laybach năm 1821, quyết định để Áo đưa quân đội vào dập tắt các cuộc nổi dậy ở vương quốc Piemonte và vương quốc Sicily và nếu cần Nga sẽ đưa quân trợ giúp, bất chấp sự phản đối của Pháp và đại diện người Anh. Sự phản đối của Anh xuất phát từ lợi ích thương mại của Anh không bị đe dọa từ các cuộc cách mạng tự do. Đại hội cũng đề nghị Pháp đưa quân sang Tây Ban Nha để đàn áp cách mạng. Đại hội cuối cùng, được tổ chức ở Verona (Áo) năm 1822, Louis XVIII của Pháp đã đồng ý đưa quân vào Tây Ban Nha để lật đổ Chính phủ tự do (1820-23) và khôi phục chế độ quân chủ chuyên chế của Fernando VII bất chấp sự phản đối của Vương quốc Anh. Sở dĩ Anh chống lại những can thiệp vào Tây Ban Nha bởi điều đó sẽ giúp tái lập quyền lực của vương triều Bourbon ở Tây Ban Nha, đồng nghĩa với việc phục hồi sự thống trị của nó ở các thuộc địa Mỹ Latinh. Điều này là bất lợi đối với Anh đang tích cực mở rộng quan hệ và ảnh hưởng ở khu vực này.

Thoái trào[sửa]

Sáng kiến triệu tập một đại hội mới được đưa ra vào cuối năm 1823 bởi Vua Ferdinand VII của Tây Ban Nha, với đề nghị thảo luận các biện pháp chống lại phong trào cách mạng tại các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Mỹ Latinh. Áo và Nga ủng hộ đề xuất này, nhưng Anh và Pháp phản đối, do đó Đại hội dự kiến vào năm 1824 đã không diễn ra. Năm 1825, Nga hoàng Alexander I qua đời, người kế vị ông là Nicholas I đã quyết định hỗ trợ cuộc cách mạng ở Hy Lạp nhằm làm suy yếu đế quốc Thổ để mở rộng ảnh hưởng của mình ở bán đảo Balkan. Sự thay đổi trong chính sách của Nga đã tạo ra một sự rạn nứt không thể khắc phục được trong Liên minh Thần thánh. Mâu thuẫn trong nội các nước châu Âu và Liên minh ngày càng trầm trọng hơn đã dẫn đến sự bùng nổ của chiến tranh Krym (1853-1856). Anh và Pháp đứng về phía đế quốc Thổ, chống lại Nga, còn Áo và Phổ cũng không ủng hộ Nga. Mặc dù những ý tưởng do Alexander I đặt ra làm nền tảng cho Liên minh Thần thánh đã bị các cường quốc châu Âu vi phạm từ lâu, nhưng đến chiến tranh Krym, Liên minh Thần thánh đã bị phân liệt hoàn. Mặc dù nó không chính thức tuyên bố giải tán, nhưng nó cũng không còn tồn tại trên thực tế.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Andrei P. Tsygankov, Russia and the West from Alexander to Putin (Nga và phương Tây từ Alexander đến Putin), Nxb. Đại học Cambridge, 2012.
  2. W.P. Cresson, The Holy Alliance - The European Background of the Monroe Doctrine (Liên minh Thánh – Bối cảnh châu Âu của Học thuyết Monroe), Nxb. Didactic, 2015.
  3. Beatrice de Graaf, How Conservative Was the Holy Alliance Really? Tsar Alexander’s Offer of Radical Redemption to the Western World (Liêm minh Thần thánh thật sự bảo thủ như thế nào? Lời đề nghị cứu chuộc triệt để của Sa hoàng Alexander đối với thế giới phương Tây), Cosmopolitan Conservatisms Countering Revolution in Transnational Networks, Ideas and Movements (c. 1700‒1930), Chương 11, tr. 241–260, Nxb. Brill, 2021.