Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khí cười
Phiên bản vào lúc 15:03, ngày 11 tháng 7 năm 2022 của Marrella (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Khí cười (tiếng Anh laughing gas) là hợp chất hoá học có công thức N2O, tên theo hóa học là dinitơ monoxide, danh pháp quốc tế là dinitrogen oxide,[1]:317 cấu trúc phân tử như sau:

Nitrous-oxide-2D-VB.svg
Nitrous-oxide-3D-elpot.png
Nitrous-oxide-dimensions-3D-balls.png

Khí cười là một chất khí không màu, mùi dễ chịu, hơi ngọt, dễ hóa lỏng, điểm đông đặc là -102,4°C, điểm sôi là -89,5°C. Tỷ trọng ở trạng thái lỏng là 1,2257 (đo ở - 89,5°C), trọng lượng 1,9804 g/l ở 0°C và 760 torr. Nhiệt độ tới hạn là 36,5°C, áp suất tới hạn là 71,6 atm, tỷ trọng tới hạn là D = 0,46. Trong không khí N2O chiếm một lượng là 0,8 g/tấn. Khí cười tan vừa phải trong nước, phản ứng với một số nguyên tố tương tự như oxy. Với hydro, khí cười tạo thành hỗn hợp nổ. Phosphor, carbon và một số kim loại có thể cháy trong môi trường N2O. Hỗn hợp của N2O với ammoniac nổ rất mạnh. Hít phải khí cười dù một lượng rất nhỏ cũng làm cho người ta cảm thấy ngây ngất và cười nhiều. Do đó có tên là khí cười. Nếu hít phải lượng lớn khí cười sẽ bị gây mê.

Tổng hợp[sửa]

Khí cười được tổng hợp bằng cách đốt nóng ammonium nitrat:

Tuy nhiên khi đốt ở nhiệt độ quá cao sẽ gây nổ do ammonium nitrat phân hủy mạnh. Sản phẩm phụ của phản ứng này gồm 1-2% khí nitơ và khí NO, hai khí này được loại bỏ bằng cách rửa với dung dịch sắt hóa trị 2. Lưu ý là NH4NO3 ở đây phải không có lượng vết chlor, vì chlor sẽ xúc tác cho sự phân hủy NH4NO3 thành N2. Tuy nhiên, nếu đun nóng dung dịch NH4NO3 trong acid HNO3 hoặc H2SO4 có mặt lượng nhỏ ion Cl- thì ta sẽ nhận được khí N2O hầu như tinh khiết.

Sử dụng[sửa]

Khí cười là một loại khí tương đối trơ. Ở nhiệt độ phòng nó không phản ứng với halogen, kim loại kiềm và ozon. Ở nhiệt độ cao nó phân hủy thành nitơ và oxy. Trên thị trường, khí cười được bán dưới dạng hóa lỏng trong các bình thép. Năm 1801, Sir Humphry Davy đã quan sát thấy nếu hít khí cười lâu sẽ gây bất tỉnh và đã đề nghị sử dụng khí cười trong phẫu thuật. Người ta đã sử dụng N2O để gây mê, nhưng phải sử dụng cùng với oxy, vì nếu sử dụng riêng N2O sẽ không đạt yêu cầu. Trước đây khí cười được sử dụng nhiều trong nha khoa do nó có khả năng gây tê tại chỗ.

Tuy nhiên ở một số nơi vui chơi khí cười được cho vào các quả bóng cao su cho người chơi hít. Bóng này gọi là “bóng cười”. Hít nhiều khí cười người ta sẽ bị kích động, dễ dẫn đến có những hành động mất kiểm soát, nguy hiểm. Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo cấm sử dụng “bóng cười” trong các quán bar, nhà hàng, nơi vui chơi giải trí. Ở Việt Nam, khí N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, do Bộ Công thương cấp phép sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, theo Nghị đinh này khí N2O còn thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo khi nhập khẩu.

Tham khảo[sửa]

  1. Connelly, Neil G. (2005), Nomenclature of Inorganic Chemistry (PDF), Cambridge: The Royal Society of Chemistry, ISBN 0-85404-438-8

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Brockhaus ABC Chemie, VEB F. A. Brockhaus Verlag Leipzig 1966, 1345.
  2. Encyclopedia Americana, international edition, 2001, Vol.20, p.381.