Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lý Quang Diệu
Lý Quang Diệu(1923-2015)

Lý Quang Diệu chính trị gia, luật gia, người sáng lập Đảng Hành động nhân dân (PAP), Thủ tướng đầu tiên của Singapore (1959 – 1990); sinh ngày 16.9.1923, mất ngày 23.3.2015.

Xuất thân trong một gia đình gốc Hoa định cư ở Singapore từ thế kỷ XIX, Lý Quang Diệu theo học tại trường Kinh tế và Chính trị London, sau đó học Luật tại trường Fitzwilliam, thuộc Đại học Cambridge (Anh). Bắt đầu hoạt động chính trị từ khi còn du học ở Anh, Lý Quang Diệu quan tâm sâu sắc đến cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Singapore. Tốt nghiệp đại học năm 1949 với kết quả xuất sắc, ông về nước làm việc năm 1950. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Lý Quang Diệu thành lập Đảng Hành động nhân dân tháng 11.1954, trở thành Tổng thư ký đầu tiên của PAP cho đến năm 1992. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1955, ông lãnh đạo PAP tham gia tranh cử với thắng lợi bước đầu (giành được ba ghế trong nghị viện). Trong những năm tiếp theo, Lý Quang Diệu lãnh đạo PAP tiếp tục con đường đấu tranh nghị viện, gắn kết các hoạt động với phong trào quần chúng nhân dân. Năm 1959, PAP giành được thắng lợi vang dội với đa số ghế và thành lập một nghị viện hoàn toàn do dân cử. Ngày 5.6.1959, Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Sau khi Singapore giành được quyền tự trị, Lý Quang Diệu lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn của thời kỳ hậu thuộc địa. Khi Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia, Lý Quang Diệu tuyên bố thành lập nước Cộng hoà độc lập ngày 9. 8.1965. (xt. Sự thành lập Cộng hòa Singapore 1965). Để chấn hưng đất nước, ông tập trung vào việc giải quyết tình trạng thất nghiệp, giải tỏa các khu ổ chuột, xây dựng nhà ở công cộng, phát triển giáo dục. Ông chủ trương tập trung mọi nguồn lực để đưa Singapore trở thành một trung tâm thương mại - tài chính của khu vực với hệ thống hạ tầng cơ sở, thông tin liên lạc phát triển và trung tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực và trên thế giới.

Cùng với việc thiết kế thành công các chiến lược phát triển kinh tế, Lý Quang Diệu chủ trương kết hợp đồng bộ giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội và thực thi các chương trình vì sự tiến bộ xã hội. Ngay từ những ngày đầu lập nước, ông chỉ đạo việc xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, trật tự xã hội nghiêm minh, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Singapore. Chính phủ của Lý Quang Diệu đã tạo dựng cơ sở vững chắc cho người dân có niềm tin vào một thể chế trong sạch, một nền chính trị trọng dụng nhân tài gồm những người được giao trọng trách lãnh đạo quốc gia, vận hành một nền công vụ ưu việt.

Lý Quang Diệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng chính sách đối ngoại của Singapore. Ông đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao vị thế của Singapore ở khu vực và trên trường quốc tế. Singapore luôn có tiếng nói trong các vấn đề quan trọng tại khu vực như ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)… cũng như các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…

Lý Quang Diệu thôi giữ chức Thủ tướng tháng 11.1990 nhưng ông vẫn tiếp tục là lãnh tụ của PAP đến năm 1992. Sau 31 năm cầm quyền, ông giữ trọng trách là Bộ trưởng Cao cấp (1990 - 2004), Bộ trưởng Cố vấn (2004 - 2015), tiếp tục có ảnh hưởng chính trị và đóng góp về chiến lược phát triển cho đất nước.

Được mệnh danh là tổng công trình sư kiến tạo Singapore từ một hòn đảo nhỏ khô cằn trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất châu Á, Lý Quang Diệu để lại di sản vĩ đại cho người dân Singapore - một quốc gia an toàn, hài hòa, độc lập và phát triển thịnh vượng. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn truyền cảm hứng cho người Singapore và những thế hệ mai sau. Đối với thế giới, ông được mô tả như một trong những nhà lãnh đạo thông minh, hiểu biết, tài năng, được nhiều thế hệ nhớ tới với tư cách là người sáng lập nước Singapore hiện đại và là một trong những chiến lược gia vĩ đại nhất của châu Á.

Đối với Việt Nam, Lý Quang Diệu nhận thức rõ những lợi ích trong quan hệ với Việt Nam, cũng như việc Việt Nam tham gia vào tổ chức khu vực ASEAN. Đến thăm Việt Nam sáu lần (1992 - 2009), Lý Quang Diệu đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo Việt Nam những kinh nghiệm mà Singapore đúc rút được trong tiến trình công nghiệp hóa. Ông góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho quan hệ Việt Nam - Singapore, là người đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng nên nền tảng cho mối quan hệ hai nước. Ý tưởng của ông về việc xây dựng các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đầu tiên (VSIP) tạo điều kiện cho làn sóng đầu tư mạnh mẽ của Singapore vào Việt Nam, đưa Singapore nhanh chóng đứng vào tốp những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bách khoa toàn thư Britannica, Lý Quang Diệu, https://www.britannica.com/biography/Lee-Kuan-Yew
  2. Lý Quang Diệu, Hồi ký: Câu chuyện Singapore, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017
  3. Lý Quang Diệu, Hồi ký: Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất. Tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017
  4. Lý Quang Diệu, Ông già nhìn ra thế giới, Nxb. Trẻ, 2017.
  5. Văn phòng Thủ tướng Singapore, Ngài Lý Quang Diệu, https://www.pmo.gov.sg/Past-Prime-Ministers/Mr-LEE-Kuan-Yew