Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kỹ thuật ánh sáng

Kỹ thuật ánh sáng (hay Kiểm soát ánh sáng, Kỹ thuật chiếu sáng,tiếng Anh Lighting Technique) là việc sử dụng ánh sáng một cách có chủ ý để đạt được hiệu quả thiết thực hoặc những công việc liên quan tới thẩm mỹ. Kiểm soát ánh sáng trong nhiếp ảnh, phim truyện, phim hoạt hình hay trong kỹ thuật đồ họa, đều tạo nên những hiệu quả ấn tượng tới thị giác con người, tuy nhiên, các kỹ thuật ánh sáng trong phim truyện được coi là điểm khởi đầu cho các cách sử dụng ánh sáng với những lĩnh vực sau này. Kỹ thuật ánh sáng áp dụng cho phim truyện nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung đều có chung 3 mục đích, đó là: kiểm soát thị giác người xem, tạo điểm nhấn về góc cạnh cho chủ thể/vật thể, và tạo cảm xúc cho người xem.

Kỹ thuật đánh sáng 3 điểm[sửa]

Kỹ thuật ánh sáng cơ bản thường được sử dụng, đó là đánh sáng 3 điểm:

  • Ánh sáng chính – Keylight
  • Ánh sáng bổ trợ cho bóng đổ-Fill light
  • Ánh sáng nền – Back light

Cách sắp đặt kỹ thuật đánh sáng 3 điểm được xác định như sau:

  • Xác định chủ thể cần đánh sáng
  • Lựa chọn ánh sáng chính, chính là ánh sáng chiếu toàn bộ nhân vật. Ánh sáng chính thường được lựa chọn đặt ngay đối diện nhân vật cần đánh sáng
  • Xác định ánh sáng bổ trợ bằng cách làm mờ bóng đổ tạo ra bởi ánh sáng chính. Thông thường ánh sáng bổ trợ nằm chéo và cách ánh sáng chính một góc 45 độ.
  • Ánh sáng nền được đặt phía sau nhân vật cần đánh sáng, có thể đối diện phía sau hoặc hơi chếch góc sau

Ánh sáng chính được coi là nguồn sáng sử dụng chiếu sáng toàn bộ nhân vật, thường được đặt cùng phía với máy quay. Ánh sáng thứ hai đó là ánh sáng bổ trợ, với mục đích chính làm giảm (mềm) bóng đổ trên nhân vật, do ánh sáng chính tạo ra. Nguồn ánh sáng này tùy thuộc vào từng nhu cầu để sử dụng hoặc không, công suất của nguồn sáng này thường sẽ thấp hơn 50% so với ánh sáng chính. Ánh sáng cuối cùng trong kỹ thuật đánh sáng 3 điểm đó là ánh sáng nền. Nguồn sáng này mục đích tách biệt chủ thể ra khỏi phông nền, tạo nên chiều sâu của khung hình, công suất của nguồn sáng này thường sẽ ở mức 70%-100% so với ánh sáng chính.

Về phần vị trí hướng đánh sáng cũng vô cùng quan trọng. Các lỗi sai lầm thường mắc phải đó là thiết lập ánh sáng gắt quá hoặc những bóng đổ không nghệ thuật bởi vì lựa chọn vị trí đánh sáng sai.

Ở đây, một quy tắc ngón tay cái mà nhiều chuyên gia đánh sáng sử dụng để thiết lập cả chiều cao và góc của nguồn sáng chính. Bóng được tạo bởi mũi nhân vật được gọi là “nose caret”. Trong ánh sáng bình thường, bóng đổ này không được chiếu quá gần môi (góc thẳng đứng) và không nên kéo quá xa lên má (ngang góc). Đây được coi là một điểm khởi đầu, định vị ánh sáng chính để nose caret rơi vào nếp gấp chạy từ bên mũi đến khóe miệng và không mở rộng trên má.

