Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kiến tạo học

Kiến tạo học là chuyên ngành của địa chất học nghiên cứu về cấu trúc, chuyển động và biến dạng của thạch quyển, sự phát triển của nó trong mối liên quan với sự phát triển của Trái đất nói chung. Mặc dù Kiến tạo học chỉ mới tách ra từ ĐCH thành một ngành khoa học độc lập vào những năm 30 của thế kỷ XX, sự phát triển của nó đã có tiền sử lâu đời. Các giai đoạn phát triển chính của kiến tạo học được đặc trưng bởi sự xuất hiện các khái niệm kiến tạo học mới, thay thế cho các khái niệm lỗi thời cũ. Giai đoạn đầu tiên (nửa sau thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XVII) xuất hiện hai khái niệm chính: giả thuyết thủy sinh (Neptunism) và giả thuyết hỏa sinh (plutonism). Giai đoan thứ hai (nửa cuối thế kỷ XVIII - phần tư đầu thế kỷ XIX) xuất hiện giả thuyết nâng trồi. Giai đoạn thứ ba (nửa cuối thế kỷ XIX) đặc trưng bởi sự xuất hiện giả thuyết co rút thay cho giả thuyết nâng trồi. Giai đoạn thứ tư (nửa đầu thế kỷ XX). Nhiều giả thuyết đã được đề xuất để thay thế cho giả thuyết co rút như “dòng dưới vỏ”, “nhịp động”, “giãn nở Trái đất”. Đáng chú ý là giả thuyết” phân dị vật chất sâu của manti Trái đất”. Giai đoạn thứ năm (từ những năm 60 thế kỷ XX). Quan trọng nhất là sự xuất hiện lý thuyết kiến tạo các mảng thạch quyển vào các năm 1960.

Thạch quyển[sửa]

Thạch quyển là phần cứng ngoài cùng của Trái đất bao gồm lớp vỏ Trái đất và phần trên cùng của manti Thạch quyển có nhiệt độ thấp hơn, nằm bên trên lớp có nhiệt độ cao hơn dẻo hơn và linh động hơn của thượng manti gọi là quyển mềm. Thạch quyển có hai loại là thạch quyển lục địa và thạch quyển đại dương. Cấu trúc thạch quyển là các mảng kiến tạo quy mô lớn, trung bình và nhỏ (H.1) và các cấu tạo bậc cao nội tại của các mảng kiến tạo. Các mảng kiến tạo theo chiều ngang dịch trượt tương đối với nhau theo ba kiểu: hội tụ; phân ly, trượt bằng và tương ứng với ba kiểu rạnh giới mảng hội tụ, phân ly và chuyển dạng. Còn chuyển động trong các mảng thạch quyển là chuyển dịch các phần của nó theo hướng thẳng đứng hoặc nằm ngang (nâng lên, sụt xuống, trượt ngang). Các chuyển dịch trên thường kèm theo các biến đổi điều kiện thế nằm của đất đá. Các biến đổi này được gọi là biến dạng kiến tạo. Kết quả cuối cùng của các biến dạng kiến tạo là tạo nên các hình dáng thế nằm mới của các cấu tạo trong các mảng thạch quyển. Các nguồn chủ yếu của chuyển động và biến dạng kiến tạo nằm ngoài phạm vi thạch quyển, dưới độ sâu lớn hơn. Từ thực tiễn này đã xuất hiện khái niệm hợp nhất thạch quyển và quyển mềm thành quyển kiến tạo - là miền biểu hiện các quá trình kiến tạo chủ yếu. Các dòng đối lưu nhiệt xuất hiện trong quyển kiến tạo và manti dưới là nguyên nhân làm cho các mảng thạch quyển chuyển dịch.

Các chuyên ngành khoa học của kiến tạo học bao gồm :

  1. kiến tạo học hình thái nghiên cứu xác định các dạng cấu trúc kiến tạo chính ở nhiều quy mô khác nhau theo đặc điểm hình thái
  2. kiến tạo học khu vực nghiên cứu các cấu trúc kiến tạo được phân biệt và đặc trưng của các lãnh thổ quy mô khác nhau (quốc gia, châu lục. lục địa, đại dương và toàn bộ địa cầu )
  3. kiến tạo học lịch sử nghiên cứu phân chia các giai đoạn và thời kỳ chính của lịch sử phát triển cấu trúc của thạch quyển trên quy mô toàn cầu cũng như các khu vực. Một phân nhánh đặc biệt của KTH lịch sử là Tân kiến tạo, chuyên nghiên cứu xem xét giai đoạn phát triển cuối cùng của thạch quyển (Oligocen - Đệ tứ) và chuyển động hiện đại
  4. Kiến tạo thực nghiệm và kiến tạo vật lý, nghiên cứu khám phá các cơ chế biến dạng kiến tạo. Kiến tạo thực nghiệm thực hiện các mô hình vật lý về các loại cấu trúc kiến tạo khác nhau, còn kiến tạo vật lý thực hiện mô hình hóa vật lý và toán học về chúng. Những phần này của kiến tạo học hợp nhất với môn khoa học địa động lực
  5. kiến tạo học bản đồ nghiên cứu các nguyên tắc và phương pháp thành lâp các loại bản đồ kiến tạo tổng hợp và chuyên đề tỷ lệ khác nhau
  6. Kiến tạo địa chấn nghiên cứu mối liên quan cuả tính địa chấn với các cấu tạo và chuyển động kiến tạo, xây dựng mô hình địa chấn kiến tạo và các bản đồ dự báo động đất.

Kiến tạo học bao gồm các cơ sở lý thuyết cốt lõi của địa chất học (bởi vậy, đôi khi kiến tạo học được gọi là “triết học” của ĐCH); Vị trí của các mỏ khoáng là do điều kiện kiến tạo và lịch sử phát triển kiến tạo khống chế, do đó, kiến tạo học và lập bản đồ kiến tạo có tầm quan trọng lớn đối với việc tìm kiếm và dự báo các mỏ khoáng; Dữ liệu Tân kiến tạo và các chuyển động kiến tạo gần đây và hiện đại cực kỳ quan trọng trong đánh giá nguy cơ động đất, trong biên soạn bản đồ phân vùng và dự báo động đất. Những dữ liệu này đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các công trình lớn như các nhà máy điện hạt nhân và thủy điện, phòng chống thiên tai địa học.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ben A., Van der Pluijm, Stephen Marshak et al., Earth Struscture: anIntrodution to Structural Geology and Tectonics, 2nd edition , W.W.Noto &Company, Inc. New York, 673p, 2004.
  2. Nguyễn Văn Vượng, Bách khoa thư Địa chất, Kiến tạo và Địa động lực, mục từ số 1-kiến tạo, 2- kiến tạo mảng, 3- Tân kiến tạo, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1071-1103, 2016.
  3. Tạ Trọng Thắng (CB), Lê Duy Bách, Lê Văn Mạnh, Chu Văn Ngợi, Nguyễn Văn Vượng, Địa kiến tạo đại cương, Nxb. ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, 303tr., 2005.
  4. Хаин В.Е., Ломизе М.Г, Геотектоника с основами геодинамики: учебник,М. КДУ, 2005. 560 с ISBN 5-98227-076-8
  5. Большая российская энциклопедия - электронная версия, Bigenc.ru.