Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khoáng vật chính

Khoáng vật chính là thuật ngữ chỉ các khoáng vật chiếm tỷ lệ lớn trong đá (thường >5% thể tích). Khái niệm khoáng vật chính phần nào trùng với khái niệm khoáng vật tạo đá, nhưng trong các văn liệu vẫn được sử dụng song song. Khi nói đến khoáng vật chính là chủ yếu đề cập đến khía cạnh ưu thế về khối lượng của khoáng vật mà hầu như không quan tâm tới vai trò của nó trong đá. Như vậy, về nguyên tắc KVC có thể là khoáng vật bất kỳ nhưng thực tế chúng chủ yếu thuộc một số nhóm chính: nhóm silica, alumosilicat, Fe-Mg silicat, carbonat và sulphat là những khoáng vật phổ biến nhất.

Nhóm silica[sửa]

Nhóm silica gồm có một khoáng vật duy nhất là thạch anh và các đa hình của nó. Thạch anh có thể ở dạng kết tinh cũng như vô định hình. Thạch anh kết tinh có thành phần là SiO2, là một trong những khoáng vật phổ biến nhất trong tự nhiên, nó gặp trong rất nhiều loại đá khác nhau. Thạch anh vô định hình gặp dưới dạng opal (SiO2 nH2O).

Nhóm almosilicat[sửa]

Các khoáng vật nhóm alumosilicat bao gồm feldspar, feldsparoid, mica, kaolinit, thường gọi là các khoáng vật sáng màu. Feldspar chiếm tới 58% toàn bộ thạch quyển và là các khoáng vật phổ biến nhất. Feldspar bao gồm hai nhóm orthoclas và plagioclas. Orthoclas là một K-feldspar có công thức chung là K2O  Al2O3  6SiO2 và là hợp phần chính của các đá granit và syenit. Plagioclas có thành phần là dung dịch cứng của dãy albit (Na-feldspar - Na2O  Al2O3  6SiO2) - anortit (Ca-feldspar – CaO  Al2O3  2SiO2). Dãy albit - anorthit bao gồm 6 khoáng vật tùy thuộc vào tỷ lệ hợp phần albit trong dung dịch cứng bao gồm: albit, oligoclas, andesin, labradorit, bitawnit và anorthit. Các khoáng vật này thường được ký hiệu là An với chỉ số % hợp phần anorthit. Theo đó ta có: Albit (An0-10) - oligoclas (An10-30) - andesin (An30-50) - labradorit (An50-70) - bitawnit (An70-90) - anorthit (An90-100). Plagioclas có trong thành phần các đá axit, trung tính và bazơ, các đá biến chất và các đá khác. Mica là khoáng vật alumosilicat ngậm nước có cấu trúc phân lớp, thường gặp nhất là hai dạng muscovit và biotit. Muscovit là K-mica không màu. Biotit là Mg-Fe mica thường có màu đen hoặc xanh đen, đôi khi màu nâu. Biotit gặp trong rất nhiều loại đá khác nhau từ bazơ đến axit. Biotit dưới tác động của quá trình nhiệt dịch thường bị biến đổi thành biến thể ngậm nước là vermiculit. Trong nhóm các khoáng vật sét phổ biến nhất là kaolinit, nontronit, montmorilonit, chúng chủ yếu là các khoáng vật thứ sinh trong quá trình phong hóa feldspar và muscovit.

Nhóm silicat Fe-Mg[sửa]

Các khoáng vật nhóm silicat Fe-Mg gồm các khoáng vật chính: pyroxen, amphibol, olivin thường gọi là khoáng vật tối màu. Nhóm pyroxen gồm hai phụ nhóm orthopyroxen và clinopyrroxen. Trong các orthopyroxen phổ biến nhất là hypersthene và thường gặp trong các siêu mafic và pyroxenit. Phụ nhóm clinopyroxen có thành phần phức tạp gồm nhiều khoáng vật khác nhau, phổ biến hơn cả là aegirin, augit và diopsit. Amphibol phổ biến trong các đá biến chất (đá phiến lục, amphibolit,...), trong granit. Olivin là KVC quan trọng của các đá siêu mafic, ngoài ra nó còn gặp trong các đá mafic như gabro, diabas, basalt,...

Nhóm carbonat[sửa]

Các khoáng vật nhóm carbonat gồm calcit (CaCO3), magnesit (MgCO3) và dolomit (CaCO3  MgCO3). Calcit là khoáng vật chính trong đá vôi, đá hoa; magnesit và dolomit tạo thành các đá có cùng tên tương ứng là magnesit và dolomit. Dolomit còn có trong thành phần một số đá vôi, đá hoa và một số đá khác.

Nhóm sulphat[sửa]

Các khoáng vật nhóm sulphat gồm gips (CaSO4  H2O) và anhydrit (CaSO4). Gips tạo thành đá cùng tên, trong tiếng Việt thường gọi là thạch cao, còn anhydrit khi bão hòa nước sẽ chuyển sang gips. Ngoài các khoáng vật nêu trên, trong một số thành tạo đặc biệt, một số khoáng vật hiếm gặp có thể được làm giàu tới mức trở thành khoáng vật chính chẳng hạn như apatit trong đá kiềm ở khối Khibiny (Nga) hay corindon trong thành tạo đá mài (emery) gặp ở nhiều nơi,…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. William D. Nesse, Introduction to Mineralogy, 3rd Edition, Oxford University Press, 2017.
  2. Булах А.Г., Минералогия, Издательский центр “Академия”, Москва, 2011.