Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lính đánh thuê

Lính đánh thuê gọi chung lính chuyên nghiệp người nước ngoài được tuyển mộ, trả lương (và quyền lợi khác) theo hợp đồng để phục vụ trong đội quân đánh thuê hay quân đội nước khác.

Lính đánh thuê thường không mang tinh thần dân tộc (lợi ích quốc gia), được sử dụng cho phần lớn các cuộc chiến tranh phi nghĩa của giai cấp thống trị, tập đoàn phong kiến, tư bản. Lính đánh thuê xuất hiện từ khi có chế độ chiếm hữu nô lệ, sau này phát triển mạnh mẽ trong mô hình tổ chức quân đội nhiều nước phong kiến, tư bản. Quân đội đánh thuê được xây dựng từ đội quân nhà nghề, do các lãnh chúa, các nhà nước thành bang hoặc các nhà nước tổ chức, để phục vụ mục đích quân sự, chính trị. Đội quân lính đánh thuê ra đời sớm nhất khoảng năm 3.000 tcn. Từ giữa thế kỷ 15, ở các nước Tây Âu bắt đầu xây dựng quân đội đánh thuê thường trực. Trong Chiến tranh Một trăm năm (1337-1453) giữa Anh và Pháp, quân Anh chủ yếu là Lính đánh thuê, gồm khoảng 3.000 hiệp sĩ và kỵ sĩ, 10.000 lính bắn cung và 4.000 bộ binh nhẹ; cuối thế kỷ 15, đội quân này đã trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của nhà nước. Thế kỷ 17-18, các nước Tây Âu đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý từ quân đội đánh thuê thành quân đội nhà nước, được bổ sung các công dân nước mình, chịu sự chỉ đạo và bảo đảm từ chính quyền trung ương. Cuối tk 18-19 nhiều nước thay đổi quân đội đánh thuê thành quân đội chính quy, trên cơ sở nghĩa vụ quân sự. Thế kỷ 19-20, Lính đánh thuê nổi tiếng nhất là Đội quân Lê dương (thuộc Quân đội Pháp), thành lập năm 1831 tại Xiđi Ben Abet (Angiêri) gồm những đơn vị người nước ngoài không phải thuộc địa của Pháp, tổ chức cao nhất tới cấp trung đoàn bộ binh, thiết giáp, lính dù; được trang bị mạnh, sử dụng chủ yếu tiến hành các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, hoặc can thiệp vũ trang ở nước ngoài như tham chiến ở Angiêri (1831-1962), Tây Ban Nha (1835-39), Nga (1854-56, 1918), Mêhicô (1863-67), Pháp (đàn áp công xã Pari 1871 và trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai), Na Uy (1943), nhiều nước Bắc Phi và Đông Dương. Đội quân Lê dương Pháp đầu tiên tới VN vào năm 1883; trong giai đoạn 1946-54, ở Việt Nam có 4 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn dù, nhiều đại đội độc lập... và bị tổn thất nặng (trên 10.000 quân chết ở Đông Dương, chủ yếu là ở Việt Nam). Trong những năm 1965-1972, chính quyền Mỹ thỏa thuận đưa quân một số nước đồng minh vào trực tiếp tham chiến, hỗ trợ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam: Hàn Quốc (50.000 quân), Thái Lan (11.596 quân), Ôxtrâylia 7.670 quân), Philippin (2.061 quân), Niu Dilân (550 quân). Về bản chất, đây là đội quân Lính đánh thuê cho Mỹ, gây nhiều tội ác với nhân dân địa phương miền Nam Việt Nam.

Năm 1989, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết chống lại việc tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo Lính đánh thuê. Theo đó, một người Lính đánh thuê phải hội đủ các yếu tố: không phải thành viên thường trực của lực lượng vũ trang tại nước đó, mà chỉ được tuyển chọn để tham gia một chiến dịch đặc biệt (được ghi trong hợp đồng); tham gia vì mục đích cá nhân và được trả công nhiều hơn gấp nhiều lần quân đội trực thuộc; không thuộc quốc tịch của các quốc gia đang xung đột, hoặc không nằm trong vùng lãnh thổ bị kiểm soát bởi các quốc gia đang xung đột. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và lợi ích trong việc sử dụng Lính đánh thuê (giảm thương vong cho quân nhân thường trực, tránh bị dư luận lên án, huy động lực lượng khu vực tại chỗ nhanh, giảm chi phí chiến tranh,...), nhiều nước đã không ký kết hiệp định. Hiện nay, nhiều nước vẫn tổ chức các đơn vị Lính đánh thuê (Mỹ, Anh,...). Lính đánh thuê đã trở thành một nghề kiếm sống của nhiều người, nhiều tổ chức vũ trang.

Ở Việt Nam, Lính đánh thuê được pháp luật xếp vào loại tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Điều 424, Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê: người nào tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê nhằm chống lại một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Điều 425 (tội làm lính đánh thuê), người nào làm lính đánh thuê nhằm chống một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển bách khoa quân sự Liên Xô, Nxb QS Maxcơva, 1986, tr.46
  2. Bách khoa toàn thư quân sự Trung Quốc, 1997, quyển 2, trang 325.
  3. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004, tr. 236, 237, 612, 739, 740, 1019.
  4. Bộ Luật hình sự 2017.
  5. Từ điển Bách khoa Việt Nam 4 tập, Bản điện tử.