Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Liên kết mạng xã hội

Liên kết mạng xã hội (tiếng Anh Social Networking) là sử dụng các trang mạng truyền thông xã hội trên nền tảng Internet để kết nối với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và khách hàng. Mục đích của mạng xã hội là để thành viên tham gia hoạt động xã hội hay kinh doanh thông qua các trang web như Facebook, Twitter, LinkedIn và Instagram, v.v.

Trong những năm gần đây, việc sử dụng mạng xã hội trực tuyến đã tăng nhanh. Mọi người ở mọi lứa tuổi, chủng tộc và nghề nghiệp trò chuyện trực tuyến với bạn bè, người thân và khách hàng trên toàn thế giới nhờ mạng xã hội. Chi phí và khoảng cách địa lý không còn là rào cản đối với người sử dụng máy tính tham gia mạng xã hội. Các trang web phổ biến như Facebook, Twitter được người dùng Internet xem như là nơi để họ giao tiếp xã hội trực tuyến thay cho ở những nơi như trung tâm thương mại hay rạp chiếu phim trước đây. Với việc bổ sung khả năng hỗ trợ đa phương tiện của trang mạng xã hội, người dùng dễ dàng tải hình ảnh, nhạc và video lên trang web một cách dễ dàng.

Thành phần chung[sửa]

Các trang web mạng xã hội, email, tin nhắn tức thời, các trang chia sẻ video, hình ảnh, đăng bình luận và trò chơi trực tuyến là công cụ giúp người Có dùng giao tiếp với nhau. Mỗi trang web hay ứng dụng liên kết mạng xã hội như Facebook, Twitter, v.v. có tính năng và quan điểm riêng, nhưng hầu hết chúng đều có các thành phần chung như sau:

Hồ sơ công khai (Public profile): Chứa thông tin cơ bản về người dùng, bao gồm hình ảnh, tiểu sử tóm tắt, địa điểm nơi sinh sống, đôi khi kèm theo các thông tin chi tiết hơn như ngày sinh, nơi học tập đào tạo và sở thích cá nhân. Người dùng có thể tùy ý sử dụng các thông tin chính xác hay thông tin ngụy tạo cho profile này.

Bạn bè và người theo dõi (Friends and followers): Là trái tim và linh hồn của mạng xã hội. Bạn bè và người theo dõi là những người được phép truy cập profile của chủ trang mạng. Họ có thể xem bất kỳ hình ảnh hay bài đăng nào và tương tác với người dùng thông qua các bình luận hay “likes”. Người dùng cũng có thể xem và tương tác các bài viết của bạn bè và người theo dõi. Nhiều người dùng thích thú có càng nhiều bạn bè càng tốt, trong khi một số người lại thích giới hạn nhóm bạn bè, thân mật hơn để tương tác. Một số người để profile ở chế độ công khai (public) do vậy bất kỳ ai cũng có thể kết bạn hay theo dõi nếu muốn.

Home Feed: Hầu hết mạng xã hội đều có trang chủ (Home feed) để hiển thị khi người dùng đăng nhập. Nó hiển thị các thông tin cập nhật có nguồn từ bạn bè. Khi cuộn qua Home feed, người dùng nhanh chóng nắm bắt hoạt động, suy nghĩ và tin tức mà bạn bè muốn chia sẻ.

Lượt thích, bình luận và chia sẻ (Likes, Comments và Shares): Nhận và đưa ra phản hồi là thành phần quan trọng của mạng xã hội. Để thể hiện rằng bài đăng đã đọc và được đánh giá cao, bạn bè sử dụng nút “thích” trên trang web. Ví dụ Facebook sử dụng các biểu tượng như thích, buồn, bất ngờ, v.v. để bạn bè thể hiện phản ứng với bài đăng. Tương tác là tính chất quan trọng của liên kết mạng xã hội, do vậy thành phần bình luận là không thể thiếu, nó tạo ra cuộc trò chuyện và nâng cao sức mạnh tổng hợp của mạng xã hội.