Một số lưu ý để tạo ánh sáng tốt[sửa]

  • Dải màu và cường độ màu: Trong hầu hết trường hợp, chúng ta đều muốn một hình ảnh có đầy đủ dải mầu từ trắng tới đen (phạm vi dải màu luôn được phân tích theo phạm vi màu xám mà không hề có sự ảnh hướng của bất cứ màu sắc nào). Tất nhiên đôi khi cũng sẽ có những ngoại lệ khi chúng ta không sử dụng được đầy đủ dải mầu trong những cảnh quay, nhưng tựu chung lại, một hình ảnh đảm bảo được một dải màu rộng nhất và có cường độ màu tinh tế nhất thì sẽ hình ảnh đó sẽ nịnh mắt nhất, sống động nhất và ấn tượng nhất. Trong những video và những định dạng độ phân giải cao, một biểu đồ kiểm tra riêng về màu sắc rất quan trọng cho máy quay trước khi sử dụng, nó sẽ đảm bảo cho máy quay của bạn chắc chắn ghi lại được hình ảnh với phạm vi dải màu đầy đủ nhất. Điều này ám chỉ rằng đen đúng nghĩa là màu đen và trắng đúng nghĩa là màu trắng và đồng thời có một sự chuyển đổi mượt nhất giữa các sắc thái màu xám được hiện thị
  • Cân bằng màu: Cân bằng màu là muốn nói tới việc điều chỉnh màu sắc của máy quay đạt tới một điều kiện chuẩn nhất về ánh sáng. Còn kiểm soát màu là muốn nói tới việc thay đổi ánh sáng bằng cách sử dụng những thiết bị chiếu sáng hoặc sử dụng gel tạo màu cho ánh sáng. Đầu tiên, ánh sáng, màu sắc của nó đã được tự cân bằng. Có 2 loại ánh sáng phổ thông và theo chuẩn đó là: cân bằng màu của ánh sáng ban ngày (5500K) và cân bằng của tungsten (3200K), nhưng cũng có một số loại cân bằng màu sử dụng thẻ trung tính (màu xám hoặc trắng). Tuy nhiên, cũng có một số ít màu sắc mà ta không thể kiểm soát được, ví dụ ánh sáng trong văng phòng là ánh sáng huỳnh quang không thể thay đổi được.
  • Hình dáng và kích thước chủ thể: Ánh sáng phẳng trực diện sẽ không làm nổi bật được hình dáng của chủ thể. Nó sẽ làm phẳng toàn bộ những hình dáng của chủ thể (làm trộn nền và chủ thể làm một, giống như hình dạng không gian 2 chiều của phim hoạt hình). Nếu ánh sáng được sử dụng ở phía sau hay bên cạnh, thì hình dạng của chủ thể sẽ được phát huy tối đa. Việc này không chỉ quan trọng trong việc tạo độ sâu của hình ảnh khi quay hoặc chụp, mà còn tạo được tính cách, giá trị cảm xúc, hay những dẫn dắt quan trọng của câu chuyện. Cố gắng tạo ra những hình ảnh chân thật nhất, dễ nhận ra nhất, nó không chỉ giúp cho từng khung hình đẹp thêm mà còn ảnh hưởng tới chất lượng của cả bộ phim
  • Sự tách biệt: Sự tách biệt, nghĩa là làm sao đó để chủ thể bị đứng ngoài phông nền. Một phương pháp chủ yếu hay sử dụng đó là dùng ánh sáng nền (hay là ánh sáng phía sau). Hoặc một cách khác đó là làm cho phông nền thực sự tối hoặc thực sự sáng so với chủ thể. Trong khi làm hình ảnh có cảm giác không gian 3 chiều, chúng ta phải chú ý tới mặt trước, trung tâm và phông nền trong cảnh quay hoặc khi chụp ảnh. Sự tách biệt là rất quan trọng trong giai đoạn này

Lịch sử phát triển[sửa]

Lịch sử của kỹ thuật ánh sáng và sự ảnh hưởng của nó tới phong cách làm phim có thể được mô tả theo những mốc thời gian dưới đây:

