Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kênh đào quốc tế
Kênh đào Xuy-ê

Kênh đào quốc tế (tiếng Anh International canal) là tuyến đường thủy nhân tạo nối các biển (đại dương), được sử dụng cho giao thông hàng hải quốc tế, được quản lý bởi các nguyên tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia nơi có kênh đào đi qua.

Kênh đào quốc tế được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, lực lượng và phương tiện, rút ngắn quãng đường vận chuyển và nối thông tuyến vận tải giữa các biển (đại dương) tạo thành một hệ thống vận tải thống nhất; có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng. Khi đi qua Kênh đào quốc tế, tàu thuyền của các nước phải tôn trọng luật pháp của quốc gia, nơi kênh đào đi qua. Ngay trong trường hợp khi chưa thực thi các thỏa thuận quốc tế, chế độ pháp lý của Kênh đào quốc tế phải tính đến lợi ích của tuyến vận tải quốc tế. Quốc gia sở hữu kênh đào cho phép các quốc gia khác sử dụng kênh đào trên nguyên tắc bình đẳng đối với các tàu thuyền của các nước. Các quốc gia sử dụng kênh đào có trách nhiệm tôn trọng chủ quyền của nước chủ sở hữu kênh đào. Quy chế hoạt động của kênh đào là phi quân sự và trung lập, nghiêm cấm các hoạt động phong tỏa và tiến hành các hoạt động cản trở giao thông ở khu vực kênh đào ngoài việc thực hiện quyền tự vệ; tất cả các quốc gia phải tuân thủ các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và có trách nhiệm chi trả vô điều kiện các chi phí do việc sử dụng kênh đào. Các Kênh đào quốc tế tiêu biểu trên thế giới: Suez, Panama, Kiel, Saimaa.

Kênh đào Suez nằm trên lãnh thổ Ai cập, nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Đây là tuyến giao thông đường thủy trọng yếu, ngắn nhất nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương. Chế độ pháp lý của kênh đào Suez được thực hiện theo Công ước Constantine năm 1888 và luật pháp của Ai Cập. Kênh đào Suez được mở cửa cả trong thời bình và thời chiến cho tất cả tàu thuyền của các nước kể cả tàu quân sự tự do qua lại; không chấp nhận việc phong tỏa kênh đào. Chính phủ Ai Cập được phép áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và duy trì trật tự cho các hoạt động của tàu thuyền tại khu vực kênh đào; có quyền hạn chế lượng tàu thuyền qua lại để tu sửa và bảo dưỡng kênh đào. Kênh đào Suez có vị trí chiến lược đặc biệt, trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất và Chiến tranh thế giới lần thứ Hai là tuyến đường vận chuyển lực lượng, vũ khí, trang bị cho quân đội Anh, Mỹ và đồng minh chống phát xít. Trong chiến tranh Israel - Ai Cập (5-10.6.1967), quân đội Israel chiếm đóng bán đảo Sinai, làm gián đoạn hoạt động của kênh đào nhiều năm.

Kênh đào Panama nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, cắt ngang lãnh thổ Panama ở chỗ hẹp nhất. Chế độ pháp lý ban đầu được thực hiện theo thỏa thuận Mỹ - Panama (1903), theo đó Mỹ độc tôn quản lý kênh đào. Năm 1977, Mỹ và Panama ký hiệp ước về chế độ trung lập thường xuyên và chức năng quản lý kênh đào Panama sẽ có hiệu lực từ 1.10.1979. Ngày 31.12.1999, Mỹ trao trả quyền kiểm soát kênh đào cho Panama; kênh đào Panama là tuyến hàng hải quốc tế trung lập vĩnh viễn, mở cửa cho tàu thuyền của tất cả các nước đi qua trên cơ sở bình đẳng và phi quân sự.

Kênh đào Kiel nối biển Baltic với Biển Bắc (thuộc lãnh thổ nước Đức). Chế độ pháp lý kênh đào Kiel tuân thủ theo luật pháp của Đức, cho phép tàu thuyền của tất cả các nước qua lại 24/24 giờ trong ngày. Tàu quân sự của các nước muốn đi qua kênh đào phải được sự đồng ý trước qua đường ngoại giao.

Kênh đào Saimaa nằm kẹp giữa lãnh thổ Nga và Phần Lan, nối hệ thống hồ Saimaa và vịnh Phần Lan. Chế độ pháp lý của kênh đào thực hiện theo thỏa ước đã ký kết giữa Nga (Liên Xô cũ) và Phần Lan năm 1962. Năm 2010 Nga ký hiệp ước với Phần Lan, cho Phần Lan thuê 19,6 km kênh đào trên lãnh thổ Nga và các vùng đất ven kênh đào trong thời gian 50 năm (đến năm 2063), hiệp ước có hiệu lực từ năm 2011.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Bộ Tư pháp - Viện Khoa học Pháp lý, Từ điển Luật học, Nxb Từ điển bách khoa và Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006.
  3. Từ điển Bách khoa Britannica, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014.
  4. Nguyễn Kim Vỹ, Từ điển bách khoa Việt Nam 4 tập, bản điện tử.
  5. Военная Энциклопедия (Bách khoa toàn thư quân sự), tập 5, Nxb Quân sự, Maxcơva, 2001.
  6. Большая Российская Энциклопедия (Đại bách khoa toàn thư Nga), bản điện tử: bigenc.ru.
  7. Дипломатический словарь (Từ điển ngoại giao), Каналы Международные (kênh quốc tế), bản điện tử.
  8. Морской словаръ (Từ điển hàng hải), Каналы Международные (kênh đào quốc tế), bản điện tử.