Nhóm (Group): Một số trang mạng xã hội có thành phần “group” để giúp người dùng tìm ra những người cùng sở thích, hoặc cùng tham gia thảo luận về một chủ đề nhất định. Nhóm mạng xã hội là cách để kết nối với những người cùng chí hướng, nó cũng là cách xác định sở thích của bạn bè.

Thẻ băm (Hashtags): Là một từ hoặc cụm từ khóa đặt sau dấu thăng (#) giúp người quan tâm tìm thấy nó khi tìm kiếm theo từ khóa. Ví dụ bổ sung thẻ băm #babysmiles vào hình ảnh em bé trên trang mạng xã hội, sau đó chức năng tìm kiếm có thể hiển thị mọi hình ảnh cùng gắn từ khóa babysmiles.

Gắn thẻ (Tagging): Là một thành phần phổ biến trong các mạng xã hội. Ví dụ nếu đăng hình ảnh gồm nhiều người, có thể xác định từng người trong ảnh bằng cách gắn thẻ cho họ. Gắn thẻ là cách tạo ra nhiều tương tác hơn cho bài viết của người dùng.

Lịch sử phát triển[sửa]

Liên kết mạng xã hội được phát triển trên nền tảng hạ tầng Internet. Giai đoạn đầu, Internet chỉ cho phép mọi người giao tiếp trong nhóm nhỏ, việc sử dụng Internet (vd. gọi điện thoại, chia sẻ dữ liệu, tìm kiếm thông tin) là không đơn giản. Internet trở nên dễ sử dụng vào năm 1991 khi Tim Berners-Lee (người Anh) giới thiệu dịch vụ WWW. Trong khi Internet là hệ thống các mạng kết nối mọi người, thì WWW cung cấp phương tiện để mọi người sử dụng kết nối đó (xt. Mạng toàn cầu). Việc ra đời WWW làm cho Internet dễ sử dụng hơn. Trình duyệt Web chuyển đổi nội dung và dữ liệu ra hình thức dễ đọc trên màn hình máy tính, giúp mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ có thể sử dụng Internet. Tuy nhiên, đối với người dùng, các thông tin trên trang web này (trang web tĩnh) chỉ đọc mà không thể thay đổi được.

Vào khoảng năm 2002, công nghệ “web 2.0” ra đời cho phép tạo lập, cập nhật nội dung để trang web có khả năng tương tác cao hơn. Mọi người có thể đăng bài viết, hình ảnh, video và âm nhạc trên Web, mời người khác xem, nhận xét về chúng. Mạng xã hội đã tận dụng công nghệ web mới này và liên tục được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu liên kết xã hội với người dùng khác.

Liên kết mạng xã hội dễ nhất là blog. Blog ra đời năm 1997, là trang web hoạt động như tạp chí hay nhật ký. Trang chủ blog có các công cụ giúp người dùng đăng bài viết và hình ảnh trên trang web cá nhân dễ dàng như sử dụng một chương trình soạn thảo văn bản. Giai đoạn đầu người viết blog (cg. blogger) là để đăng nhật ký cho người khác đọc. Do kết nối mạng xã hội phát triển, trang chủ blog bổ sung khả năng tương tác giữa blogger và người đọc. Trang web blog đầu tiên là LiveJournal do Brad Fitzpatrick tạo ra năm 1999 với mục tiêu ban đầu là kết nối bạn bè.

