Mục từ này cần được bình duyệt
Kiểm soát ô nhiễm môi trường
Phiên bản vào lúc 13:23, ngày 5 tháng 1 năm 2021 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} , tập hợp các biện pháp, hoạt động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trư…”)

, tập hợp các biện pháp, hoạt động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường. Trong nhiều trường hợp, kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn phát sinh, giảm thiểu và loại bỏ các chất gây ô nhiễm (ở các thể loại rắn, lỏng, khí và các dạng tiếng ồn, bức xạ, độ rung) ra môi trường.

Các nội dung chính của kiểm soát ô nhiễm môi trường bao gồm: (i) Phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ khi chưa phát sinh; (ii) phát hiện ô nhiễm môi trường; (iii) giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường khi đã phát sinh và; (iv) phục hồi môi trường ở những nơi đã bị ô nhiễm. Phòng ngừa ô nhiễm môi trường (còn gọi là kiểm soát đầu đường ống) là việc đánh giá, dự báo các tác động đối với môi trường, đề xuất, thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, xử lý trước khi triển khai dự án mới. Khuyến khích lối sống thân thiện với môi trường, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng... Phát hiện ô nhiễm môi trường được thực hiện thông qua quan trắc môi trường để xác định địa điểm, mức độ, phạm vi và nguyên nhân gây ô nhiễm. Giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường khi đã phát sinh (còn gọi là kiểm soát cuối đường ống) là việc quản lý chất thải, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý các chất thải đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Phục hồi môi trường là việc cải thiện, nâng cao chất lượng các thành phần môi trường ở những nơi đã bị ô nhiễm đạt tiêu chuẩn môi trường.

Các công cụ kiểm soát ô nhiễm môi trường bao gồm: (i) Công cụ mệnh lệnh – kiểm soát; (ii) công cụ kinh tế; (iii) công cụ kỹ thuật; (iv) công cụ truyền thông, giáo dục. Công cụ mệnh lệnh-kiểm soát là hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường (về chất lượng môi trường và chất thải), giấy phép môi trường, các hình thức xử phạt vi phạm (hành chính và hình sự) và chế độ thanh tra, kiểm tra. Công cụ kinh tế là các loại thuế, phí, trợ cấp, ký quỹ phục hồi môi trường, quỹ môi trường,…nhằm thay đổi hành vi của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong việc gây ô nhiễm môi trường và hỗ trợ phục hồi môi trường. Công cụ kỹ thuật là các công nghệ, kỹ thuật được sử dụng trong quan trắc, phòng ngừa phát sinh, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường. Công cụ truyền thông, giáo dục là các biện pháp nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiểm soát ô nhiễm môi trường cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Ở Việt Nam công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường là một nội dung quan trọng của bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư bắt buộc phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai. Lối sống xanh, tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên,… được khuyến khích áp dụng. Hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, địa phương và của các doanh nghiệp được thiết lập, vận hành nhằm kịp thời phát hiện ô nhiễm môi trường. Hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật môi trường, giấy phép môi trường và các hình thức xử phạt vi phạm được ban hành. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bắt buộc phải xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường. Chất thải từ hộ gia đình và cộng đồng được Nhà nước tổ chức thu gom, xử lý. Các khu vực ô nhiễm môi trường từng bước được phục hồi thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án. Các nội dung về kiểm soát ô nhiễm môi trường được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở Trung ương, chịu trách nhiệm về kiểm soát ô nhiễm môi trường ở cấp quốc gia, đối với các vấn đề liên tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường, chịu trách nhiệm về kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Văn Khoa, Đoàn Văn Cánh, Nguyễn Quang Hùng, Lâm Minh Triết, Giáo trình Con người và Môi trường, Nxb Giáo dục Việt Nam, 310 tr., 2010.

2. Nathanson, J.A., Pollution Control, Encyclopedia Britannica, https://www.britannica.com/technology/pollution-control; truy cập ngày 18/12/2019.

3. Pollution Control, Encyclopedia, https://www.encyclopedia.com/environment/encyclopedias-almanacs-transcriptsand-maps/pollution-control; truy cập ngày 18/12/2019.

4. Quốc hội Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 1993, 2005, 2014.