Các kỹ thuật ánh sáng được sử dụng trong điện ảnh đầu những năm 1890 và những năm đầu của thế kỷ XX được coi là vô cùng sơ khai, nếu so với những kỹ thuật được sử dụng trong nhiếp ảnh tĩnh. Các nhà làm phim thời đó không sử dụng dải ánh sáng nhân tạo vốn đã là lựa chọn tiêu chuẩn trong các studio chụp ảnh và được các nhiếp ảnh gia sử dụng rộng rãi để nâng cao vẻ thẩm mỹ cho tác phẩm của họ. Thay vào đó, các nhà làm phim gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ánh sáng ban ngày. Vì lý do này, khi các bộ phim không được quay tại địa điểm thực tế, chúng được quay trên các trường quay trên sân thượng, hoặc trong các trường quay được xây dựng với thiết kế ngoài trời hoặc mái kính. Studio Black Maria nổi tiếng của Thomas Edison, được xây dựng vào năm 1892, dựa trên cấu trúc xoay cho phép mái kính của nó có thể điều động theo ánh sáng mặt trời trực tiếp. Một studio giống như nhà kính do nhà làm phim người Pháp Georges Méliès (1861–1938) xây dựng vào năm 1897 có cả mái và tường bằng kính và một loạt rèm có thể thu vào được, đây cũng là một mô hình có ảnh hưởng cho thiết kế của các studio sau này. Thời gian này, ánh sáng tự nhiên (như của mặt trời) rất quan trọng đối với các nhà làm phim, đến nỗi nó thường được coi là một trong những lý do khiến ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ chuyển trụ sở từ New York sang California để có thể tận dụng múi giờ với ánh sáng mặt trời lâu hơn (mặc dù có các lý do khác, chẳng hạn như phạm vi phong cảnh rộng lớn California có thể cung cấp cho việc chụp ảnh địa điểm).

Việc sử dụng ánh sáng ban ngày làm nguồn chiếu sáng chính mang lại sự rõ ràng cho thị giác. Tuy nhiên, nó không cho phép nhiều cơ hội để tạo ra các hiệu ứng ấn tượng như ánh sáng nhân tạo. Nó cũng không cho phép quay phim trong nhà hoặc ban đêm. Việc sử dụng ánh sáng nhân tạo đầu tiên được bắt nguồn từ năm 1896, khi nhà làm phim tiên phong người Đức Oskar Messter (1866–1943) mở xưởng phim trong nhà của mình ở Berlin. Đến năm 1900, studio Edison ở Mỹ đã bắt đầu sử dụng thường xuyên ánh sáng nhân tạo để bổ sung cho ánh sáng sẵn có trong tự nhiên. Ví dụ về cách làm này có thể được tìm thấy trong Why Jones Discharged His Clerks (1900) và The Mystic Swing (1900). Mặc dù việc sử dụng ánh sáng nhân tạo ban đầu chỉ giới hạn trong việc thay thế hoặc tăng cường ánh sáng mặt trời nhằm cung cấp hình ảnh rõ nét, nhưng đến năm 1905, các nhà làm phim đã bắt đầu khám phá khả năng sáng tạo của ánh sáng nhân tạo.

Hai nguồn ánh sáng nhân tạo chính được sử dụng vào thời điểm này. Một nguồn là đèn hồ quang, tạo ra sự chiếu sáng bằng tia lửa điện thay đổi giữa hai cực các-bon. Loại còn lại là đèn hơi thủy ngân, hoạt động theo cách tương tự như các ống chiếu sáng huỳnh quang hiện đại. Các nguồn này cho phép tạo ra ánh sáng định hướng, có nghĩa là một khu vực được chọn có thể được chiếu sáng rực rỡ hơn các phần khác. Khi những lợi ích thiết thực và thẩm mỹ của ánh sáng điện được chấp nhận ở cả Mỹ và nước ngoài, một số nhà sản xuất đã sử dụng nó làm nguồn chiếu sáng chính của họ, và "studio bóng tối" đầu tiên được mở tại Turin, Ý, vào năm 1907.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. B. Brown, “Cinematography”, Focal Press - USA, 2012
  2. J. Jackman, “Lighting for digital video and television”, 3rd edition, Focal Press - USA, 2010
  3. G. Millerson and J. Owens, “Video Production Handbook”, 4th edition, Elsevier Inc, 2008.
  4. B. Williams, “A History of Light and Lighting”. Archived from the original on 25 January 2013. Available at: http: //www. mts. net/~william5/history/hol. htm
  5. S. Barry, “Film Style and Technology: History and Analysis”. Second edition, London: Starword, 1992. Original edition published in 1983.