Cùng với sự phát triển của các trang web blog, một số trang kết nối mạng xã hội trực tuyến như SixDegrees ra đời năm 1997 và Friendster ra đời 2002. Các trang liên kết mạng xã hội thường bắt đầu với một nhóm người sáng lập gửi tin nhắn để bạn bè tham gia mạng, sau đó bạn bè gửi tin nhắn cho bạn bè của họ, làm cho mạng lưới phát triển rộng hơn. Thành viên mạng xã hội có thể tạo lập hồ sơ (profile), cá thể hóa profile theo sở thích riêng, kết nối bạn bè thân quen và cả với người lạ. SixDegrees và Friendster có ưu điểm là quản lý được danh sách bạn bè, nhưng thành viên của chúng không thể tự đăng nội dung như blog. Trang web liên kết mạng xã hội khác ra đời vào năm 2003 là MySpace, nó đã vượt qua những hạn chế này. MySpace là trang web mở, bất kỳ ai cũng có thể kết nối cộng đồng, duyệt profile, và đăng bất cứ gì họ muốn. MySpace cho phép cá nhân hóa các trang web, tải nhạc và chia sẻ video. Nó giúp kết nối xã hội dễ dàng nhờ các công cụ như email, đăng bài bình luận, phòng trò chuyện và nhắn tin tức thời. Tiếp sau MySpace là một loạt liên kết mạng xã hội khác khác ra đời, trong đó phải kể đến Facebook ra mắt năm 2004. Ban đầu Facebook là mạng kín, chỉ cho phép những ai đủ một số điều kiện mới được tham gia. Đến năm 2006, Facebook quyết định mở mạng cho công chúng sử dụng, mở rộng nền tảng ban đầu là mạng cho sinh viên. Cho đến nay Facebook là trang mạng xã hội phổ biến nhất thế giới với 2,5 tỷ người dùng hàng tháng (MAU - Monthly Active Users) vào tháng 2 năm 2020.

Một dịch vụ liên kết mạng xã hội và blog nhỏ (cg. Microblog) phổ biến ra mắt năm 2006 với tên Twitter. Với Twitter, thành viên có thể đọc, nhắn và cập nhật bản tin thời sự ngắn (cg. Tweet) lan truyền nhanh chóng đến mọi người. Ngày nay, Twitter còn hỗ trợ đăng các tin ngắn (tối đa 280 ký tự) dưới dạng đoạn hội thoại, ảnh, video, ảnh động, v.v.

Liên kết mạng xã hội còn cung cấp khả năng trải nghiệm trực quan. Trang web chia sẻ ảnh Flickr được Ludi corp phát triển vào năm 2004 với chức năng tổ chức, lưu trữ và chia sẻ hình ảnh đến bạn bè. Người dùng có thể quyết định chia sẻ hình ảnh công khai hay giới hạn bởi quyền truy nhập theo nhóm. Trang web chia sẻ video phổ biến nhất là Youtube, ra đời năm 2005, sử dụng công nghệ Adobe Flash để hiển thị đoạn video từ các bộ phim, chương trình truyền hình, ca nhạc. Người dùng có thể tải, chia sẻ và xem các đoạn video theo chủ đề.

Như nhiều nước tiên tiến trên thế giới, người dân Việt Nam cũng sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube và Twitter để kết nối với gia đình, bạn bè và những người có chung sở thích. Việt nam đứng thứ 8 thế giới sử dụng Facebook. Theo thống kê của Google, năm 2019 Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước xem video trên Youtube nhiều nhất.

Không chỉ sử dụng các nền tảng có sẵn do nước ngoài tạo ra, Việt Nam còn có nhiều cố gắng phát triển các công cụ liên kết mạng xã hội như Zalo, Hahalolo, Gapo và Lotus. Tuy nhiên, ngoài Zalo, các sản phẩm liên kết mạng xã hội khác còn chưa được người sử dụng quan tâm.

Truyền thông xã hội (social media) và liên kết mạng xã hội là hai khái niệm khác nhau. Về cơ bản, truyền thông xã hội là nền tảng để truyền phát thông tin, còn liên kết mạng xã hội là nền tảng để người dùng giao tiếp với nhau. Truyền thông xã hội là kênh truyền thông một chiều (vd. báo mạng, truyền hình Internet, v.v.), trong khi đó với liên kết mạng xã hội, truyền thông có tính chất hai chiều (vd. Facebook, Internet forum, v.v.).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Carla Mooney, Online Social Networking, Cengage Learning, 2009
  2. GeorGe A. Barnett, Encyclopedia of Social Networks, SAGE Publications, 2011
  3. Greti-Iulia Ivana, Social Ties in Online Networking, Palgrave Macmillan, 2018
  4. Peggy J. Parks, Online Social Networking, ReferencePoint Press, 2011.